Tỷ giá ổn định: Được nhiều hơn mất?

Ngay sau khi ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức khẳng định giữ ổn định tỷ giá đến hết năm 2013, giá USD trong hệ thống ngân hàng cũng như trên thị trường tự do giảm nhẹ.

Chính sách tỷ giá ổn định thời gian qua đã góp phần tích cực ổn định lạm phát, thu hút đầu tư nước ngoài, tăng dự trữ ngoại hối… Tuy nhiên, uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, chính sách tỷ giá của NHNN nên linh hoạt hơn nữa nhằm khuyến khích xuất khẩu.

NHNN tuyên bố giữ tỷ giá, USD “hạ nhiệt”

Cuối tuần qua (6.12), NHNN đã chính thức khẳng định, tỷ giá sẽ được ổn định từ nay đến hết năm 2013. Thông điệp của cơ quan quản lý được phát đi trong bối cảnh tỉ giá mấy ngày gần đây có xu hướng tăng trong cả hệ thống ngân hàng cũng như trên thị trường tự do. Trong chừng nửa tháng, giá USD trong hệ thống ngân hàng đã tăng từ 60 – 80 đồng/USD.

Tuy nhiên, theo đánh giá của NHNN, cung cầu ngoại tệ vẫn ở mức cân bằng. Nhập siêu của Việt Nam 11 tháng ở mức thấp (96 triệu USD, tương đương với 0,08% tổng kim ngạch xuất khẩu), trong đó tháng 11, Việt Nam xuất siêu 50 triệu USD. Cán cân vãng lai thặng dư liên tục từ đầu năm tới nay, đến cuối quý 3.2013 khoảng 7,2 tỉ USD, tương đương khoảng trên 4% GDP và là mức thặng dư rất cao so với những năm trước đây.

Tỷ giá ổn định: Được nhiều hơn mất? - 1

Theo đánh giá của NHNN, cung cầu ngoại tệ vẫn ở mức cân bằng. Ảnh: LQN

Dự báo cán cân thanh toán tổng thể cả năm sẽ thặng dư ở mức 2,5 – 3 tỉ USD. Bên cạnh đó, doanh số giao dịch, trạng thái ngoại tệ và hoạt động mua bán ngoại tệ của các tổ chức tín dụng diễn biến bình thường, thanh khoản thị trường tốt, không có gì đột biến, phản ánh đúng quan hệ cung cầu trên thị trường. Tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng diễn biến khá ổn định, thấp hơn tỷ giá mua vào của NHNN là 21.100 VND/USD. Vì thế, NHNN đã mua vào ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối nhà nước với số lượng lớn.

“Như vậy, có thể thấy diễn biến tỷ giá trong vài ngày gần đây chủ yếu xuất phát từ yếu tố tâm lý, kỳ vọng điều chỉnh tỷ giá do tác động từ những nhận định, đánh giá về điều hành tỷ giá tại Bản báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô 11 tháng năm 2013 của uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia”, NHNN nhận định.

Sau khi NHNN khẳng định không điều chỉnh tỷ giá, giá USD trong hệ thống ngân hàng đã giảm nhẹ, như tại Vietcombank, giá niêm yết còn 21.130 – 21.150 đồng/USD, giảm 20 đồng/USD giá bán ra. Trên thị trường tự do tại Hà Nội, ngày 8.12, tỷ giá được giao dịch phổ biến ở mức giá mua vào 21.170 – 21.180 đồng/USD; bán ra 21.180 – 21.190 đồng/USD, giảm 10 – 20 đồng/USD, đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa giá mua – bán từ 20 – 30 đồng/USD xuống còn 10 đồng/USD. Diễn biến này cho thấy, cung – cầu trên thị trường tự do đã khá cân bằng, tâm lý kỳ vọng điều chỉnh tỷ giá đã được giải toả trước thông tin của NHNN.

“Được” nhiều hơn “mất”?

Như vậy, năm 2013, tỷ giá đã được ổn định trong biên độ như thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã từng tuyên bố hồi đầu năm. Kết quả này đã và sẽ góp phần kiềm chế lạm phát từ nay đến cuối năm, cũng như cả năm 2013. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 chỉ tăng 0,34% so với tháng 10, tăng 5,5% so với tháng 12.2012 và tăng 5,78% so với cùng kỳ năm 2012. Như vậy, trong mười năm qua, tốc độ lạm phát so với cùng kỳ trong tháng 11.2013 thấp chỉ sau năm 2009. Trong bản báo cáo tình hình kinh tế Việt Nam 11 tháng năm 2013, uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, lạm phát cả năm nay sẽ không quá 6,3%, mục tiêu kiềm chế lạm phát thấp hơn năm ngoái hoàn toàn khả thi.

Uỷ ban Giám sát tài chính kiến nghị, trong năm 2014, chính sách tỷ giá cần linh hoạt hơn nữa nhằm hỗ trợ năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu Việt Nam.

Tỷ giá ổn định cũng góp phần tích cực giúp NHNN tăng dự trữ ngoại hối. Trong thông điệp ngày 6.12, NHNN cho biết những ngày qua, cơ quan này đã mua vào ngoại tệ với số lượng lớn. Tổng giám đốc ngân hàng HSBC Việt Nam mới đây đã đưa ra nhận định, dự trữ ngoại hối Việt Nam năm 2013 vào khoảng 30 tỉ USD, tăng 200% chỉ trong hai năm qua. Tỉ giá ổn định cũng thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục vào Việt Nam, nhất là trong bối cảnh một số nước trong khu vực đồng nội tệ mất giá khá mạnh, như Philippines mất giá trên 5%; Malaysia mất giá 9%; Nhật Bản mất giá trên 11%; Indonesia mất giá gần 13%; Ấn Độ mất giá trên 15%... Theo tổng giám đốc HSBC Việt Nam, điều này sẽ góp phần nâng dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng lên khoảng 35 tỉ USD trong năm 2014 và đạt 40 tỉ USD năm 2015.

Tỷ giá ổn định, cũng góp phần ổn định dòng vốn, thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, là cơ sở để ổn định và hạ mặt bằng lãi suất cho vay vốn. Còn nhớ, một số cơn sốt tỷ giá một vài năm trước đó đã dẫn tới tình trạng người dân ào ào đi rút tiền mua ngoại tệ, làm vơi đáng kể dòng vốn VND của không ít ngân hàng. Tỷ giá ổn định cũng giúp các doanh nghiệp nhập khẩu vay ngoại tệ bớt đi khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá…

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, tỷ giá ổn định cũng hàm chứa trong đó những yếu tố bất lợi của nền kinh tế, đó là tổng cầu trong nước vẫn còn yếu, hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất cũng như nhập khẩu hàng hoá tiêu dùng vẫn nhúc nhích chậm chạp. Mặt khác, tỉ giá thấp đi ngược với kỳ vọng, lợi ích của các doanh nghiệp xuất khẩu. Trong khi đó, theo uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, sản xuất công nghiệp vào cuối năm có dấu hiệu cải thiện nhờ xuất khẩu tăng khá. Theo ước tính của tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đầu năm tăng 16,2% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước tăng 3,6% cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái chỉ là 0,9%.

Chính vì vậy, ủy ban Giám sát tài chính kiến nghị, trong năm 2014, chính sách tỷ giá cần linh hoạt hơn nữa nhằm hỗ trợ năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu Việt Nam. “Cụ thể là nên xác lập một ngang giá tiền tệ mới trong bối cảnh khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới 2007 – 2008 đã xác lập một mặt bằng giá mới”, báo cáo của cơ quan này viết.

Thảo Nguyễn

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thảo Nguyễn (Sài Gòn tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN