Trụ sở "5 tỉ đô" tuyệt đẹp của Apple
Theo di nguyện của Steve Job, hãng Apple đang bỏ ra đến 5 tỉ đô để xây “tòa nhà văn phòng tốt nhất thế giới” với quy mô sánh ngang các công trình cổ đại của Ai Cập.
TP Cupertino, bang California (Mỹ) chính là nơi mà gã khổng lồ công nghệ thế giới Apple đặt đại bản doanh của mình. Cuối năm nay, TP nhỏ ở phía bắc thung lũng công nghệ Silicon sẽ là nơi duy nhất trên thế giới sở hữu tạo tác đỉnh cao của Apple: tòa nhà đại bản doanh mới xây dựng.
Sánh ngang công trình kiến trúc Ai Cập cổ đại
Chỉ vài tháng trước khi qua đời vào năm 2011, Steve Job, nhà sáng lập kiêm tổng giám đốc điều hành Apple, đã dự đoán rằng tòa nhà do ông lãnh đạo thiết kế sẽ trở thành “tòa nhà văn phòng tốt nhất trên thế giới” và người từ khắp nơi trên thế giới sẽ phải đổ về đây để chiêm ngưỡng.
Để hiện thực hóa di nguyện của ông, Apple đã thuê gần 13.000 công nhân xây dựng làm việc hơn năm năm trời “cửa đóng, then cài”, không để một hình ảnh nào về tiến độ tòa nhà lọt ra ngoài. Tất cả manh mối có thể quan sát được từ bên ngoài chỉ là những cần cẩu và núi cát khổng lồ cao đến hàng chục mét. Tờ The Economistbình luận quy mô của công trình này sánh ngang với cả những tượng đài cổ đại của nền văn minh Ai Cập. Mỗi tấm kiếng của tòa nhà bốn tầng này đều được uốn cong nguyên miếng đầy công phu, đòi hỏi phải có khung cửa sổ chỉ có thể làm được tại Đức. The Economist cho biết đây là những tấm kiếng lớn nhất từng được sản xuất trên thế giới. Với tổng giá trị xây dựng lên đến khoảng 5 tỉ USD, đây có thể xem là tòa nhà tổng hành dinh đắt đỏ nhất lịch sử các tập đoàn xuyên quốc gia.
Tượng trưng cho nút “Home” của Apple
Tòa tổng hành dinh của gã khổng lồ công nghệ được thiết kế bởi kiến trúc sư người Anh nổi tiếng Norman Foster, người đã thiết kế nên sân vận động Wembley của Anh với trường phái “tương lai”. TờThe Economist bình luận tòa nhà vừa là một tượng đài phô trương sự giàu có của Apple, vừa là một “điện thờ” tinh tế cho tầm nhìn của Steve Job.
Tổng hành dinh mới của Apple sẽ giống một phi thuyền ngoài hành tinh xuất hiện trên Trái đất. Ảnh: CITY OF CUPERTINO
Thoạt nhìn tòa nhà không khác gì một khối kiến trúc của người ngoài hành tinh nằm giữa một khu rừng gồm 6.000 cây mới trồng. Chiếc “tàu mẹ” sẽ có diện tích gần bằng 2/3 so với Lầu Năm Góc và chứa được hơn 12.000 người khi mở cửa vào năm tới. Với hình dạng vòng tròn khổng lồ, tòa nhà cũng tượng trưng cho nút “Home” đặc trưng của các sản phẩm gắn liền với thương hiệu Apple như iPhone và iPad. Nhiều khoảng không gian xanh rộng lớn được bố trí trong và ngoài tòa nhà, gợi lại những khoảnh vườn xung quanh căn nhà thời thơ ấu của Steve Job. Jonathan Ive - Giám đốc thiết kế Apple, người góp phần khai sinh ra iPod và iPhone - đã giám sát quá trình thiết kế và thi công với tất cả sự nghiêm khắc mà ông tuân thủ khi thiết kế các sản phẩm của Apple.
Theo The Economist, những khách tham quan sẽ không được chào đón trong khuôn viên của tòa nhà này. Họ chỉ có thể chiêm ngưỡng tòa nhà từ một đài quan sát, đặt tại một tòa nhà khác cách đó không xa. Điều này cũng không quá bất ngờ đối với một công ty nổi tiếng với sự bảo mật cao tuyệt đối như Apple.
Facebook, Google không chịu kém cạnh
Louise Mozingo, giáo sư chuyên ngành nghệ thuật ĐH Berkeley California, cho rằng Thung lũng Silicon đang bước vào thời kỳ “vàng son” trong kiến trúc của mình. Nhiều gã khổng lồ công nghệ khác cũng đang gấp rút xây mới các tòa nhà làm việc và tổng hành dinh với các kiến trúc độc đáo và đa dạng.
Năm 2015, Facebook cũng đã khai trương một tòa nhà với tổng diện tích lên đến gần 40.000 m2 tại khu Menlo Park, được thiết kế để phù hợp với văn hóa làm việc giản dị của tập đoàn này. Tòa nhà có kiểu dáng như một nhà kho khổng lồ, gợi lại nơi xuất phát điểm mà nhà tỉ phú Mark Zuckerberg đã tạo lập nên Facebook. Theo yêu cầu của ban giám đốc Facebook, kiến trúc sư Frank Gehry phải tạo ra được một tòa nhà không quá đắt tiền hoặc hào nhoáng. “Đó phải là một kiến trúc hiệu quả và không cần vẻ ngoài bóng bẩy” - Lori Goler, Phó Giám đốc nhân sự của công ty, yêu cầu. John Tenanes, người chịu trách nhiệm quản lý bất động sản của công ty, cũng muốn một tòa nhà “đơn giản, thực tế nhằm thúc đẩy môi trường làm việc hiệu quả”. Thậm chí sơ đồ tòa nhà cũng rất đơn giản: bãi đậu xe được đặt dưới lòng đất, các nhân viên sẽ làm việc ở lầu chính, còn không gian cắm trại được đặt trên sân thượng.
Không ai, kể cả Mark Zuckerberg có phòng làm việc riêng ngoại trừ phòng họp của lãnh đạo công ty. Facebook đã áp dụng triết lý của mạng xã hội vào chính tòa nhà của mình: Một không gian mở, giúp mọi người kết nối và tương tác với nhau. Thêm vào đó, thiết kế nội thất sáng sủa, đầy màu sắc bên trong mang lại một cảm giác đây là một nơi dành cho start-up hơn là một tập đoàn hàng ngàn nhân viên. Dự kiến khi 2.800 nhân viên Facebook dời về trụ sở mới vào hè này, tòa nhà sẽ chính thức trở thành văn phòng làm việc không gian mở lớn nhất trên thế giới.
Dự án tổng hành dinh của Google còn tham vọng hơn cả. Google cũng đang lên kế hoạch xây dựng một tòa nhà ở Mountain View, thay thế tổng hành dinh Googleplex hiện nay của mình. Công trình đầy sáng tạo này phản ánh đỉnh cao thành công của một tập đoàn đang đầu tư phát triển công nghệ cho mọi mặt của đời sống hiện đại, từ chế tạo xe tự lái, chất lượng cuộc sống đến thám hiểm vũ trụ. Với lượng doanh thu và nhân viên đang tăng nhanh đến chóng mặt, công ty đã thuê hai kiến trúc sư Thomas Heatherwick và Bjarke Ingels thiết kế một tổng hành dinh mới có khả năng mở rộng vô cùng độc đáo.
Tòa Googleplex mới sẽ là một khối công trình rộng 230.000 m2 bằng kiếng có thể di chuyển và thay đổi vị trí như những khối Lego tùy theo yêu cầu không gian của các bộ phận khác nhau. Một cần cẩu được thiết kế đặc biệt để sắp xếp khối kiến trúc này. Nếu dự án thành công, Google một lần nữa có một đột phá mới trong thiết kế công trình có khả năng di động.
Làn sóng “phục hưng” kiến trúc Thung lũng Silicon
Các tập đoàn công nghệ khác như Nvidia, Samsung và “hiện tượng mới nổi” Uber cũng sẽ chi ra tổng cộng gần 1 tỉ USD để xây dựng các tổng hành dinh mới, làm cột mốc chứng tỏ sự thành công của mình. Các dự án đầy tham vọng này của những gã nhà giàu tại Thung lũng Silicon sẽ làm thay đổi toàn bộ cảnh quan kiến trúc khu vực này, từ những dáng dấp “nhà kho khổng lồ” sang những kiểu kiến trúc cầu kỳ và mang hình ảnh tương lai.
Làn sóng kiến trúc này thể hiện sự giàu có khổng lồ của các công ty trong Thung lũng Silicon, cũng như sự lạc quan rằng họ sẽ nắm trong tay tương lai công nghệ của thế giới. Tuy nhiên, tờ The Economist bình luận về dài hạn những gã khổng lồ này vẫn có thể chịu tổn thất từ chính “tượng đài” mà mình xây nên. Thung lũng Silicon có thể phát triển mạnh mẽ là nhờ con người ở các công ty khác nhau có thể gặp gỡ, chia sẻ ý tưởng trong các công viên, nhà hàng và quán cà phê. Từ đó có những ý tưởng khởi nghiệp táo bạo và bứt phá. Khi các hãng bắt đầu xây dựng những “thế giới khép kín” của riêng mình, sự giao thoa này có thể sẽ chấm dứt. Những kiến trúc choáng ngợp này đương nhiên sẽ thu hút được nhân tài và cả khách du lịch. Nhưng việc thay đổi môi trường làm việc và sáng tạo của toàn bộ Thung lũng Silicon cũng đặt ra những rủi ro lớn.
Không phải trào lưu mới Những công trình kiêu sa kiểu này không phải lần đầu xuất hiện tại Thung lũng Silicon. Kể từ thời kỳ bùng nổ Internet vào cuối những năm 1990, các tập đoàn như Sun Microsystems, Silicon Graphics, Excite và Borland Software đã xây nên những “cửu trùng đài” như vậy. Nhưng đó là khi chỉ số NASDAQ Composite còn ở đỉnh cao 5.000 điểm vào những năm 2000. Đến năm 2002, chỉ số này giảm xuống có lúc chỉ còn 1.114 điểm, kéo theo đó là những tòa lâu đài trống trơn tại Thung lũng Silicon. Các công ty nên được nhắc nhở rằng giống như người New York tiếc nuối nhìn vào các tòa nhà của Pan Am, Chrysler hay General Motors, thời nào cũng có những người khổng lồ bị gục ngã. |