Trốn công bố thông tin: Nhà đầu tư hứng “mưa” xử phạt
Chỉ tính trong tháng 8/2017, Ủy ban chứng khoán đã ban hành gần 30 quyết định xử phạt cá nhân và doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, thu hàng trăm triệu đồng tiền phạt. Hầu hết đều chung lỗi cố tình trốn công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch bán và mua chứng khoán.
Mưa phạt tiền
Ngày 24/8/2017, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phú Việt (địa chỉ: L15-07, Tòa nhà Vincom, 72 Lê Thánh Tôn, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) với mức tiền phạt 30 triệu đồng. Lý do doanh nghiệp này vi phạm báo cáo không đúng thời hạn khi có thay đổi về số lượng cổ phiếu sở hữu vượt quá các ngưỡng 1% cổ phiếu SPD, dẫn đến tỷ lệ sở hữu cổ phiếu sau giao dịch của công ty và người có liên quan tăng từ 8,33% lên 11,23%. Tuy nhiên, đến ngày 14/4/2017, sở GDCK Hà Nội mới nhận được báo cáo về sự thay đổi này.
Cùng đó, UBCK đã xử phạt Công ty Cổ phần Vận tải ô tô số 2 (62 Hoa Lâm, phường Việt Hưng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội) với mức phạt tiền 85 triệu đồng do công ty này đã không báo cáo UBCK theo quy định pháp luật các tài liệu như: Báo cáo thường niên năm 2015; Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2015.
Đặc biệt, tháng 8 ghi dấu ấn “mưa xử phạt” hàng loạt cá nhân vi phạm trong giao dịch chứng khoán. Cụ thể, UBCKNN quyết định phạt tiền 17,5 triệu đồng bà Nguyễn Thị Liên (số 16 đường Mạc Thị Bưởi, Khối 1, phường Trung Đô, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) do báo cáo không đúng thời hạn về kết quả thực hiện giao dịch. Bà Liên là người liên quan với ông Lê Mạnh Hùng, Ủy viên HĐQT Cty Cổ phần Khoáng sản Á Châu (mã chứng khoán: AMC) đăng ký giao dịch bán 90.200 cổ phiếu AMC. Tuy nhiên, phải bán xong đến hơn 1 tháng sau, bà Liên mới báo cáo kết quả.
Còn bà Ninh Thị Thanh (địa chỉ: Yên Ninh, Ý Yên, tỉnh Nam Định) thì bị phạt tiền 42,5 triệu đồng do bà Thanh là thành viên Ban kiểm soát Công ty Cổ phần Bất động sản Xây dựng Trường Thành (mã chứng khoán: TEG) nhưng đã cố tình mua 600.000 cổ phiếu TEG mà không báo cáo trước khi thực hiện giao dịch.
Ông Dương Hữu Tuyến (địa chỉ: 303 A2 Tập thể Đại học Giao thông vận tải, 99 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội) thì bị phạt tiền 55 triệu đồng cũng do không báo cáo về việc dự kiến giao dịch và sau đó đã mua 732.040 và bán 365.600 cổ phiếu HCD.
Bà Phạm Thị Đào Anh (địa chỉ: Phường Hà Huy Tập, thành phố Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) bị phạt tiền 15 triệu đồng do báo cáo không đúng thời hạn khi có thay đổi về số lượng cổ phiếu vượt quá các ngưỡng 1% của Công ty Cổ phần Đầu tư và Tư vấn Hà Long (mã chứng khoán: HID). Ngoài ra còn một số tổ chức và cá nhân khác.
Cố tình vi phạm?
Việc nhà đầu tư liên tục bị xử phạt như trên như Tiền Phong đã có lần đề cập, thường nằm ở lỗi “cố tình” vi phạm không công bố thông tin. Còn các doanh nghiệp cũng tương tự, thường đánh bài lờ mỗi lần muốn tăng hay giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần tại doanh nghiệp khác.
Trao đổi, một lãnh đạo UBCK từng thừa nhận: Không phải nhà đầu tư, doanh nghiệp hay cổ đông không nắm được quy định phải công bố thông tin. Nhưng nhiều khi họ muốn “né” việc báo cáo giao dịch nhằm hoàn tất ý định bán, hoặc mua chứng khoán đó, tránh thị trường bị tác động thông tin công bố dẫn đến lên hoặc xuống giá cổ phiếu.
Vậy, có cách nào để hạn chế tối đa những trường hợp vi phạm? Theo lãnh đạo ủy ban, hiện các cơ quan chức năng vẫn luôn bám sát thị trường và bất cứ một giao dịch bất thường nào khi thực hiện xảy ra đều không qua mắt được cơ quan quản lý. “Về cơ bản những tổ chức cá nhân vi phạm luôn chấp nhận chịu phạt. Quan điểm của UBCK là không bỏ qua bất cứ trường hợp vi phạm nào”, vị này cho biết.
Theo Thông tư số 155/2015/TT-BTC quy định hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK, (thay thế Thông tư số 52 và có hiệu lực từ 1/1/2016), đối tượng phải công bố thông tin được mở rộng hơn rất nhiều. Theo đó, tổ chức, cá nhân, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu đang lưu hành có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, quỹ đóng, phải công bố thông tin trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày trở thành hoặc không còn là cổ đông lớn.
Nhóm đối tượng trên nếu có sự tăng hoặc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng qua các ngưỡng 1% phải công bố thông tin trong thời hạn 7 ngày. Còn người nội bộ và người liên quan phải công bố thông tin và báo cáo về dự kiến giao dịch trước ngày thực hiện giao dịch tối thiểu là 3 ngày làm việc.
Trước cảnh báo tín dụng tăng 21-22% dễ dẫn đến lạm phát và nợ xấu, NHNN tỏ ra rất thận trọng trong các bước điều...