Trót nộp tiền mua nhà cho bà Châu Thị Thu Nga, nên làm gì?

Người đứng đầu của chủ đầu tư hàng loạt dự án nhà ở tại Hà Nội là bà Châu Thị Thu Nga bị bắt, hàng trăm khách hàng lo lắng về số tiền đã đóng góp vào công ty. Vậy, họ nên làm gì bây giờ?

Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group) là bà Châu Thị Thu Nga vừa bị bắt đã huy động vốn cho hàng loạt dự án tại Hà Nội.

Cụ thể, Dự án đầu tư xây dựng công trình tại khu đất B5 Cầu Diễn (Từ Liêm), dự án khu nhà ở kinh doanh Phú Thượng (Tây Hồ), dự án Trung tâm thương mại kết hợp văn phòng và nhà ở tại 132 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân)…. đã được Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group) huy động hàng trăm tỷ đồng của khách hàng dưới dạng hợp đồng góp vốn, hợp đồng đặt cọc…

Trót nộp tiền mua nhà cho bà Châu Thị Thu Nga, nên làm gì? - 1

Bà Châu Thị Thu Nga

Thế nhưng, bà Châu Thị Thu Nga, người đứng đầu của Công ty này đã bị cơ quan công an bắt giữ tại nhà riêng. Trước sự việc này, hàng trăm khách hàng ở các dự án nói trên đang vô cùng lo sợ khoản tiền mình đã đóng cho Công ty sẽ bị mất.

Vậy, người mua nhà nên làm gì bây giờ? Một số ý kiến chia sẻ của giới luật sư với PV Infonet hy vọng sẽ phần nào giúp ích cho các khách hàng.

Luật sư Bùi Quang Hưng, Trưởng Văn phòng Luật sư BQH và cộng sự:

Theo tôi, trong trường hợp này khách hàng nên bám lấy chủ đầu tư để xem họ có xây dựng dự án được nữa không, nếu không xây dựng được thì phải tìm hiểu dự án đã có giấy phép xây dựng hay chưa?...

Người đứng đầu của chủ đầu tư đã bị bắt rồi thì người dân nên nộp đơn lên cơ quan công an, nơi mà đang thụ lý vụ việc để nêu rõ thiệt hại của mình để khi truy thu được từ các tài sản của bà Nga sẽ trả lại.

Trong trường hợp tài sản của bà Nga không đủ chia thì vẫn chia, được bao nhiêu tốt bấy nhiêu, khách hàng vẫn phải chấp nhận chịu thiệt thòi.

Trước khi mua bán nhà người dân mình đa số không tìm hiểu pháp luật, sự việc này sẽ là bài học cho tất cả mọi người.

Luật sư Trần Thái Bình, Luật sư thành viên Văn phòng Luật sư LNT & Parters:

Khách hàng phải căn cứ vào hợp đồng vì đây là giao dịch dân sự. Khách hàng có thể liên kết với nhau để tạo tiếng nói lớn hơn, gây áp lực cho chủ đầu tư cũng như gây sự chú ý tới cơ quan chức năng để sớm có cách giải quyết.

Việc nhận lại số tiền đã đóng là rất khó, ai trả bây giờ? Nên chỉ mong dự án sẽ tiếp tục được thực hiện.

Bà Nga chỉ là một cá nhân, một cổ đông trong công ty, còn Công ty đó là một pháp nhân thì vẫn tiếp tục tồn tại nên Công ty phải có trách nhiệm thực hiện tiếp nghĩa vụ của mình đối với những cam kết ở các hợp đồng đã ký kết với các đối tác cũng như người mua nhà.

Song, vấn đề là Housing Group có khả năng tài chính để thực hiện được hay không?

Nếu họ không còn khả năng thực hiện được nữa thì phải giải quyết như thế nào thì chỉ có cơ quan Nhà nước vào cuộc, dựa theo quy định của pháp luật, thu hồi dự án, giao cho đơn vị khác tiếp tục thực hiện dự án để bảo đảm quyền lợi cho người mua nhà.

Luật sư Phạm Ngọc Minh, Công ty Luật TNHH Everest:

Bà Thu Nga đã bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố tội danh lừa đảo. Tuy nhiên, bà Thu Nga có phạm tội hay không, phạm tội lừa đảo hay phạm tội khác, tính chất và mức độ vi phạm như thế nào… hoặc là những nhà đầu tư và những người có liên quan đến việc góp vốn có bị thiệt hại hay không, mức độ thiệt hại hoặc liên quan như thế nào… cần phải được cơ quan tiến hành tố tụng xác minh làm rõ.

Trong vụ án này, những nhà đầu tư và những người có liên quan đến việc góp vốn có thể được cơ quan tiến hành tố tụng xác định tư cách là người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ có liên quan.

Giả thiết, bà Thu Nga bị tuyên có tội (tội lừa đảo) bằng bản án của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, thì theo quyết định dân sự trong Bản án sẽ xác định mức bồi thường và các biện pháp bảo đảm bồi thường đối với người bị hại, nguyên đơn dân sự; trách nhiệm và các vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Do đó, nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án và góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, những cá nhân này có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu. Pháp luật quy định, các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm tạo điều kiện cho họ thực hiện các quyền đó.

Đối với tài sản của người bị hại bị chiếm đoạt, tài sản, lợi ích của nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án có được hoàn trả, bồi thường đầy đủ hay bồi thường một phần, phụ thuộc vào tài sản bị chiếm đoạt được thu hồi như thế nào, các tài sản của người phạm tội bị kê biên có đủ để thi hành án toàn bộ bản án hay không…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Thư (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN