TTCK 13/7: Duy trì quan điểm thận trọng

Tuy đã có 2 phiên tăng điểm, nhưng các CTCK vẫn giữ thái độ thận trọng khi cho rằng, động lực tăng điểm của thị trường vẫn thiếu bền vững.

Tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng

(CTCK BIDV - BSC)

Đà tăng điểm đã được tiếp nối trong phiên 12/7. Xét về điểm số thì mức tăng điểm phiên này tương đương phiên 11/7, tuy nhiên, thị trường đã thành công hơn ở yếu tố thanh khoản, đặc biệt là sàn HNX với khối lượng khớp lệnh tăng lên trên 30 triệu đơn vị.

Nếu trong phiên buổi sáng, sàn HOSE tăng điểm tốt hơn thì trong phiên buổi chiều, nhiều cổ phiếu chủ chốt tăng mạnh đã giúp sàn HNX trở nên khởi sắc. Mã VND một lần nữa đóng vai trò cổ phiếu dẫn dắt cho sàn HNX khi tăng mạnh cuối phiên lên sát giá trần.

Phiên tăng 12/7 có thể coi là tương đối tích cực, tuy nhiên trong các phiên tới, thị trường cần chứng tỏ thêm sức mạnh để có thể kết luận xu hướng giảm điểm trước đó đã kết thúc. Cụ thể, về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index cần tăng vượt qua mức kháng cự 415-420 điểm; còn HNX-Index cần vượt qua ngưỡng 71-72 điểm. Đồng thời, thanh khoản thị trường cũng cần tiếp tục được cải thiện và phải có sự đồng đều giữa 2 sàn (trong phiên 12/7 chỉ thanh khoản sàn Hà Nội là được cải thiện rõ nét, còn sàn HSX vẫn ở mức thấp).

Kịch bản trên cũng được chúng tôi coi là tín hiệu để nhà đầu tư có thể giải ngân. Còn trong trường hợp ngược lại (thị trường không vượt được mức kháng cự nêu trên và thanh khoản chùng xuống), chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng.

Tín hiệu tích cực trong một vài phiên tới

(CTCK ACB - ACBS)

VN-Index có phiên tăng điểm thứ 2 ngày 12/7. Tuy nhiên, diễn biến trong phiên ảm đạm đi ngang và mức tăng nhẹ không mang nhiều ý nghĩa quan trọng.

Trong các phiên tới, VN-Index có thể tiếp tục giằng co. Ở chiều giảm, VN-Index có thể tiếp tục giảm sâu về vùng hỗ trợ 380-390.

Ở chiều tăng, nếu vượt đường xu hướng giảm nối 3 đỉnh nhỏ ở 440, 425 và 418, VN-Index có thể tiếp tục hồi phục về kháng cự 425 hoặc xa hơn là 440.

Với việc các chỉ báo ADX(14), CMF(20) cho thấy xu hướng giảm ngắn hạn đang yếu dần, cơ hội cho sự phục hồi của VN-Index đang tăng lên.

Tương tự, VN30-Index có thể giảm sâu hơn về hỗ trợ 365-375 hoặc hồi phục về kháng cự nhỏ 490 hoặc xa hơn là 515-520.

Sau phần lớn thời gian HNX-Index giằng co trong phiên độ hẹp, lực cầu giá tăng và gần cuối phiên giúp chỉ số này tăng khá khi đóng cửa.

Khối lượng giao dịch tăng khá ngày 12/7 cho thấy lực bắt đáy khá mạnh. Đây có thể là tín hiệu tích cực cho HNX-Index trong một vài phiên tới. Tuy nhiên, tín hiệu này chưa đủ lớn để cho thấy sự đảo chiều của xu hướng giảm ngắn hạn hiện tại.

HNX-Index có thể tiếp tục hồi phục về đỉnh nhỏ trước ở 70,34. Đây là mức chịu tác động của nhiều yếu tố kỹ thuật gồm 2 đường xu hướng giảm và đường trung bình 20 ngày nên áp lực bán có thể gia tăng.

Xu hướng vẫn đang là giảm giá

(CTCK Kim Eng - KEVS)

Hai sàn chứng khoán đều tăng điểm, mức tăng mạnh mẽ hơn xuất hiện vào những phút cuối cùng trên HNX. Sự tăng giá làm các chỉ báo kỹ thuật đưa ra tín hiệu phân kỳ tích cực rõ nét hơn.

Khối lượng gia tăng rõ nét trên sàn HNX, trở về mức trung bình 10 ngày gần nhất từ những mức rất thấp gần đây.

Dù nhấn mạnh rằng phân kỳ tích cực đã xuất hiện, cảnh báo rằng quan điểm bi quan trước đây nên giữ ở mức trung tính hơn, chúng tôi thấy, xu hướng vẫn đang là giảm giá trên đồ thị của VN-Index và HNX-Index.

Động lực tăng điểm của thị trường vẫn thiếu bền vững

(CTCK FPT - FPTS)

Tiếp diễn đà hồi phục từ phiên giao dịch trước, các chỉ số chính trên cả hai sàn HOSE và HNX đã tăng điểm khá tốt trong phiên giao dịch ngày 12/07.

Tín hiệu tích cực đã được ghi nhận khi các chỉ số chính đóng cửa với số mã tăng chiếm ưu thế trên bảng điện tử. Cùng với đó nỗ lực bứt phá cuối phiên của thị trường cũng cho khả năng đà tăng sẽ tiếp diễn trong phiên giao dịch tiếp theo.

Tuy nhiên, thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp khiến cho diễn biến hồi phục của thị trường vẫn chưa thực sự thuyết phục. Tâm lý nhà đầu tư tiếp tục do dự và thận trọng là nguyên nhân khiến giao dịch vấn khá lình xình và tẻ nhạt. Bất chấp nỗ lực kéo giá từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, tình trạng mua thấp - bán cao tái diễn cho thấy động lực tăng điểm của thị trường vẫn thiếu bền vững. Ngoài ra, khả năng xuất hiện sự phân hóa giá cổ phiếu theo kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp cũng khiến rủi ro thị trường vẫn ở mức cao.

Với quan điểm thận trọng, FPTS vẫn khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn nên đứng ngoài thị trường khi xu thế giảm điểm ngắn hạn vẫn chưa hoàn toàn bị phá vỡ.

Chưa đủ để khẳng định xu thế giảm đã kết thúc

(CTCK Dầu khí - PSI)

Chỉ số hai sàn bắt đầu xuất hiện tín hiệu tích cực hơn nhờ phiên phục hồi ngày 12/7, tuy nhiên chưa đủ để khẳng định xu thế giảm đã kết thúc.

Yếu tố tích cực đến từ tín hiệu tăng của thanh khoản cũng như phân kỳ tích cực trên công cụ dòng tiền Money Flow Index là những đặc điểm cho thấy sức cầu bắt đầu mạnh dần lên dù còn duy trì mức rất thấp. Tuy nhiên, nếu trong những phiên sắp tới, VN-Index không vượt trở lại ngưỡng 411 và HNX-Index còn ở dưới 70 điểm thì xu thế giảm vẫn sẽ còn tiếp tục duy trì.

Hạn chế lướt sóng để tránh rủi ro T+4

(CTCK Rồng Việt - VDSC)

Phiên 12/7, hai chỉ số tiếp tục đóng cửa trong sắc xanh với thanh khoản được cải thiện so với phiên giao dịch trước, tuy nhiên xu hướng bán ròng của khối NĐT nước ngoài vẫn đang tiếp diễn trên sàn HOSE.

Tín hiệu tích cực trong phiên chính là dòng tiền đổ vào các mã thị giá thấp trên sàn HOSE và đặc biệt cổ phiếu đầu cơ trên sàn HNX giúp chỉ số HN-Index đạt được mức tăng điểm khá trong phiên giao dịch buổi chiều, trong khi đó, áp lực bán không quá mạnh cũng là yếu tố giúp cho phía người mua trở nên hưng phấn hơn.

Bên cạnh đó, thông tin về tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 06/07/2012 đạt 1,76% so với cuối năm 2011 (tăng thêm 1% so với mức 0,76% vào cuối tháng 6) do Chủ tịch UBGSTC quốc gia cung cấp cũng giúp cho NĐT lạc quan hơn về mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tháng còn lại của năm 2012.

Tuy nhiên, xét diễn biến vĩ mô hiện tại, cùng với thanh khoản chưa có bước tiến rõ rệt, chúng tôi cho rằng, hai nhịp tăng vừa qua không đủ bền vững để xác nhận xu hướng phục hồi của thị trường. NĐT ngắn hạn vẫn nên cẩn trọng trong các phiên giao dịch tiếp theo và hạn chế lướt sóng để tránh rủi ro T+4.

Khả năng thị trường tăng điểm sau giai đoạn điều chỉnh

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Thị trường tăng điểm với thanh khoản cải thiện so với phiên trước, đặc biệt tại sàn Hà Nội.

Phiên tăng điểm với thanh khoản cải thiện cho tín hiệu tích cực hơn về dòng tiền. Thị trường dự báo tiếp tục tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 13/7. Ngưỡng cản gần nhất đối với thị trường là khoảng 415-425 điểm đối với VN-Index; 70-71,5 điểm đối với HNX-Index.

Thị trường tất yếu cần sự điều chỉnh nhằm kiểm định khả năng đảo chiều xu hướng sau giai đoạn giảm điểm.

Với những tín hiệu cải thiện của yếu tố vĩ mô, chúng tôi đánh giá lạc quan hơn về khả năng tăng điểm của thị trường sau giai đoạn điều chỉnh. Nhà đầu tư có thể xem xét mua vào khi thị trường điều chỉnh với thanh khoản thấp. Còn ở thời điểm hiện tại, việc mua đuổi cổ phiếu là rủi ro đối với nhà đầu tư ngắn hạn.

Chiến lược “bán xuống” vẫn có thể được áp dụng

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Xu hướng chủ đạo hiện vẫn là giảm điểm và phiên 12/7 chưa có nhiều ý nghĩa xác nhận về mặt xu thế.

Chúng tôi cho rằng, chiến lược “bán xuống” vẫn có thể được áp dụng trong giai đoạn này nhưng chỉ nên áp dụng với một tỷ trọng trung bình thấp và đòi hỏi nhiều sự kiên nhẫn để có thể mua lại được ở các vùng giá thấp sau đó do nhịp giảm điểm này được nhận định sẽ “thoải” hơn các nhịp giảm trước.

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN