Tỷ lệ lãi suất tiền gửi NH nào cao nhất?

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lãi suất tiền gửi trên 12 tháng đang có xu hướng tăng. Hiện lãi suất huy động vàng cũng tiếp tục "nóng".

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiền gửi trên 12 tháng đã tăng nhẹ ngay từ cuối tháng 9. Một số ngân hàng như Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu, Ngân hàng TMCP Bắc Á, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín, Ngân hàng TMCP Phương Tây, Ngân hàng TMCP Kỹ thương VN (Tecombank),… có lãi suất huy động cao nhất là 12,5-13%/năm ở kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng.

Cũng theo NHNN, hiện nay, lãi suất tiền gửi phổ biến không kỳ hạn ở mức 1-2%/năm; kỳ hạn dưới 01 tháng là 2%/năm; từ 1 tháng đến dưới 12 tháng có mức 8,8-9%/năm, từ 12 tháng trở lên có mức cao từ 11% đến 13%/năm.

Lãi suất huy động vàng cũng tăng trở lại ngay từ giữa tháng 9. Tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), lãi suất huy động vàng ở chương trình “Kỳ hạn Vàng, Ưu đãi Vàng” từ 0,5% lên 1,4 - 1,6%/năm tùy lượng vàng gửi. Sacombank cũng tăng mạnh lãi suất từ 0,5%/năm lên 1,6%/năm với thời hạn gửi 1- 2 tháng.

ACB hiện cũng đang niêm yết mức lãi suất chứng chỉ huy động vàng ở mức 1,4%/năm.

Theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), trong tháng 9, ba Ngân hàng lớn là ACB, Eximbank, Sacombank đã đi đầu trong việc tăng lãi suất huy động vàng và huy động VND.

Ngày 11/9, ACB là ngân hàng đầu tiên áp mức 13%/năm trên biểu lãi suất huy động VND. Đây là mức cao nhất và lần đầu tiên xuất hiện kể từ tháng 6/2012 trở lại đây.Tiếp đến là Eximbank, Sacombank cũng công bố các mức lãi suất cao nhất từ 12,8 - 13%/năm.

SHS nhận định, quy định chặt chẽ hơn về việc vay vốn trên giữa các tổ chức tín dụng trong Thông tư 21/2012/TT-NHNN (quy định về hoạt động cho vay, đi vay; mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) cũng ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nguồn vốn liên Ngân hàng của một bộ phận Ngân hàng, khiến lãi suất huy động đang có xu hướng được điều chỉnh tăng.

Theo một số chuyên gia kinh tế, việc lãi suất huy động có xu hướng tăng có thể dẫn đến lãi suất cho vay khó giảm mà sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Trong khi đó, diễn biến giá vàng trong nước cũng có sự biến động phức tạp. Trong tuần này, giá vàng trong nước lại tăng vượt trội, đẩy giá chênh lệch lên tới 3 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới.

Nhu cầu mua vàng trên thị trường tập trung chủ yếu tại một số Ngân hàng lớn (ACB, Eximbank, Sacombank, Đông Á, Techcombank), trong khi, lượng cầu từ người dân không nhiều.

SHS cho biết, tình trạng này là do các ngân hàng cần cân đối trạng thái vàng trước khi quy định chấm dứt việc huy động cho vay bằng vàng có hiệu lực từ ngày 25/11 tới.
 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đinh Bách (Vnmedia)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN