Trung Quốc: Nền kinh tế đang dần hụt hơi
Kinh tế bị hụt hơi, dân số trên đà bị lão hóa, phát triển bất cân đối trên toàn lãnh thổ là những dấu hiệu cho thấy sau 3 thập niên tăng trưởng thần kỳ, Trung Quốc đang dần bị đuối sức.
Trong một báo cáo mới được công bố gần đây, phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại Trung Quốc nhận định nếu muốn bảo toàn được tăng trưởng, Bắc Kinh cần phải giảm bớt can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế.
Bản báo cáo nói rõ là vai trò của nhà nước có mặt ở nhiều ngành kinh tế của Trung Quốc. Phòng Thương mại châu Âu kêu gọi chính phủ Trung Quốc mở rộng tự do hóa khu vực ngân hàng, thay đổi lại vị thế của các tập đoàn Nhà nước hiện vẫn kiểm soát gần như toàn bộ nền kinh tế và giảm bớt trợ cấp cho những doanh nghiệp đầu tàu.
Phòng Thương mại châu Âu kêu gọi chính phủ Trung Quốc mở rộng tự do hóa khu vực ngân hàng, thay đổi lại vị thế của các tập đoàn Nhà nước
Trong các vấn đề liên quan đến các công ty của châu Âu, Phòng Thương mại châu Âu tiếp tục đưa ra nhiều trở ngại về quy định tiếp cận thị trường cũng như phân biệt đối xử trong thị trường Trung Quốc. Tài liệu này cảnh báo, mức độ mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài sẽ ngày càng tác động đến lợi ích thương mại Trung Quốc trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc, Davide Cucino cũng nhận thấy bắt đầu có những thay đổi, như hồi tháng 7, Bắc Kinh đã gỡ bỏ kiểm soát đối với lãi suất vay ngân hàng, đơn giản hoá các thủ tục hành chính cho một số lĩnh vực đầu tư và đặc biệt là việc thông qua dự án xây dựng khu tự do mậu dịch tại Thượng Hải.
Ông Davide Cucino khẳng định: “Trước kia Trung Quốc có thể chọn giữa cải cách kinh tế và duy trì mức tăng trưởng. Từ giờ trở đi, cách duy nhất để duy trì tăng trưởng là tiến hành cải cách cấu trúc”.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giảm rõ rệt trong quý II/2013 xuống còn 7,5% sau nhiều năm liền tăng trưởng luôn ở mức cao. Theo báo chí chính thống tại Trung Quốc, tháng 11 tới, tại Hội nghị Trung ương Đảng, lãnh đạo Trung Quốc sẽ đưa ra một chương trình cải cách kinh tế liên quan nhiều đến chính sách tài chính và thuế khóa.
Có quan điểm gần giống với EuroCham, phụ trang địa chính trị của tờ Le Monde (Pháp) cho rằng “30 năm tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc đã thuộc về dĩ vãng”. Kinh tế bị hụt hơi, dân số trên đà bị lão hóa, phát triển bất cân đối trên toàn lãnh thổ là những dấu hiệu cho thấy sau 3 thập niên tăng trưởng thần kỳ, Trung Quốc đang dần bị đuối sức. Tầng lớp trung lưu và những người dân ở nông thôn lên thành thị kiếm sống, ngày càng đòi được quyền tham gia nhiều hơn vào các sinh hoạt chính trị và xã hội của đất nước. Đấy chính là một lực lượng đối kháng với các “nhóm đặc quyền” ngập chìm trong hàng loạt các vụ bê bối.
Tác giả của bài báo trên tờ Le Monde cho rằng, các doanh nhân Trung Quốc ngày càng nhận thấy rằng họ phải có tiếng nói trong các hoạt động kinh tế và tài chính của đất nước để bảo vệ quyền lợi tư nhân, hoặc “phải hợp tác và trao đổi chặt chẽ với các chuyên gia và các nhà nghiên cứu”.
Theo lời một nữ doanh nhân điều hành một quỹ đầu tư hơn 1 tỷ euro tại Bắc Kinh, muốn đẩy lùi tham nhũng, chính quyền phải cải tổ lại guồng máy chính trị. Nữ doanh nhân này cực lực lên án mô hình Trung Quốc, nơi mà các doanh nghiệp phải đút lót cho các quan chức, các cán bộ địa phương để được phép làm ăn. Bà kết luận nếu như mô hình chính trị của Trung Quốc không thay đổi thì “tham nhũng và bất ổn định sẽ còn tiếp diễn”.