Tỷ giá sẽ ổn định ở biên độ 2 - 3%

Nhận định về diễn biến tỷ giá hối đoái trong năm nay, các chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, tỷ giá vẫn theo chiều hướng ổn định ở biên độ 2 - 3%.

Trong thời gian qua, các ngân hàng vẫn tiếp tục mua ròng ngoại tệ. Mặc dù đã tăng bán ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, song lượng USD ngân hàng mua vào vẫn nhiều hơn so với lượng bán ra.

Vì thế, theo đánh giá của PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cung ngoại tệ ngày càng được bổ sung nên tỷ giá khó biến động ngoài tầm kiểm soát. Ông Ngân cho rằng, tỷ giá hối đoái trong năm nay vẫn theo chiều hướng ổn định.

“Chủ trương của NHNN là tiếp tục ổn định tỷ giá. Cung ngoại tệ hiện nay khá dồi dào, trong khi nhu cầu nhập khẩu sẽ khó tăng mạnh. Đối với xuất khẩu, theo tôi, tỷ giá hiện nay đã khuyến khích được DN. Vì thế, tỷ giá sẽ tiếp tục xu hướng ổn định, nếu điều chỉnh cũng chỉ ở biên độ 1 - 2%”, ông Ngân nói và nhận định thêm, tỷ giá sẽ trong tầm kiểm soát của NHNN khi cán cân thương mại thặng dư lần đầu tiên trong vòng hơn 10 năm. Cán cân thương mại cân bằng, cùng với chính sách quản lý hiệu quả, giúp cho tỷ giá ổn định hơn 1 năm qua.

Tỷ giá sẽ ổn định ở biên độ 2 - 3% - 1
Tại Vietcombank, tỷ giá niêm yết cuối tuần qua là 20.920 - 20.960 đồng/USD

Lượng ngoại tệ các NHTM bán lại cho NHNN cũng gia tăng. Cụ thể, năm ngoái, NHNN mua được 18 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối, cán cân tổng thể thặng dư 3 - 5 tỷ USD, vì thế áp lực lên tỷ giá trong năm nay được đánh giá không lớn. Chủ trương của NHNN theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình là tiếp tục ổn định tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường, tình hình cung cầu ngoại tệ, góp phần nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa trong nước, khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, giữ ổn định giá trị đồng Việt Nam, nhằm hỗ trợ phát triển bền vững và chống đô la hóa nền kinh tế.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã phát đi thông điệp sẽ duy trì tỷ giá ổn định trong năm nay và biến động chỉ trong khoảng 2 - 3%. Nếu thị trường xảy ra những “cơn sốt” tỷ giá như vừa rồi, NHNN sẽ tiếp tục can thiệp và thực hiện các biện pháp điều hành cần thiết để ổn định thị trường và thực hiện tốt các mục tiêu Chính phủ giao.

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, với lạm phát kỳ vọng 6 - 7% và tỷ giá USD/VND ổn định ở biên độ 2 - 3% trong năm 2013 sẽ tạo điều kiện quan trọng cho các DN xây dựng kế hoạch kinh doanh, phát triển thị trường cũng như tính toán cho các mục tiêu trung hạn.

Theo đánh giá của ông Lịch, việc tỷ giá biến động nhẹ trong thời gian qua là do ảnh hưởng tâm lý của người dân bởi các tin đồn thất thiệt trên thị trường. Nhưng tỷ giá đã nhanh chóng ổn định trở lại chỉ sau một vài ngày.

PGS. TS Trần Hoàng Ngân cũng đồng quan điểm khi cho rằng, thị trường ngoại tệ biến động vừa qua là do những ảnh hưởng về tâm lý. Chỉ cần có những tin đồn thiếu cơ sở cũng dễ làm cho niềm tin mới tạo lập được một năm bị lung lay. Do đó, theo ông Ngân, cần phải tiếp tục kiên trì tạo lập niềm tin vào VND. Bởi việc giữ tỷ giá ổn định là nguyên nhân quan trọng khiến nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định trong năm qua, nên ở thời điểm hiện nay không có cơ sở để phá giá tiền đồng, vì tỷ giá là do cung - cầu quyết định, trong khi đó, nguồn cung USD đang thừa.

Còn theo Tổng giám đốc Eximbank, ông Trương Văn Phước thì áp lực lên tỷ giá năm nay là không lớn. Tỷ giá sẽ biến động theo chiều tăng, nhưng chỉ tăng từ 2 - 3%.

Chuyên gia tài chính, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, với lượng dự trữ ngoại hối ở mức cao kỷ lục, NHNN hoàn toàn có thể can thiệp bình ổn thị trường nên người dân cần tỉnh táo trước biến động nhẹ của tỷ giá. Mặt khác, hiện giữ VND có lợi hơn USD.

Theo TS. Nghĩa, năm 2012, NHNN đã mua vào gần 20 tỷ USD, khiến dự trữ ngoại hối đạt trên 30 tỷ USD (hơn 14 tuần nhập khẩu), góp phần đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Năm 2013, dự đoán cán cân thương mại thâm hụt thấp, nhu cầu nhập khẩu vẫn yếu do tổng cầu trong nước suy giảm mạnh nên theo ông Nghĩa, sức ép tỷ giá không lớn. Nhưng năm nay nên điều chỉnh với mức khoảng 2 - 3% và khi cơ hội thuận lợi, NHNN hoàn toàn có thể chủ động điều chỉnh, có thể bắt đầu từ quý III/2013.

Phó giám đốc NHNN TP. HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh cũng cho rằng, áp lực lên cung ngoại tệ không còn là vấn đề đáng lo ngại khi tín dụng USD “siết” lại, tỷ giá trên thị trường tự do dần được kiểm soát và thu hẹp, nhu cầu nhập khẩu không tăng. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Vinh (Đầu tư chứng khoán)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN