"Trói" khách mua nhà xã hội bằng tiền đặt cọc

Việc chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội thu tiền đặt cọc nhằm trói chân khách đăng ký mua nhà gây bức xúc, thậm chí chuyên gia còn cho rằng quan điểm về nhà ở xã hội (NƠXH) của Bộ Xây dựng chưa rõ ràng nên mới có chuyện sẽ đưa ra quy định cho phép chủ đầu tư thu tiền đặt cọc.

Ngay sau khi lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, sắp tới Bộ sẽ ban hành quy định cho phép các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) được phép nhận đặt cọc của người mua nhà dưới hình thức thỏa thuận dân sự đã có nhiều ý kiến không đồng tình.

Theo tìm hiểu, tại dự án NƠXH 143 Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội) chủ đầu tư đã và đang thu tiền đặt cọc mua nhà của mỗi khách hàng là 70 triệu đồng. Mục đích của việc thu tiền đặt cọc này được chủ đầu tư lý giải là để “giữ chân” khách hàng cam kết chắc chắn mua nhà tại dự án. Khi ký hợp đồng mua nhà, số tiền đặt cọc sẽ được chuyển thành tiền đóng đợt 1. Nếu khách hàng không mua sẽ mất tiền đặt cọc.

Tuy nhiên, số đông khách hàng tại dự án này không đồng ý đặt cọc và lo sợ rủi ro.

"Trói" khách mua nhà xã hội bằng tiền đặt cọc - 1

“Dự án chưa khởi công, chưa ký hợp đồng, chưa được biết căn hộ, diện tích, giá tiền mỗi mét vuông là bao nhiêu… mà lại nộp khoản tiền 70 triệu đồng cho chủ đầu tư khi chỉ có những thông báo qua điện thoại, mang tính khách hàng tự nguyện, không có gì giao kèo với chủ đầu tư thì đây là sự tự nguyện liều mình, chấp nhận rùi ro, như thế làm sao khách hàng có thể nộp tiền được”, một khách hàng mua nhà tại dự án 143 Trần Phú cho biết.

Một khách hàng khác cũng mua nhà tại dự án nói trên băn khoăn: theo lời chủ đầu tư “hứa” nếu nộp tiền đặt cọc thì sau này sẽ chắc suất mua hơn khiến nhiều người phân vân, nộp thì sợ mất tiền mà không nộp thì sợ quyền mua nhà “mong manh”. Hơn nữa, nếu sau này khi bốc thăm căn hộ, chẳng may bốc phải căn có diện tích lớn, gia đình không đủ tiền mua thì rất khó, lúc đó nếu mua thì lấy đâu ra tiền để trả, không mua thì mất tiền đặt cọc.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, một khách hàng đã đăng ký mua NƠXH tại dự án Tây Nam Linh đàm cũng không đồng tình với quy định chủ đầu tư được nhận tiền đặt cọc nếu được thực hiện. Theo anh Tuấn, các chủ đầu tư xây dựng NƠXH vốn đã nhận được nhiều ưu đãi từ Nhà nước, khách hàng mua nhà đều là người có thu nhập thấp việc phải đặt cọc vài chục triệu đồng để mua nhà sẽ tạo rào cản cho những người muốn tiếp cận loại hình nhà ở này.

“Chủ đầu tư nhận cọc nhưng việc xét duyệt và chấm điểm hồ sơ phụ thuộc vào nhiều cơ quan ban ngành khác, vậy lấy gì để chủ đầu tư đảm bảo nếu đặt cọc sẽ chắc suất mua nhà hơn? Nếu việc mua nhà được đảm bảo như chủ đầu tư nói thì tính công bằng và sự minh bạch trong xét duyệt hồ sơ NƠXH ở đâu?” anh Tuấn thắc mắc.

Trao đổi với PV Infonet, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam nói thẳng: “Không nên áp dụng đặt cọc cho NƠXH. Quan điểm về loại NƠXH của Bộ Xây dựng chưa rõ ràng nên mới có chuyện sẽ đưa ra quy định cho phép chủ đầu tư thu tiền đặt cọc”.

Ông Liêm cho biết, cả người mua lẫn người bán loại NƠXH đều phải tuân theo những điều kiện, quy định bắt buộc, khác với nhà thương mại. Đối tượng mua NƠXH là những người nghèo, ít tiền trong xã hội, phải đi vay tiền ngân hàng hoặc bạn bè, người thân trong gia đình mới có thể mua nhà. Vì thế, trong thời gian trả dần các năm nếu người mua nhà quá khó khăn, không thể vay để đóng tiếp cho chủ đầu tư, thì xử lý thế nào?

“Nếu thỏa thuận sẽ đặt cọc tiền để mua nhà thì cần có cam kết, ràng buộc chủ đầu tư, ví dụ đến thời điểm nào chủ đầu tư phải giao nhà, nếu không giao được thì chủ đầu tư phải bị phạt gấp đôi số tiền đã đặt cọc chẳng hạn tránh rủi ro xảy ra với người mua nhà.” ông Liêm nói.

Việc chủ đầu tư được nhận tiền đặt cọc của người mua nhà theo Bộ Xây dựng sẽ giúp cho doanh nghiệp có thể chủ động xác định khách hàng nào sẽ mua nhà, tránh tình trạng khách hàng đăng ký mua nhà sau đó lại xin rút hồ sơ sẽ khiến cho chủ đầu tư mất chủ động trong việc lên kế hoạch kinh doanh. Nhưng, theo ông Liêm, trước khi ban hành quy định này, Bộ Xây dựng nên có một cuộc họp có sự tham gia của những người dân mua nhà, những chủ đầu tư xây dựng NƠXH để lấy ý kiến xác đáng nhất, đảm bảo quyền lợi cho cả hai phía.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Lê (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN