TTCK lao dốc vì tin bầu Kiên bị bắt

Thị trường chứng khoán Việt Nam lần đầu tiên phản ứng với tin xấu một cách quyết liệt như vậy, cổ phiếu đổi chiều chỉ sau một đêm.

Phản ứng của người bán trong sáng nay khó có thể là từ nhà đầu tư nhỏ lẻ. Hoạt động bán ra quá quyết liệt và trên hầu hết các cổ phiếu. Đã từng có nhiều cá nhân điều hành doanh nghiệp niêm yết liên quan đến vấn đề pháp lý, nhưng tầm ảnh hưởng chỉ bó hẹp trong phạm vi giá của cổ phiếu đó. Chưa từng có tiền lệ một cá nhân bị bắt lại “đánh sập” được toàn bộ thị trường.

Biến động của phiên sáng nay có thể chia làm 3 cung bậc tâm lý rất rõ ràng. Ban đầu là hoạt động cắt lỗ cực mạnh và kiên quyết của những người có thể đánh giá nhanh về mức độ trầm trọng của thông tin. Những người bán sớm còn có thể đạt được mức giá tương đối, dù cũng đã giảm rất mạnh so với hôm qua. Tiếp đến là tình trạng hoảng loạn của hầu hết những người cầm cổ phiếu. Khối lượng cắt lỗ tăng lên và bây giờ thì giá nào không quan trọng bằng có chạy được hay không. Tính đám đông thể hiện rất rõ. Cuối cùng là tình cảnh chợ chiều khi người người xếp hàng bán sàn mà thanh khoản không có. Lâu lâu giao dịch mới nháy lên một vài lệnh mua lẻ tẻ khối lượng thấp.

Xen kẽ giữa giai đoạn bán tháo và giai đoạn mất thanh khoản là một chặng nghỉ nhờ hoạt động bắt đáy tăng lên. Với một phiên mà các Index sụt giảm tới 4-5% và cổ phiếu sàn hàng loạt, cầu bắt đáy đương nhiên xuất hiện. Luôn có hai luồng quan điểm trái ngược trong biến động thị trường dạng này.

Với người bán, chắc chắn không phải ngẫu nhiên hay thuần túy đám đông mà khối lượng bán lại mạnh như vậy. Áp lực bán lớn nghĩa là bán trước rồi mua lại sau vẫn có lợi hơn là nắm giữ cổ phiếu chờ đợi chạm đáy. Đó là chưa kể đến những suy diễn vốn rất đa dạng trên thị trường sẽ ảnh hưởng lâu dài hơn một phiên.

TTCK lao dốc vì tin bầu Kiên bị bắt - 1

Không riêng gì HNX, cả hai sàn đều gần như tê liệt về thanh khoản về cuối buổi sáng.

Ngược lại, người bắt đáy lại cho rằng thông tin có thể coi là rúng động thật, nhưng cũng chỉ ảnh hưởng có giới hạn. Những gì đang diễn ra là hiệu ứng của sự khuếch đại đám đông. Thật vô lý nếu chỉ một thông tin về cá nhân mà toàn thị trường sụp đổ. Giá giảm quá mức cũng đêm lại cơ hội mua với điều kiện hiệu ứng hoảng sợ sẽ sớm chấm dứt.

Cả hai quan điểm trên đều có lý do đúng và mạnh làm chỗ dựa. Nhưng thị trường lại căn cứ vào “thực lực” của bên nào mạnh hơn, chứ không quan tâm đến bên nào đúng hay sai. Với những gì diễn ra trong nửa cuối phiên sáng nay, rõ ràng là người bán đã lấn át hoàn toàn người mua.

VN-Index chốt buổi sáng giảm 4,74%, VN30-Index giảm 4,86%. HNX-Index giảm 5,31% và HNX30-Index giảm 6,22%. Độ rộng của hai sàn không có gì bất ngờ trong phiên hôm nay: HSX có 198 mã sàn và 50 mã giảm. HNX có 163 mã sàn 76 mã giảm.

Cũng có một số cổ phiếu tăng giá, thậm chí là tăng trần nhưng hoàn toàn không thực chất. Nhóm cổ phiếu lớn và có thanh khoản tốt hầu hết giảm sàn, bất kể tốt xấu, liên quan hay không đến thông tin chi phối thị trường hôm nay.  HSX có một vài mã tương đối khác biệt về mức giảm như FPT, PNJ, hay PVI bên HNX. Không rơi sàn cũng đã là một kết quả tốt trong phiên hoảng loạn này.

Hoạt động bắt đáy cũng đem lại một phiên giao dịch khá sôi động, nhưng chỉ là trong nửa đầu phiên. Khối lượng giao dịch lớn ban đầu là do người mua bị đánh úp bất ngờ bởi khối lượng bán rẻ đột biến. Chỉ đến khi cổ phiếu giảm sàn hàng loạt, cầu bắt đáy mới thực sự vào. Tổng giá trị khớp lệnh của HSX lên tới 885,1 tỷ đồng trong buổi sáng, một con số rất cao, thậm chí vượt 66% so với cả phiên hôm qua. HNX cũng đạt 422,3 tỷ đồng.

Mức giao dịch rất lớn này thể hiện lượng tiền vào mua hôm nay cũng khá cao. Tuy nhiên với tình trạng mất thanh khoản bán kéo dài từ sau 10h30 và cổ phiếu giảm sàn hàng loạt thì rõ ràng người mua đã phải chịu thua.

Câu hỏi lớn nhất lúc này là sự hoảng loạn kéo dài bao lâu nữa? Câu hỏi này sẽ liên quan đến một thực tế có thể kiểm chứng, là cần có dòng tiền vào quét được khối lượng tháo chạy giá sàn hiện hữu. Sự hoảng loạn sẽ dần tiêu tán và nếu có dòng tiền mạnh vào mua, tâm lý có thể thay đổi. Do đó điểm mấu chốt sẽ là mức thanh khoản tăng lên - nếu có trong chiều nay – từ mức giao dịch buổi sáng. Thanh khoản càng cao càng tốt. Một ước tính sơ bộ, tổng giá trị cổ phiếu bán giá sàn ở cả HNX và HSX cuối buổi sáng khoảng 531,3 tỷ đồng, một con số cũng không lớn so với thời điểm thị trường sôi động.

Nhà bầu Kiên mất 132,6 tỷ đồng

Hiện tại, bầu Kiên đang nắm giữ 35.167.245 cổ phiếu ACB và đứng ở vị trí thứ 17 trong danh sách các “đại gia” giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Kết thúc phiên giao dịch sáng 21/8, cổ phiếu ACB giảm sàn, giảm 1.800 đồng/CP, tương ứng 6,9% xuống 24.100 đồng/cổ phiếu. Như vậy, khối tài sản khổng lồ của bầu Kiên đã “bốc hơi” 63,3 tỷ đồng, hiện trị giá số cổ phiếu mà ông Kiên đang nắm giữ chỉ còn hơn 844 tỷ đồng.

Không chỉ tài khoản của bầu Kiên bị hao tổn. Bà Đặng Ngọc Lan – vợ ông Kiên – hiện đang nắm giữ 4,11% cổ phần của ACB, tương đương 38.512.975 cổ phiếu. Tổn thất của bà Lan với số cổ phiếu còn nắm giữ của ACB khi ông Kiên bị bắt chỉ trong sáng hôm nay (21/8) là 69,3 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ trong buổi sáng hôm nay, gia đình ông Kiên đã mất 132,6 tỷ đồng.

Trên thực tế, bầu Kiên có thể mất mát nhiều hơn như vậy về mặt tài sản. Theo một nguồn tin, bầu Kiên còn có thể nắm giữ cổ phần ở nhiều doanh nghiệp khác (không đứng tên).

(Theo VTC News)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lan Ngọc (VnEconomy)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN