Từ 1/1/2017, tăng lương tối thiểu, miễn phí trước bạ cho nhiều loại nhà đất

Luật NSNN ra đời có hiệu lực là bước ngoặt mới trong quản lý ngân sách nhà nước; Lương tối thiểu vùng từ 180-250 nghìn đồng/tháng; Luật Phí, lệ phí được Quốc hội thông qua.... là những chính sách tài chính có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.

Quốc hội thông qua Luật Ngân sách Nhà nước

Tại kỳ họp thứ 9 ngày 25/6/2016, Quốc hội khoá XIII đã thông qua Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi). Luật này ra đời đã tạo một bước ngoặt mới trong quản lý ngân sách Nhà nước (NSNN) theo hành lang pháp lý mới đầy đủ hơn, phù hợp với tình hình thực tế, xu hướng hội nhập và góp phần trong việc cải cách tiến hình tài chính công hiện nay.

Với sự ra đời của Luật NSNN, lần đầu tiên có quy định bội chi ngân sách địa phương (NSĐP) là một cấu phần trong bội chi NSNN. Đây là điểm mới quan trọng để tăng cường kiểm soát bội chi NSNN. Nguồn bù đắp bội chi NSNN từ việc vay trong nước và vay nước ngoài, bao gồm cả việc vay từ phát hành trái phiếu Chính phủ, công trái xây dựng Tổ quốc và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật.

Đồng thời cũng quy định chỉ NSĐP cấp tỉnh mới được phép bội chi, đồng thời Luật NSNN sửa đổi cũng đã nêu rõ những quy định về mức dư nợ vay của NSĐP.

Từ 1/1/2017, tăng lương tối thiểu, miễn phí trước bạ cho nhiều loại nhà đất - 1

Luật NSNN mới đã thực hiện phân cấp, phân quyền khá đầy đủ, toàn diện, rõ ràng, phù hợp với tình hình thực tế.

Tăng lương tối thiểu vùng từ 180-250 nghìn đồng/thángNghị định số 153/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong năm 2017 có hiệu lực thi hành từ hôm nay (ngày 1/1/2017).

Theo quy định tại Nghị định 153, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp cụ thể: 

- Vùng I là 3,75 triệu đồng/tháng

- Vùng II là 3,32 triệu đồng/tháng

- Vùng III là 2,9 triệu đồng/tháng

- Vùng IV là 2,58 đồng/tháng. 

Như vậy, mức lương này cao hơn mức lương tối thiểu hiện nay từ 180.000-250.000 đồng/tháng.

Nghị định cũng quy định rõ, đối tượng thụ hưởng chính sách tăng lương tối thiểu có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, gồm 3 đối tượng sau: 

1. Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động; doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. 

2. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động. 

3. Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này).

Từ 1/1/2017, hàng trăm khoản phí chuyển sang giá dịch vụ

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Luật Phí, lệ phí đã được thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.

Theo đó, Luật Phí, lệ phí được xây dựng nhằm mục tiêu là thiết lập khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ về quản lý phí, lệ phí, đảm bảo thống nhất, phù hợp với quy định tại Luật NSNN (sửa đổi) và các văn bản pháp luật có liên quan.

Đồng thời từng bước tập trung phản ánh kịp thời, đầy đủ nguồn thu từ phí, lệ phí, khắc phục hạn chế trong quản lý nguồn thu từ phí, lệ phí.

Ngoài ra, Luật ra đời nhằm đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ công phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Và nhằm góp phần thúc đẩy cải cách hành chính trong các ngành, lĩnh vực cung cấp các dịch vụ có thu phí, lệ phí.

Theo Luật Phí, lệ phí có hiệu lực từ 1/1/2017 thì có 44 khoản phí trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh phí và lệ phí được chuyển sang cơ giá. Trong đó, 17 dịch vụ mặc dù đã chuyển sang cơ chế giá nhưng Nhà nước vẫn cần quản lý giá. Như vậy, theo quy định tại Danh mục phí, lệ phí kèm theo Luật sẽ bao gồm 213 khoản phí, 103 khoản lệ phí và 17 dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá.

Hiện tại, Bộ Tài chính đã ban hành 12 Thông tư quy định 6 nhóm giá sản phẩm, dịch vụ từ phí chuyển sang cơ chế giá do Nhà nước định giá thuộc thẩm quyền quy định giá của Bộ Tài chính, gồm: Giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; Khung giá kiểm nghiệm thuốc dùng cho thực vật; Khung giá dịch vụ tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng cho động vật, chẩn đoán thú y và dịch vụ kiểm nghiệm thuốc dùng cho động vật; Giá tối đa dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng; Giá cụ thể kiểm định phương tiện vận tải; Giá dịch vụ chứng khoán.

Nhiều loại nhà đất được miễn phí trước bạ

Theo Thông tư 301/2016/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành tập trung hướng dẫn về đối tượng chịu lệ phí trước bạ, giá tính lệ phí trước bạ, mức thu lệ phí trước bạ, miễn lệ phí trước bạ và kê khai, thu, nộp lệ phí trước bạ; bãi bỏ hàng loạt thông tư trước đó.

Theo quy định, một số trường hợp được miễn phí trước bạ, gồm:

Đất nông nghiệp chuyển đổi quyền sử dụng giữa các hộ gia đình, cá nhân; Đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân tự khai hoang; Đất thuê của Nhà nước trả tiền thuê đất hàng năm; Nhà, đất sử dụng vào mục đích cộng đồng của các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng được Nhà nước công nhận hoặc được phép hoạt động; Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa.

Nhà, đất nhận thừa kế hoặc là quà tặng; Nhà ở của hộ gia đình, cá nhân tạo lập; Tài sản cho thuê tài chính được chuyển quyền sở hữu khi mua hoặc bán; Nhà, đất, tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng, tài sản phục vụ công tác quản lý chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh; Nhà, đất thuộc tài sản nhà nước dùng làm trụ sở cơ quan của cơ quan nhà nước; Nhà, đất được bồi thường khi Nhà nước thu hồi nhà, đất theo quy định của pháp luật.

Tài sản của tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng khi đăng ký lại quyền sở hữu, sử dụng tùy theo từng trường hợp cụ thể sẽ được miễn nộp lệ phí trước bạ; Tài sản của tổ chức, cá nhân đã nộp lệ phí trước bạ; Nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, nhà được hỗ trợ mang tính chất nhân đạo, kể cả đất kèm theo nhà được đăng ký sở hữu, sử dụng tên người được tặng.

Nhà, đất là trụ sở của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc và nhà ở của người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam.

Tài sản (trừ nhà, đất) của tổ chức, cá nhân nước ngoài: Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc; Viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự, nhân viên hành chính kỹ thuật của cơ quan Đại diện ngoại giao, cơ quan Lãnh sự...; 

Đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê sử dụng vào các mục đích như: Công cộng; Thăm dò, khai thác khoáng sản; nghiên cứu khoa học; Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; 

Đất được Nhà nước giao, cho thuê hoặc công nhận sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối; Nhà xưởng của cơ sở sản xuất; nhà kho, nhà ăn, nhà để xe của cơ sở sản xuất, kinh doanh; Nhà ở, đất ở của hộ nghèo; nhà ở, đất ở của đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn; Nhà, đất của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề; y tế; văn hóa...; Nhà, đất của cơ sở ngoài công lập đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà phục vụ cho các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo; y tế; văn hóa...; Nhà, đất của doanh nghiệp khoa học và công nghệ đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo quy định của pháp luật.

Phí môn bài

 Nghị định số 139/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về mức thu lệ phí môn bài có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.

Theo đó, Chính phủ quy định giá tính lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, Nghị định quy định mức thu đối với tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng là 3 triệu đồng/năm; đối với tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ trở xuống là 2 triệu đồng/năm; đối với chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác là 1 triệu đồng/năm.

Trong khi đó, mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức quy định trên căn cứ vào vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; trường hợp không có vốn điều lệ thì căn cứ vào vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Cụ thể, lệ phí môn bài đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, Nghị định quy định, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm thì mức thu là 1.000.000 đồng/năm; cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm mức thu là 500.000 đồng/năm; cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm mức thu là 300.000 đồng/năm. Các cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình này có thay đổi doanh thu thì căn cứ để xác định mức thu lệ phí môn bài là doanh thu của năm trước liền kề năm tính lệ phí môn bài.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PV (Infonet)
Tiền tệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN