Tỷ giá biến động 1-2% có đáng ngại ?
Đợt sóng gió trên thị trường ngoại tệ vừa qua khiến giới kinh doanh, doanh nghiệp và người dân đều nhấp nhổm. Việc tỷ giá biến động sau thời gian dài yên ắng có thực sự đáng ngại? Thạc sĩ Hồ Bá Tình, chuyên gia kinh tế độc lập đã phân tích nhanh với Tiền phong.
Cơn sốt tỷ giá tăng hai tuần qua khiến người ta lo ngại, “vòng xoáy” tăng giá càng thêm nóng khi “cầu” mua trên thị trường tự do cũng như ngân hàng gia tăng mạnh.
Thực ra, mức biến động 1-2% của VND so với USD là một mức rất hẹp so với rất nhiều đồng tiền khác thậm chí tỷ giá của VND so với đô la Mỹ đang tương đối ổn định.
Đợt sóng gió trên thị trường ngoại tệ vừa qua khiến giới kinh doanh, doanh nghiệp và người dân đều nhấp nhổm.
Thống kê trên Yahoo finance cho thấy đồng USD so với đồng đô la Úc đã mất giá 2,32%, còn tính trong một năm qua đã mất 10,26%; đồng EUR cũng mất giá tới 3,41% so với đồng USD trong một tháng trở lại đây. Đặc biệt là đồng Yên Nhật giảm giá hơn 16% kể từ đầu năm đến nay.
Giá USD tự do tại Hà Nội sáng 15/7 phổ biến ở mức 21.490-21.500 đồng (mua vào) và 21.530-21.540 đồng (bán ra). So với cuối tuần, giá USD tự do hiện đứng yên ở chiều mua vào nhưng giảm 10 đồng ở chiều bán ra. Như vậy, sau khi vượt ngưỡng 21.800 đồng vào đầu tuần trước, giá USD tự do đã giảm liên tục và đang ổn định trên ngưỡng 21.500 đồng. Các ngân hàng thương mại tiếp tục giữ giá USD niêm yết ở mức kịch trần biên độ. Báo giá ngoại tệ này tại Vietcombank sáng nay là 21.210 đồng (mua vào) và 21.246 đồng (bán ra). Eximbank đang mua vào USD ở mức 21.200 đồng và bán ra ở mức 21.246 đồng. |
Hiện chế độ tỷ giá của Việt Nam hiện nay là chế độ tỷ giá cố định có điều tiết. Về nguyên tắc muốn giữ tỷ giá cố định hoặc giao động quanh một biên độ hẹp thì Ngân hàng Nhà nước phải liên tục mua bán ngoại tệ trên thị trường để duy trì sự ổn định của tỷ giá. Tuy nhiên, thực tế thì sự can thiệp của NHNN thường tương đối chậm so với thị trường và thường sử dụng các giải pháp hành chính.
Ngoài ra, cần lưu ý ở những nước theo tỷ giá thả nổi, Ngân hàng Trung ương rất ít can thiệp sâu vào tỷ giá vì vậy có những đồng tiền trong năm có thể biến động 10-30% so với đồng các đồng ngoại tệ khác.
Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đều sử dụng các công cụ tài chính để bảo hiểm sự biến động này. Chưa kể, người dân ở đây quá quen thuộc với sự biến động tỷ giá nên nó rất bình thường. Ngược lại ở Việt Nam thì doanh nghiệp xuất nhập khẩu ít khi mua công cụ bảo hiểm tỷ giá và người dân cũng chưa quen với biến động tỷ giá nên mỗi khi có biến động 1-2% đều gây ra tâm lý hoang mang.
Cho dù hiện nay việc mua bán ngoại tệ không còn dễ dàng như trước nhưng không phải là không thể nên việc giữ tiền đồng hay USD vẫn được rất nhiều người quan tâm. Việc lựa chọn cất giữ đồng ngoại tệ vẫn được khá nhiều người ưa chuộng do thói quen và cả lo ngại sự mất giá của đồng nội tệ.
Con số này được minh chứng rất rõ là hiện tỷ lệ tiền gửi bằng ngoại tệ trong tổng huy động của nền kinh tế vẫn chiếm tỷ lệ 18-20%. Như vậy, nhu cầu cất giữ ngoại tệ, mua đầu cơ hoặc đơn giản để phòng ngừa rủi ro là có thật.
Có nên đầu tư USD vào lúc này hay không? Thực sự việc mua ngoại tệ đầu cơ lúc này không phải là cách đầu tư không ngoan. Thống kê cho thấy tỷ giá USD/VND từ năm 2000 đến nay trung bình mỗi năm chỉ tăng 2,88%. Như vậy, với mức chênh lệch lãi suất tiền gửi giữa tiền đồng và USD là 7-9% như hiện nay thì rõ ràng gửi bằng đồng nội tệ trong dài hạn có lợi hơn rất nhiều so với đông Đô la.