Trúng "chiêu độc" quý bà đội lốt từ thiện: Ai "dọn" những công trình dang dở?
Việc Bà Mai Thùy Linh “tài trợ ảo” trên địa bàn Nghệ An và Hà Tĩnh khiến nhiều nhà thầu lâm vào tình cảnh điêu đứng, còn chính quyền các huyện lại hết sức lúng túng trong việc giải quyết hậu quả.
Nhiều nhà thầu thành con nợ
Khi về làm “từ thiện” trên địa bàn Hà Tĩnh, bà Mai Thùy Linh đã móc nối với ông Trần Văn Thuyết, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Trần Phú (địa chỉ tại xóm 9 xã Đức Thanh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tỉnh). Ông Thuyết là người trực tiếp ký kết hợp đồng với các nhà thầu “nhẹ dạ”, rồi biến họ trở thành những con nợ bất đắc dĩ.
Các dự án do bà Mai Thùy Linh tài trợ, chỉ là tấm biển tượng trưng với giá trị ảo.
Theo thỏa thuận ban đầu, sau khi hoàn thành được 50% khối lượng công việc thì chủ đầu tư “ảo” sẽ cho nghiệm thu và giải ngân 40% giá trị công trình. Trên thực tế, nhiều trường học, trạm y tế trên địa bàn Nghệ An và Hà Tĩnh đã xây dựng được từ 60 - 70% dự án. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhà thầu không nhận được bất kỳ đồng nào nên công trình buộc phải ngừng lại.
Trao đổi với PV Infonet, một nhà thầu phụ bức xúc: “Chúng tôi đã xây xong phần thô như thỏa thuận nhưng họ (chủ đầu tư - PV) lại đánh giá chỉ được 35% khối lượng công việc nên không giải ngân. Đánh giá như vậy là không khách quan. Chúng tôi yêu cầu mời Trung tâm Kiểm định chất lượng của Sở Xây dựng tham gia nhưng họ không chịu”.
“Khi thấy khối lượng công việc đã vượt quá thỏa thuận, họ lại “lật lọng” chuyển sang trách móc để công trình rêu phong, hoang hóa. Họ cố tình chây ì để không chuyển tiền, đưa chúng tôi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Để xây dựng công trình, tôi đã vay mượn đầu tư trên 1,5 tỷ đồng nhưng không nhận lại được xu nào. Hàng tháng tiền lãi ngân hàng là nỗi sợ hãi đối với tôi gần hai năm nay”, vị này nói thêm.
Một nhà thầu phụ khác cho biết: “Họ bảo chúng tôi làm tiếp rồi sẽ giải ngân nhưng chúng tôi sợ rằng họ sẽ lật lọng vì lấy gì để đảm bảo? Hơn nữa, chúng tôi lấy đâu ra tiền để đầu tư tiếp. Nhà cửa, xe cộ đã cắm ngân hàng cả rồi. Thông thường, sau khi ký hợp đồng, chủ đầu tư phải cho ứng 30% chứ”.
Nhà đa năng Trường Tiểu học Đức Lâm đã xây xong phần thô
Cũng theo vị này, cả chủ đầu tư và nhà thầu chính không hề bỏ ra đồng nào. Tiền tổ chức các sự kiện, tiền ăn uống, quà cáp trong lễ động thổ là do nhà thầu bỏ ra. Trong khi nhà tài trợ chỉ trao cho tấm biển tượng trưng với giá trị ảo.
Chính quyền lúng túng
Trao đổi với PV Infonet, ông Lê Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã Hưng Châu (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) cho biết: “Sau khi quy hoạch vị trí và san lấp mặt bằng thì chờ mãi mà không thấy nhà tài trợ đâu cả. Vì thế chúng tôi đã vận dụng nguồn kinh phí của huyện và xã để tiếp tục xây dựng trường học. Hiện nay, nhà hiệu bộ, các phòng chức năng, sân vườn, hệ thống PCC đang trong quá trình hoàn thiện mà không liên quan gì đến nguồn tài trợ của bà Linh cả”.
Nói về các dự án tài trợ trên địa bàn, ông Hồ Văn Hiệp, Phó chủ tịch huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) cho biết: “Khi triển khai xây dựng Trạm y tế xã Hưng Thịnh, do đặc thù công việc nên chỉ phá dỡ một bộ phận công trình, vẫn còn một số cơ sở vật chất để phục vụ khám và điều trị bệnh. Mọi hoạt động khám và chữa bệnh vẫn diễn ra bình thường tuy có hơi chật chội”.
Cũng theo ông Hiệp, lãnh đạo huyện đã bàn về nội dung này và sẽ có phương án giải quyết. Về nguồn vốn thì có thể vận dụng chỗ này, chỗ khác nhưng để làm các thủ tục thì phải có thời gian. Đầu năm 2018 sẽ tiếp tục xây dựng tầng 2 để hoàn thành công trình, phục vụ cho công tác khám chữa bệnh ban đầu được thuận lợi.
Trường Tiểu học Đức Thanh vẫn ngổn ngang gạch đá
Một lãnh đạo huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) chia sẻ: “Công trình Trường Tiểu học Đức Thanh và Trường Tiểu học Đức Lâm là do bà Mai Thùy Linh tài trợ theo hình thức chìa khóa trao tay, vì thế huyện, xã và nhà trường không phải bỏ ra gì cả. Nếu họ tài trợ đàng hoàng thì ta sẽ được công trình, còn không thì ta cũng không ảnh hưởng gì”.
“Khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, chúng tôi cũng đã báo cáo khó khăn này rồi. Chủ tịch tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo tiếp tục cho đầu tư xây dựng công trình nhưng phải chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư cũ. Tuy nhiên, để gặp được ông Thuyết là rất khó, nhiều lần chúng tôi liên lạc mà không được”, vị này cho biết thêm.
Cũng theo vị lãnh đạo này, ông Thuyết là đại diện cho bà Mai Thùy Linh để ký hợp đồng trực tiếp đơn vị thi công nên hai bên phải chấm dứt hợp đồng với nhau thì huyện mới đề nghị với tỉnh xin kinh phí để đầu tư tiếp được.