Từng giàu nứt đố đổ vách, nay quốc gia này lại lạm phát 1.000.000%
Theo tin tức mới nhất, tỷ lệ lạm phát của nước này sẽ đạt tới 1.000.000% vào cuối năm nay.
Từng là một trong những nước siêu giàu có nhờ sản xuất dầu nhưng giờ đây, Venezuela đang phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế. Ngày 23//7 vừa qua, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF đã đưa ra dự đoán kinh tế mới về khu vực châu Mỹ Latinh. Theo đó, dự tính tới cuối năm nay, lạm phát gia tăng sẽ khiến vật giá ở Venezuela tăng giá gấp 10.000 lần, kéo theo cả hiệu suất tổng thể của Mỹ Latinh.
Người nghèo ở Venezuela phải cắt giảm bữa ăn chỉ còn 1 bữa/ngày
Ông Alejandro Werner, giám đốc khu vực tây bán cầu của IMF nhận định: “Chúng tôi dự tính tới cuối năm 2018, tỷ lệ lạm phát của Venezuela sẽ chạm ngưỡng 1.000.000%”. Tình trạng này tương tự như nước Đức năm 1923 và Zimbabwe năm 2008. Cũng theo IMF, nền kinh tế của Venezuela năm nay sẽ thu hẹp 18%. Đây sẽ là lần suy thoái lần thứ 3 liên tiếp với tỷ lệ phần trăm ở mức 2 con số tại nước này.
Hơn 100 người xếp hàng ở Caracas để mua gà được bán với giá “đã được kiểm soát”
Ông Werner cho biết, nguyên nhân chủ yếu gây ra suy thoái kinh tế ở Venezuela là do sản lượng dầu giảm liên tục. Ngoài ra, việc chính phủ in tiền để tạo nguồn tài chính cũng dẫn đến tình trạng lạm phát xấu.
Chợ bán khoai tây, cà rốt và yucca ở Caracas. Yucca ngày càng được ưa chuộng vì loại thực phẩm này khá rẻ tiền
Là một trong những nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, 90% thu nhập tài chính của Venezuela đều dựa vào xuất khẩu dầu. Chính quyền của tổng thống Maduro cho rằng, các thế lực ngoại bang do Mỹ cầm đầu đã cấu kết với các phe nổi loạn trong nước để phát động “chiến tranh kinh tế”. Trong khi đó, những người phản đối thì cho rằng ông Maduro thi hành chính sách bất cập, khiến vật giá leo thang, thực phẩm và thuốc men ngày càng thiếu hụt.
Người dân chen chúc giữa đêm để nhận bột ngô – nguyên liệu làm bánh ngô, món ăn chủ yếu của người Venezuela
Giờ đây, người dân Venezuela thường xuyên lâm vào cảnh ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Phần lớn người dân trên đường đều mang thân hình gầy gò. Ở Venezuela, nếu muốn mua 1 cuộn giấy vệ sinh, bạn phải đem theo một chồng tiền còn dày hơn cuộn giấy đó. Tuy nhiên, người tiêu dùng còn không có đủ tiền để sắm sửa những vật dụng cần thiết. Bởi trước đó, nước này đã in quá nhiều tiền, dẫn đến tiêu tốn một lượng lớn giấy và cần nhập khẩu thêm từ nước ngoài. Nhưng giờ đây, họ thậm chí còn không đủ tiền để nhập khẩu giấy… in tiền. Giá sản xuất 1 tờ tiền cao hơn nhiều so với giá trị được in trên đó.
Cùng với sự mất giá của đồng tiền, người dân Venezuela đang phải vật lộn với mức lương thấp không tưởng. Một nhân viên công vụ chỉ kiếm được 5,9 triệu Bolivar (797.000 VND), đủ để mua… 1 cân thịt lợn tại nước này.
Những điều đơn giản như rút tiền từ máy ATM, mua 1 ly cà phê hoặc đi taxi cũng trở thành cuộc đua để tồn tại ở Venezuela. Người dân nơi đây dành rất nhiều thời gian hằng ngày để xếp hàng chờ mua các nhu yếu phẩm cơ bản. Những gia đình nghèo thậm chí còn phải giảm bữa ăn xuống còn 1 bữa, với thức ăn là gạo, đậu hoặc mỳ. Do vật giá tăng lên quá cao nên một số người đã thực hiện biện pháp trao đổi hàng hóa, thay vì đi mua sắm với mức giá đắt đỏ. Bên cạnh đó, các phương tiện giao thông như xe buýt, xe cứu thương không thể hoạt động vì phí nhiên liệu quá cao, hoặc bị hỏng mà không có phụ tùng nhập khẩu thay thế.
Vượt qua điều kiện tự nhiên bất lợi về nhiều mặt, nơi đây vẫn vươn lên phát triển với nhiều ngành nghề...