TS Lê Xuân Nghĩa: BĐS "sống, chết" phụ thuộc ngân hàng
Thị trường bất động sản vẫn luôn luôn phụ thuộc vào ngân hàng, cả chủ đầu tư và người mua nhà. Tại Việt Nam, ngân hàng thích cho vay bất động sản bởi vừa có tài sản thế chấp, đồng thời vẫn là thị trường nền tảng trong dài hạn. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư vẫn coi bất động sản là kênh trú ẩn an toàn”, TS Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Các doanh nghiệp bán nhà ở hình thành trong tương lai phải có bảo lãnh của ngân hàng, đảm bảo an toàn cho người dân mua.
Tại Hội thảo “Tìm kiếm nguồn vốn cho thị trường bất động sản” do báo Lao Động và Hiệp hội bất động sản Việt Nam tổ chức sáng nay 23/3 tại Hà Nội, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, tín dụng ngân hàng vẫn là kênh số 1 với thị trường bất động sản nhưng bất động sản là bà đỡ cho ngân hàng, có thể làm các ngân hàng sụp đổ nên cần có chiến lược lâu dài là đúng. Nếu không nghiên cứu kỹ và nghe ý kiến một vài chuyên gia mà quyết tâm điều tiết là một hành động lỗ mãng trên thị trường.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa: “Thị trường bất động sản vẫn luôn luôn phụ thuộc vào ngân hàng, cả chủ đầu tư và người mua nhà. Tại Việt Nam, ngân hàng thích cho vay bất động sản bởi vừa có tài sản thế chấp, đồng thời vẫn là thị trường nền tảng trong dài hạn dù ngắn hạn có thể suy giảm. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư vẫn coi bất động sản là kênh trú ẩn an toàn”.
Liên quan đến vấn đề vốn cho bất động sản, GS Đặng Hùng Võ chia sẻ nghiên cứu thời gian qua, thị trường này sử dụng chủ yếu 5 luồng vốn đầu tư gồm: Vốn tự có của nhà đầu tư trong nước, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài; vốn do chủ đầu tư huy động trực tiếp từ người mua nhà thông qua cơ chế phân chia lợi ích kinh doanh hoặc cơ chế mua bán nhà hình thành trong tương lai; vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại và vốn huy động từ thị trường chứng khoán.
GS Võ nhấn mạnh, bên cạnh hai nguồn vốn chủ đạo là vốn từ tổ chức tín dụng ngân hàng và vốn huy động từ người mua nhà, giải pháp vốn cần quan tâm nhất là chứng khoán hoá vốn đầu tư vào bất động sản và cho phép thế chấp bằng bất động sản ở Việt Nam tại các ngân hàng thương mại nước ngoài.
Tuy nhiên, GS. Võ cũng chỉ ra rằng, quỹ đầu tư chứng khoán bất động sản (REIT) đã có cơ sở pháp lý đủ điều kiện thành lập và hoạt động nhưng thực tế chưa tạo được niềm tin nhất định cho các nhà đầu tư tư nhân. Hiện mới chỉ các các nhà đầu tư nước ngoài gồm VinaLand, Indochina Land Holding, VietNam Opportunity (VOF) Vietnam Property Fund (VPF), Vietnam Property Holding (VPH), Asean Properties Limited (APL). Chưa có một quỹ đầu tư bất động sản nào trong nước được hình thành cho thấy điều kiện về hoạt động này còn nhiều hạn chế.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết thêm, hiện quy định về vốn pháp định của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được ban hành tránh những doanh nghiệp nhỏ, vốn ít cũng đầu tư kinh doanh bất động sản. Trước khi bán nhà, tất cả các doanh nghiệp đều phải xin phép cơ quan địa phương. Một điểm nữa, các doanh nghiệp bán nhà ở hình thành trong tương lai phải có bảo lãnh của ngân hàng, đảm bảo an toàn cho người dân mua. Và cuối cùng, liên quan đến nguồn vốn, hạ tỉ lệ huy động vốn của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từ 70% xuống còn 50%.