Từ bỏ lương nghìn đô, thạc sĩ về quê chăn lợn kiếm tiền tỉ mỗi năm
Đang làm việc cho một công ty Nhật ở TP. Hồ Chí Minh với mức thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng, kỹ sư Phan Công Vũ (SN 1986, quê ở Kỳ Anh – Hà Tĩnh) đã bỏ ngang về quê làm trang trại chăn nuôi lợn.
Thạc sĩ về quê… nuôi lợn
Phan Công Vũ sinh ra và lớn lên tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi tốt nghiệp khoa Cầu đường, Trường Đại học GTVT TP. Hồ Chí Minh vào năm 2009, anh được một công ty tư vấn xây dựng của Nhật Bản nhận vào làm việc với mức lương từ 20-25 triệu đồng/tháng.
Trang trại của HTX Hoàng Phát do Phan Công Vũ làm giám đốc được đầu tư giai đoạn đầu hết 8 tỉ đồng với mong muốn đưa thực phẩm sạch phục vụ nhu cầu thị trường.
Tuy lương cao nhưng chán cảnh làm thuê nên Vũ đã bỏ ngang để tìm kiếm hướng đi mới.
Đến năm 2014, sau khi hoàn thành xong chương trình học Thạc sĩ tại Trường Đại học GTVT, Phan Công Vũ đã quyết định về quê cùng gia đình xây dựng trang trại.
Nhận thấy chăn nuôi lợn trên địa bàn chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, tự phát, phần lớn con giống được mua trôi nổi trên thị trường hoặc do người dân tự chọn lọc, không đảm bảo chất lượng, an toàn dịch bệnh và do nhu cầu của thị trường ngày một lớn về chăn nuôi bằng thực phẩm sạch có nhiều tiềm năng nên Vũ đã quyết tâm đầu tư công sức cũng như tài chính để xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn hiện đại, quy mô lớn.
Trang trại chăn nuôi lợn của Vũ nằm tại thôn Đông Sơn, xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh rộng đến gần 12ha.
Cơ ngơi bạc tỉ
Năm 2015, Vũ đã thành lập Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Hoàng Phát do mình đứng ra làm chủ.
Với kinh phí ban đầu từ số tiền tích cóp của bản thân trong mấy năm đi làm, cộng thêm vốn gia đình và vay ngân hàng, Vũ đã đầu tư một trang trại bề thế với tổng kinh phí hơn 8 tỉ đồng.
Sau gần 2 năm thực hiện, đến nay, HTX đã đi vào ổn định và có lãi.
Hiện tại, HTX đã xây 3 chuồng nuôi heo thịt, mỗi chuồng 800m2 với 1.800 con lợn, mỗi năm xuất ra thị trường khoảng 450 tấn lợn thịt.
Nhờ nắm bắt được hướng dẫn khoa học kỹ thuật cũng như chủ động phòng chống các loại dịch bệnh nên lợi nhuận mỗi năm thu về xấp xỉ 1 tỉ đồng.
Vũ tâm sự, sau những thành công ban đầu, dự định sắp tới của anh sẽ là chăn nuôi dòng lợn sạch không sử dụng chất kháng sinh, chất kích thích, đầu tư con giống, thức ăn kết hợp với các trung tâm đánh giá để đưa ra thị trường sản phẩm thịt lợn sạch đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Đầu tư hệ thống camera để giám sát việc công nhân cho lợn ăn cũng như để theo dõi tình hình từng chuồng lợn.
Vũ cho biết, để có được cơ ngơi như ngày hôm nay thì anh đã đổ không biết bao nhiêu tiền bạc và công sức.
“Với giai đoạn đầu tư này thì số vốn phải bỏ ra là 16 tỉ đồng, hiện HTX đã có khoảng 8 tỉ, số còn lại thì phải đi vay ngân hàng.” – Vũ cho biết.
Ngoài mô hình nuôi lợn thịt thương phẩm, HTX còn nuôi thêm lợn thả rông, lợn rừng với diện tích 3ha phục vụ nhu cầu cho các nhà hàng vào các ngày lễ, tết…
Những sản phẩm này không sử dụng cám công nghiệp, chỉ cho ăn bằng rau xanh có bổ sung protein bằng giun quế (giun quế mua giống về nuôi) nên được thị trường ưa chuộng.
Hiện nay, chàng trai này sở hữu hàng chục con lợn rừng giống và nhân giống thành công khoảng trăm lợn con mỗi lứa. Mỗi tháng bán khoảng 20 – 30 con, nên riêng doanh thu từ lợn rừng đã giúp Vũ thu về hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Bên cạnh chăn nuôi lợn, HTX Hoàng Phát còn kết hợp trồng hàng chục ha rừng theo quy mô tập trung, 2 ha chè, đào ao thả cá, chăn nuôi gà thả vườn, đầu tư vào các giống trái cây ăn quả… góp phần tạo công ăn việc làm cho gần chục công nhân lao động ở địa phương, với mức lương bình quân đạt 6 triệu đồng/người/tháng.
Vũ cho biết, HTX có được như ngày hôm nay, ngoài sự nỗ lực cố gắng của bản thân, sự động viên giúp đỡ từ gia đình thì chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để HTX yên tâm xây dựng và phát triển.
HTX đang có nhiều giống lợn rừng và nhân giống thành công trăm con mỗi lứa
“Thời gian đầu, do chưa quen cộng với thiếu kinh nghiệm về lĩnh vực chăn nuôi nên có rất nhiều khó khăn từ vấn đề giống, thức ăn, đến dịch bệnh … có những lúc phải thức trắng đêm vì lợn cũng là chuyện thường tình.
Ngoài ra, khi bắt đầu khởi công xây dựng trang trại lại gặp những lúc mưa to, gió lớn... cũng gây thiệt hại không nhỏ, rồi vào mùa mưa bão, lũ cuốn trôi gia súc, tài sản. Những lúc đó chỉ còn biết nuốt nước mắt đứng nhìn tài sản trôi theo dòng nước thôi.” – Vũ tâm sự.
Nói về những khó khăn, Vũ cho rằng muốn mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi thì phải đầu tư thêm trạm điện vì hiện tại điện mà HTX đang sử dụng vừa thiếu vừa yếu. Mong muốn làm sao được tiếp cận các nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách để đầu tư lâu dài, bền vững.
Ngoài ra, Vũ cho biết nếu muốn phát triển nghề chăn nuôi này một cách bền vững có hiệu quả thì phải tiếp cận được với các chính sách, các yếu tố KHKT mà Liên minh HTX Việt Nam là đơn vị chủ đạo để gắn kết xây dựng các HTX với chuỗi giá trị hàng hóa sản phẩm có sức lan tỏa cao ra thị trường.