Tỷ giá kỳ vọng kiếm lời?

Đang rộ lên thông tin tỷ giá đứng trước áp lực phải điều chỉnh. Toàn cảnh bức tranh ngoại tệ thế nào, thực hư diễn biến thị trường những ngày này ra sao, khả năng điều chỉnh có xảy ra, cả giới nhà băng, doanh nghiệp và người dân đều đang ngóng trông từng động thái.

Kỳ vọng

Chị Hiền, chủ một cửa hàng Giải Phóng (Hà Nội) cho biết: “Mặc dù lãi suất USD đang khá thấp nhưng thường vào cuối năm giá USD sẽ tăng nên tôi quyết định không chuyển 15 nghìn USD sang tiền VND gửi mà vẫn gửi bằng USD.

Không chỉ chị Hiền, khá nhiều người dân, thậm chí các DN đều chung kỳ vọng giá USD tăng vào dịp cuối năm. Bởi đó là thời điểm nhu cầu ngoại tệ nhập khẩu hàng hóa phục vụ cho những ngày lễ tết và thường tỷ giá tăng khi sức ép về cầu lớn.

Theo một nhân viên ngân hàng, xu hướng người dân rút USD ra khỏi ngân hàng có chiều hướng tăng lên trong những ngày gần đây. “Song, người gửi tiết kiệm USD cân nhắc không nên mạo hiểm chuyển đổi. Nếu tỷ giá vẫn ổn định sẽ bị thiệt hại nhiều hơn khi mất tiền lãi do rút vốn trước hạn”- Lãnh đạo một NH chiếm thị phần lớn trên thị trường ngoại tệ lưu ý.

Nhiều chuyên gia nước ngoài đã đưa ra lời khuyến nghị NHNN cân nhắc điều chỉnh tỷ giá để vừa hỗ trợ cho xuất khẩu vừa bám sát thị trường. Kỳ vọng tỷ giá tăng tiếp tục được nhen lên khi tại trả lời phỏng vấn Bloomberg nhân chuyến thăm tới Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, từ nay đến cuối năm Chính phủ dự kiến sẽ phá giá tiền đồng tối đa là 2%. Còn tỷ lệ điều chỉnh bao nhiêu tùy thuộc vào diễn biến thị trường.

Liệu đây có phải áp lực khiến nhà điều hành phải tăng tỷ giá? Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước chia sẻ quan điểm: cần tiếp cận kỹ thông điệp của Thủ tướng. “2% là mức điều chỉnh tối đa đối với tỷ giá còn mức điều chỉnh ra sao còn tùy thuộc vào thị trường”- ông Phước nhấn mạnh.

Tỷ giá kỳ vọng kiếm lời? - 1

Kỳ vọng, áp lực đang “đè” lên tỷ giá (Ảnh minh họa: DDNN)

Áp lực đủ lớn chưa?

Phó tổng giám đốc VIB Lê Quang Trung cho rằng phải tách ra áp lực tỷ giá đến từ đâu lúc đấy mới tính mức độ điều chỉnh.

“Theo tôi nghĩ áp lực tỷ giá không đến từ yếu tố vĩ mô: lạm phát cao khiến đồng tiền mất giá, hay cán cân thanh toán mất cân đối, dự trữ ngoại hối thấp. Mà chủ yếu có thể là việc điều chỉnh để cân đối hài hòa cho mục tiêu tăng trưởng”, ông Trung nhận định.

“Tôi không nghĩ tất cả nhà xuất khẩu lợi nhuận tăng tương ứng với mức độ tăng của tỷ giá. Bởi vì có một số nhà xuất khẩu đặc biệt là may mặc họ nhập khẩu nguyên liệu khá nhiều nếu cộng các chi phí lại cũng không lời được bao nhiêu. Cho dù nếu phá giá 2% thì lợi nhuận họ cũng chỉ tăng được 10%. Nên để chứng minh phá giá xuất khẩu tăng lên 2% thì lợi nhuận tăng tương ứng chẳng ai chứng minh được. Vì xuất khẩu chủ yếu là gia công nên giá trị mang lại không cao”, ông Trung phân tích.

Một lãnh đạo NHTMCP khác không đồng tình với nhận định các nước trong khu vực phá giá đồng nội tệ khiến đồng VND đánh giá cao gây bất lợi cho xuất khẩu nên phải điều chỉnh tỷ giá. Vị này cho rằng, các nước trong khu vực Đông Nam Á là những nền kinh tế mới nổi và được các nhà đầu tư rót một lượng vốn đầu tư tương đối lớn.

Theo số liệu FII mà lãnh đạo NH này thu thập được thì từ năm 2009 đến nay tổng FII vào các nước châu Á khoảng 80 tỷ USD. Thời gian qua do lo ngại về việc FED ngưng nới lỏng gói QE3 một lượng tiền nóng đã rút khỏi các nước này. “Cũng có những người hỏi tôi tại sao Việt Nam không bị ảnh hưởng vì số tiền đổ vào Việt Nam không đáng kể chỉ chiếm 1%”, vị này nói thêm.

Cung đang át cầu

Một yếu tố được “nhắc đến” nhiều nhất có thể gây áp lực cho tỷ giá đó là cầu ngoại tệ từ phía DN cho kế hoạch kinh doanh cuối năm. Nhưng trên thực tế, lãnh đạo nhiều NH phản ánh nhu cầu ngoại tệ của DN vẫn còn thấp.

“Các DN tỏ ra khá thận trọng trong kế hoạch mở rộng kinh doanh. Nên không đặt “tham vọng” kiếm lời từ tỷ giá. Và rất khó có sự đột biến về cầu ngoại tệ vào dịp cuối năm nay”, vị này cho biết thêm. Còn về phía người dân, tâm lý kỳ vọng tỷ giá “nhỉnh” hơn. Rõ ràng khi kỳ vọng vào một đợt biến động mạnh, có lợi cho lượng tài sản đủ lớn, găm giữ là tất yếu.

Thời điểm này diễn biến trên thị trường ngoại tệ khá ổn định. Giá USD giao dịch tại các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng đều đang có chiều hướng giảm. Theo lãnh đạo cấp vụ NHNN, kể từ ngày 10/10, NHNN vẫn duy trì mua vào ngoại tệ của một số NH có thế mạnh về ngoại tệ.

Qua quan sát thị trường, các ngân hàng này đang khá dư dả đồng USD nên đã bán cho NHNN. Với tư cách là người mua bán cuối cùng, NHNN sẽ sẵn sàng mua vào nhưng đồng thời bán ra nếu NH có nhu cầu. “Lượng ngoại tệ NHNN mua được trong những ngày qua cũng tương đối lớn. Qua đó vừa tạo gối đệm thanh khoản cho thị trường cũng như tăng khả năng can thiệp khi thị trường biến động”, một lãnh đạo NH tính toán.

Cung - cầu trên thị trường ngoại tệ vẫn nằm trong dự kiến của chính sách. Cầu thấp, trong khi cung ngoại tệ khá ổn định. “Khi thị trường tốt, các nhu cầu ngoại tệ chính đáng được đáp ứng, trong trường hợp không cần thiết thì không có lý do gì phải điều chỉnh. Với xu hướng này, tỷ giá trong năm 2013 sẽ không tăng quá 2% như cam kết của NHNN”- một chuyên gia làm việc lâu năm trong lĩnh vực ngoại hối nhận định.

Báo cáo Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13, quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã gia tăng mạnh, từ 6 tuần nhập khẩu vào cuối năm 2010 tăng lên khoảng 12 tuần vào cuối năm 2012 đến 2013 và có thể tăng thêm trong thời gian tới. Bên cạnh đó dự kiến cán cân thanh toán tổng thể cả năm 2013 sẽ thặng dư ở mức 5 tỷ USD, kiều hối dự báo tăng mạnh cuối năm có thể đạt 11 – 11,5 tỷ USD. “Hiện thị trường vẫn đang rất ổn định, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang mua vào ngoại tệ”- Chiều 25/10, lãnh đạo NHNN nói với Tiền Phong.

K.H

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Anh (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN