TTCK tuần qua: Xu hướng đi ngang
Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần giao dịch từ ngày 12 đến ngày 16/11/2012 đã trải qua một tuần giảm điểm nhẹ với xu hướng đi ngang làm chủ đạo. Nhà đầu tư nước ngoài đã có một tuần giao dịch mua ròng.
Tuần qua, ngay từ đầu tuần, thị trường được hỗ trợ bởi thông tin liên bộ Tài chính - Công thương quyết định giảm giá xăng dầu là 500 đồng/lít, đồng thời cũng yêu cầu các doanh nghiệp ngừng trích quỹ bình ổn với 2 mặt hàng dầu hỏa và diezel. Bên cạnh đó, tuần qua thị trường chứng khoán cũng đón nhân những thông tin tích cực khi Chính phủ đề ra các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản như khuyến khích tín dụng dài hạn cho người mua nhà để ở, rà soát các dự án xây dựng và cho phép phân nhỏ các căn hộ phù hợp với quy hoạch; đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài nhằm tăng thêm nhu cầu bất động sản và tăng cường quản lý thị trường bất động sản.
Thông tin về cán cân thương mại của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2012 thặng dư của Tổng cục Hải quan. Số liệu của Tổng Cục Hải quan cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 18,9% và nhập khẩu tăng 6,7%. Và một ngân hàng nước ngoài đã dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế quý IV/2012 của Việt Nam có thể đạt 5,9%.
Bên cạnh đó, thông tin về ngân hàng tuần qua là không sáng sủa khi chất lượng tín dụng tại nhiều tổ chức tín dụng nhỏ, yếu kém ở mức nguy hiểm. Theo số liệu đến 30/9, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 4,93% nhưng theo công bố của ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu khoảng 8,82% với tổng dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế khoảng 2,7 triệu tỷ đồng, nợ xấu của hệ thống ngân hàng khoảng 240 nghìn tỷ đồng…
Diễn biến giao dịch trên sàn HoSE. Tuần qua, VN-Index có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm điểm. Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 385,71 điểm, giảm 1 điểm (so với tuần trước là 386,71 điểm), tương đương giảm 0,26% so với cuối tuần trước. Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 125,3 triệu cổ phiếu với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 1.441,18 tỷ đồng. Tính bình quân, mỗi phiên khối lượng giao dịch đạt 25.06 triệu đơn vị cổ phiếu với giá trị giao dịch là hơn 288.24 tỷ đồng/phiên.
Thanh khoản tuần này trên sàn HoSE vẫn chưa cải thiện, nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đã có một tuần mua ròng, khi họ mua ròng 4 phiên và bán ròng phiên duy nhất ngày thứ Tư (14/11) với tổng giá trị mua ròng là 85,8 tỷ đồng, khi họ mua vào với tổng giá trị 314,91 tỷ đồng và bán ra với tổng giá trị giao dịch khoảng 229,11 tỷ đồng.
Tương tự, sàn Hà Nội cũng có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng điểm. Kết thúc tuần, HNX-Index đứng ở mức 51,81 điểm, tăng 0,23 điểm (so với cuối tuần trước là 51,58 điểm) tương đương tăng 0,45% so với tuần trước. Tổng khối lượng giao dịch tuần qua trên sàn Hà Nội đạt hơn 145 triệu cổ phiếu, tổng giá trị giao dịch đạt gần hơn 846,319 tỷ đồng. Tính trung bình mỗi phiên trong tuần đạt 29 triệu cổ phiếu và 172,86 tỷ đồng/phiên giao dịch. Thanh khoản giao dịch trên sản Hà Nội tuần này tăng so với tuần trước là 0,16% về khối lượng giao dịch và cả về giá trị giao dịch.
Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 3 phiên đầu tuần và bán ròng 2 phiên cuối tuần. Tổng khối lượng mua vào đạt 2,4 triệu đơn vị, giảm 9,6% so với tuần trước; đồng thời, bán ra 4,36 triệu đơn vị, tăng 550,5% so với tuần trước. Tổng giá trị mua vào đạt 27,89 tỷ đồng, tăng 8,69% và bán ra 24,01 tỷ đồng, tăng 213,45% so với tuần trước. Như vậy, họ bán ròng 1,94 triệu đơn vị (tuần trước họ mua ròng 2 triệu đơn vị). Tuy nhiên, xét về giá trị, họ vẫn mua ròng 3,88 tỷ đồng, giảm 78,44% so với tuần trước.
Trên thị trường đăng ký giao dịch cổ phiếu (UpCoM), đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần chỉ số UpCoM-Index dừng ở mức 40,8 điểm, tăng 0,02 điểm (so với cuối tuần trước là 40,78 điểm). Tổng khối lượng giao dịch trong tuần đạt hơn 912,856 đơn vị cổ phiếu, với tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 5,83 tỷ đồng. Bình quân mỗi phiên, sàn UpCoM có 182.570 đơn vị cổ phiếu giao dịch với giá trị giao dịch đạt 1,17 tỷ đồng/phiên.
Theo nhận định của một số chuyên gia tài chính - chứng khoán, họ tiếp tục đưa ra khuyến nghị thận trọng trong ngắn hạn với lý do thị trường đang hướng đến thông tin về vấn đề nợ xấu và những giải pháp xử lý, NĐT nên giữ tỷ lệ tiền mặt cao trong danh mục và chờ đợi những yếu tố tích cực từ thanh khoản.