Từ chối vay vốn ODA: Đà Nẵng giành quyền tự quyết

Câu chuyện lãnh đạo Cảng Đà Nẵng từ chối vay vốn ODA cho dự án mở rộng giai đoạn 2 làm dấy lên nhiều tranh cãi.

Nhiều người tiếc nuối vì doanh nghiệp đã bỏ lỡ cơ hội được tiếp cận vốn vay giá rẻ, luồng ý kiến khác cho rằng, đó là quyết định dũng cảm của lãnh đạo Cảng Đà Nẵng trong bối cảnh hiện nay, khi vốn vay ODA thường có những ràng buộc, điều kiện nhất định.

Ông Nguyễn Thu-Chủ tịch HĐQT Cty CP Cảng Đà Nẵng cho hay, đến nay những quyết định của Cảng Đà Nẵng đang được lãnh đạo Bộ GTVT cũng như thành phố Đà Nẵng ủng hộ. “Sẽ tốt hơn nếu chúng tôi tự huy động vốn” - ông Thu khẳng định.

Từ chối vay vốn ODA: Đà Nẵng giành quyền tự quyết - 1

Cảng Tiên Sa sẽ được mở rộng giai đoạn 2 bằng nguồn vốn tự huy động. Ảnh: Nam Cường.

Lời hứa từ chức

Không vay vốn ODA cho dự án mở rộng Cảng Đà Nẵng (cảng Tiên Sa) giai đoạn 2 mà doanh nghiệp (DN) tự huy động nguồn vốn đầu tư bằng cách đi vay và phát hành trái phiếu, tìm vốn trên thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Hữu Sia - Tổng GĐ Cty CP Cảng Đà Nẵng tự tin tuyên bố trước lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng tại cuộc họp quy hoạch các đồ án kiến trúc vào ngày 27/3 vừa rồi: Sẽ từ chức nếu làm không xong!

Tổng số vốn để đầu tư cho Cảng Đà Nẵng giai đoạn 2 là 1.100 tỷ đồng. Trước đây, thành phố Đà Nẵng đã mời gọi và đề nghị Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho vay vốn. Khi phía JICA chấp thuận và xúc tiến làm thủ tục thì bất ngờ, đại diện Cảng Đà Nẵng cho hay, sẽ tự huy động vốn. Theo ông Sia, để có được số tiền làm dự án, Cảng sẽ huy động 30% vốn vay ngân hàng và các tổ chức tài chính; 35% từ sàn chứng khoán và thị trường; số còn lại là vốn tự có. Ông Sia cũng cho rằng, với kinh phí thuê tư vấn giám sát cùng nhiều loại phí khác mà các tổ chức cho vay ODA đưa ra, thông thường đã mất gần 30% “ăn” vào tổng vốn vay. Tất cả những hạng mục này, bên cho vay ODA sẽ tính vào một khoản gọi là “quản lý phí”. Ngoài ra, Cảng Đà Nẵng đã cổ phần hóa, vì thế không nên cứ dựa mãi vào vốn ODA mà nên tìm nguồn trên thị trường. Tự huy động vốn, tức là DN giành quyền tự quyết cho chính mình chứ không phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện, ràng buộc từ phía tổ chức cho vay vốn ODA.

Theo ông Nguyễn Thu, nếu DN làm ăn được thì rất dễ vay vốn. “Ở giai đoạn này, chúng tôi cần nhiều nguồn vốn huy động, có như thế mới đẩy nhanh tiến độ dự án. Vay ODA phải phụ thuộc rất nhiều vào họ. Ví như họ chỉ định nhà thầu, nơi bán thiết bị… Ngoài ra, họ cũng tham gia vào dự án của mình ngay từ ban đầu như thiết kế, lên phương án…, vì thế sẽ mất rất nhiều thời gian. Trên thực tế, vay vốn ODA không dễ gì làm ngay được, như dự án này sẽ phải mất mấy năm mới hoàn thành. Nếu DN tự huy động vốn, sẽ tự quyết tất cả, do đó thời gian hoàn thành chắc chắn sớm hơn. Quan trọng nhất, vay vốn ODA tức là phải chấp nhận các phương án của họ” - ông Thu nói. Ông Thu cũng cho hay “Hiện đã có nhiều nhà đầu tư muốn vào, nói chung là khả quan”.

Đã có tiền lệ

Theo ông Nguyễn Thu, vốn ODA trên thực tế vẫn là nguồn vốn mà nhà nước cũng như các DN tính đến trong thời gian tới. Tuy nhiên, DN mỗi khi đã cổ phần, đứng vững trên đôi chân của mình thì không nên tiếp tục vay vốn ODA. “Chúng tôi từ chối nguồn vốn lần này cũng là dành cơ hội cho các dự án khác trên địa bàn thành phố, những dự án cần ODA để phát triển hơn”. Trong 10 năm phát triển, Cảng Đà Nẵng cũng đã phải sử dụng tới 950 triệu Yên Nhật từ nguồn ODA Nhật Bản.

Cảng Đà Nẵng từ chối ODA để mở rộng giai đoạn 2 không phải là tiền lệ đầu tiên. Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ những năm 2006, Đà Nẵng cũng đã từ chối nguồn vốn ODA từ một nước châu Âu trong đầu tư xử lý rác thải. Phía cho vay này muốn đầu tư dây chuyền xử lý rác giá 6 triệu USD cho Đà Nẵng. Tuy nhiên công nghệ lại lỗi thời. “Đó là công nghệ của những năm 1970, khi những nước tiên tiến không dùng nữa. Nếu nhập sang mình vẫn rất “ngon” vào thời điểm đó, nhưng mấy năm sau sẽ lạc hậu. Ngoài ra, đánh giá chung là dự án sẽ không hiệu quả. Nếu chúng tôi vẫn cứ cố chấp nhận vì thấy món lợi 6 triệu USD thì sau này sẽ rất dở dang. Ngoài ra, họ cũng muốn thành phố phải bỏ vốn đối ứng 30%. Số tiền này họ sẽ dùng làm chi phí khấu hao thiết bị”, một cán bộ kỹ thuật nói. Đà Nẵng lúc đó nguồn lực còn hạn chế, chỉ chấp nhận đối ứng 15% và phía cho vay đã rút lui.

“Từ chối vốn ODA là câu chuyện rất tế nhị và nhạy cảm. ODA cũng có nhiều hình thức cho vay, quan trọng là tiềm lực đối ứng của chính phủ, địa phương như thế nào để vay được gói có công nghệ tân tiến, thiết bị tốt và giảm trừ sự can thiệp quá nhiều vào quá trình thực hiện dự án từ phía cho vay ODA” - vị cán bộ kỹ thuật nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nam Cường (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN