Trở thành tỷ phú số 1 nhờ nhà ổ chuột

Năm 1970, Vương Kiện Lâm 15 tuổi, vừa tốt nghiệp cấp II, cha ông đã quyết định cho ông vào quân đội để rèn luyện và đến Năm 32 tuổi, ông đã giã từ cuộc đời binh nghiệp.

17 năm quân ngũ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong ông. Sau này khi trở thành doanh nhân, không ít lần ông đã nhắc đến giai đoạn này với nhân viên. Đặc biệt, ông rất tâm đắc đến câu nói mà cấp trên đã dạy khi ông còn trong quân ngũ: “Hãy xem đồng đội mình như anh em ruột”. Nhưng điều quyết định đưa ông Lâm đến vị trí tỉ phú số 1 Trung Quốc chính là luôn “nhanh hơn nửa nhịp” so với đối thủ.

Từ một canh bạc liều

Năm 1988, ông Lâm trên cương vị chủ nhiệm văn phòng chính phủ khu vực Tây Cương trực thuộc Đại Liên, đã xung phong tiếp quản Công ty Vạn Đạt chuyên khai thác và phát triển nhà ở trong vùng. Công ty này sắp phá sản và nợ đến 1.490.000 tệ.

Khi đó, bất động sản còn là lĩnh vực xa lạ đối với ông, nhưng ông đã nhanh chóng chọn được một dự án mà ngay cả những người đi trước cũng không dám hoặc e ngại không làm: cải tạo nhà cũ. “Công việc phức tạp, giá thành cao, chẳng ai chịu làm, chúng tôi là đơn vị đầu tiên ở Đại Liên đảm nhận công việc này”, ông kể lại. Trên thực tế, Vạn Đạt chẳng còn cách nào khác. Bởi lẽ, tham gia các dự án mới đòi hỏi phải có quota (hạn ngạch), thứ mà Vạn Đạt không thể có được. Trong khi đó, cải tạo nhà cũ lại nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, “muốn bao nhiêu cho bấy nhiêu”.

Bấy giờ, phía Nam thành phố Đại Liên, có một khu ổ chuột. Khi ông Lâm đến xin quota, ngay lập tức được chính quyền địa phương chỉ tay về khu ấy mà phán rằng: “Đấy, anh muốn khai thác phát triển bao nhiêu cũng được hết!”. Tuy nhiên, khi trở về tính toán giá thành, mỗi mét vuông đã lên đến 1.200 tệ, mức giá nhà cao nhất của Đại Liên thời đó, chả trách chẳng ai thèm làm.

Nhưng chẳng còn cách nào khác, ông Lâm quyết định chơi một canh bạc liều. Khu ổ chuột được cải tạo thành Phố Bắc Kinh nổi tiếng ngày nay của thành phố Đại Liên. “Hơn 800 căn hộ, một tháng đã bán sạch, thu về mấy chục vạn tiền lời! Thực ra cũng rất đơn giản, chúng tôi đã thực hiện một số sáng kiến, một là đưa ra sản phẩm diện tích trên 130 m2, hai là lần đầu thiết kế phòng khách với cửa sổ trong suốt ở phía Bắc, ba là sử dụng cửa sổ hợp kim nhôm”, ông Lâm nhớ lại.

Thành công bước đầu đã giúp ông mạnh dạn xem cải tạo là nghề chính của mình. Khi các công ty khác nhảy vào thì Vạn Đạt đã trở thành “nhà cải tạo nhà cũ chuyên nghiệp” ở Đại Liên. “Tiền cứ ào ạt chảy vào túi”, ông Lâm nói về ngày ấy với ánh mắt phấn chấn.

Nhưng càng lời lại càng lo, thể chế cũ vốn dĩ không thể để cho doanh nghiệp vươn tay duỗi chân. Muốn sa thải một anh tài xế lộng quyền mà ông Lâm phải chạy đến lãnh đạo thành phố nói mình muốn từ chức để “uy hiếp”, mới có thể thực hiện được. Hay như sự kiện “Du lịch công phí”. Chỉ vì thương công nhân viên tăng ca liên tục mà tăng lương thì chẳng thấy, ông đã tổ chức cho đi du lịch tập thể. Thế nhưng, hành động chính đáng đó lại nhận một kết quả là ông phải chịu hoặc cảnh cáo hoặc phê bình công khai. Cuối cùng nhờ sự can thiệp của Ủy ban Kỷ luật Khu vực, ông mới không bị xử phạt, nhưng mỗi nhân viên phải bù lại 200 tệ công phí.

Chính vì những việc như vậy, ông bắt đầu quan tâm đến chế độ cho công nhân viên. Năm 1991, Chính phủ Trung Quốc lên kế hoạch thí điểm cổ phần hóa doanh nghiệp ở Đại Liên. Rất nhiều người đã e sợ, riêng ông lại tích cực xin tham gia. Nhờ đó, Vạn Đạt đã đi trước một bước trong cải cách cơ chế hoạt động của doanh nghiệp so với cả vùng Đông Bắc. Mấy năm sau, Công ty được cổ phần hóa, ông Lâm từng bước mua lại và sở hữu cổ phần của Vạn Đạt, trở thành một doanh nhân đúng nghĩa.

Hỏng thanh danh thì không chi trả được

Vạn Đạt phất lên nhờ bất động sản, nhưng lại nổi danh nhờ bóng đá. Ngày nay, nhiều người vẫn cho rằng Vạn Đạt là công ty thể thao. Đây là công ty đầu tiên ở Trung Quốc đầu tư vào bóng đá.

“Năm 1994, chủ nhiệm ủy ban thể dục thể thao thành phố Đại Liên tìm đến tôi, nói là Nhà nước muốn tổ chức giải bóng đá toàn quốc. Tôi là một tín đồ bóng đá có tiếng, vậy là tham gia”, ông Lâm kể lại. Câu lạc bộ bóng đá Vạn Đạt - câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp đầu tiên của Trung Quốc, được thành lập. Rất nhanh sau đó, Vạn Đạt trở thành câu lạc bộ giàu thành tích nhất: 6 năm đoạt 4 chức vô địch, lập kỷ lục thắng 55 trận. Tập đoàn Vạn Đạt - Đại Liên cũng bắt đầu nổi tiếng từ đó.

Tuy nhiên, vài năm sau, ông Lâm lại tạo nên một kỷ lục mới: người đầu tiên rút khỏi bóng đá. Ông cho rằng, nguyên nhân rút khỏi bóng đá không phải vì tiền. “Một năm mấy trăm triệu, chúng tôi chi được, nhưng làm hỏng thanh danh thì chúng tôi không chi trả được”, ông nói. Ngay đêm trước xảy ra các sự kiện làm hỏng bóng đá Trung Quốc như mua chuộc trọng tài, dàn xếp tỉ số, đá giả, cá độ vào năm 2000, Vạn Đạt đã rút lui khỏi mảnh đất thị phi này. “Bây giờ nhìn lại, chúng tôi thấy mình rút kịp lúc”, ông cho biết.

Làm bất động sản theo đơn đặt hàng

Sau khi rút lui khỏi cầu trường, ông Lâm dồn toàn lực cho bất động sản. Từ đó, một mô hình bất động sản thương mại mới đã ra đời: trước tiên Vạn Đạt tìm một công ty thương mại kiểu như Wal-Mart (Mỹ) ký hợp đồng cho thuê, sau đó mới đưa sản phẩm ra thị trường để giảm thiểu rủi ro. Ông Lâm đã đặt tên cho mô hình này là “Bất động sản thương mại theo đơn đặt hàng”.

Ông cho biết: “Để thuyết phục Wal-Mart, tôi đã phải đi lại mấy chục lần, đối phương mới đồng ý thử xem sao”. Trước tiên ông lựa chọn địa thế tốt rồi báo lại cho Wal-Mart, sau đó căn cứ nhu cầu của Wal-Mart để lên phương án thiết kế, cuối cùng là bàn giao mặt bằng đúng kỳ hạn. Trong vòng 1 năm, Vạn Đạt đã thực hiện 6 dự án ở 6 thành phố khác nhau cho Wal-Mart. Thấy hiệu quả, nên đã có hơn 10 tập đoàn lớn như Yum Brands ký hợp đồng, mô hình “Bất động sản theo đơn đặt hàng” chính thức hình thành.

Trên cơ sở doanh thu ổn định từ mô hình mới, ông Lâm tiếp tục tung ra chiêu mới mang tính tiên phong: đem các dự án thương mại theo đơn đặt hàng, chuyển ra nước ngoài để huy động vốn. Theo đó, Vạn Đạt đã đem nhiều dự án bất động sản thương mại hiện có trong tay đóng gói với hình thức “Quỹ ủy thác bất động sản”, tung lên sàn Hồng Kông nhằm huy động 1 tỉ USD. Trước sự kiện này, Ngân hàng Macquarie (Úc) đã rót 3 tỉ nhân dân tệ vào Vạn Đạt dưới danh nghĩa đầu tư cá nhân. Và nếu đợt huy động vốn thành công thì thương vụ này sẽ trở thành thương vụ có giá trị lớn nhất của một doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Phượng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN