Trở thành triệu phú sau khi đánh bại ung thư
Gần một thập kỷ kể từ ngày hay tin mình bị ung thư, Eimer không những đã đánh bại căn bệnh “quái ác” mà còn trở thành một nhà đầu tư triệu phú.
Tim Eimer, là một giáo viên khoa học đối mặt với hung tin về căn bệnh của mình khi bác sỹ chuẩn đoán anh bị mắc một dạng ung thư hiếm gặp liên quan đến tuyến giáp và anh chỉ còn hai năm nữa để sống. Eimer lúc bấy giờ phải bỏ công việc viết sách được nhà xuất bản trả tới 200$ một giờ để tìm cách chữa trị căn bệnh của mình. Gần một thập kỷ kể từ ngày đó, Eimer không những đã đánh bại căn bệnh ung thư mà còn trở thành một nhà đầu tư triệu phú.
Nhìn lại thời điểm khó khăn nhất của mình, Eimer đã may mắn tìm được một bác sỹ duy nhất đang nghiên cứu về chủng ung thư mà Eimer mắc phải, và bà đang phát triển loại thuốc hóa trị liệu thực nghiệm giúp cứu sống Eimer. Eimer nhớ lại quá trình điều trị để kéo dài sự sống là một quá trình đau đớn, mệt mỏi liên miên, rụng tóc. Nhưng Eimer đã có thể tiếp tục dạy học ở trường trung học Phil-Mont Christian Academy.
Gần một thập kỷ chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác, Eimer giờ đã đánh bại được bệnh tật và ở trong tình trạng ổn định về sức khỏe. Không chỉ chiến thắng bệnh tật, Eimer còn vượt qua thời kỳ suy thoái của thị trường tài chính Mỹ, vượt qua đa số các nhà đầu tư nhỏ lẻ khác để dành được thành công trên danh mục đầu tư của mình.
Nhà đầu tư dũng cảm Eimer luôn có tâm niệm “chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất”. Eimer và vợ dành nửa thu nhập của mình để vào quỹ hưu trí và quỹ học đại học cho các con. Không như phần lớn người Mỹ đổ tiền vào mua xe đắt tiền, mua nhà quá khả năng chi trả, vợ chồng Eimer sống tiết kiệm và không vay nợ, chỉ mua ngôi nhà hai phòng ngủ và một chiếc Corolla với giá 15.000 USD, sau đó họ “phung phí” mua thêm một chiếc Honda Element 18.000 USD.
Eimer cho biết ông nội của mình đã mất hết tài sản từ cuộc Đại suy thoái trước, và cách sống thanh đạm đã ngấm vào anh từ bé. “Nếu chúng ta không có phương án chuẩn bị cho những tình huống xấu, chúng ta có thể phải đối mặt với những thảm họa tài chính”.
Vợ của Eimer đã chuyển từ một người tiêu xài hoang phí thành người quản lý ngân sách của gia đình. “Nếu không có cô ấy, chúng tôi sẽ không thể đạt được thành công như ngày hôm nay.”
Sau vụ sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers vào tháng 9 năm 2008, bạn bè trong giới tài chính của Eimer đều khuyên anh hãy bán hết các cổ phiếu đi và đầu tư vào kim loại vì họ sợ chỉ số Dow sớm giảm mạnh từ mức 8000 xuống 1000.. Danh mục đầu tư của Eimer bắt đầu sụt giảm 40% giá trị.
Bất chấp những thách thức khó khăn và trở ngại, Eimer tiếp tục đầu tư thêm tiền vào thị trường chứng khoán trong giai đoạn giảm sâu nhất của khủng hoảng và quyết định này đã đưa vợ chồng anh trên đường trở thành triệu phú.
“Tôi không từ bỏ mà tiếp tục mua thêm vào thời điểm đó”. Eimer nói. “Tôi tin rằng nếu chỉ số Dow xuống mức 1000 thì chúng ta đối mặt với nguy cơ lớn hơn nhiều chứ không phải chỉ là thua lỗ từ cổ phiếu. Mà đó là sự sụp đổ của nền kinh tế”.
Mua vào ở thời điểm đáy: Đi ngược với các lời cảnh báo, Eimer mua các cổ phiếu và trái phiếu đang xuống giá, và mức giá này đã trở thành mức giá thấp kỷ lục. Eimer tự tin để đầu tư bởi anh không có nợ nần ai cả. Eimer tiếp tục chiến thuật mà anh đã áp dụng từ những năm 1990: Mua đa dạng và đầu tư vào các quỹ tương hỗ. Một trong các quỹ tương hỗ mà Eimer mua vào là Vanguard PRIMECAP Fund (VPMAX), quỹ này đã đầu tư vào các cổ phiếu công nghệ như Google (Google, Tech30) và Amgen (AMGN). Quỹ đã tăng 133% kể từ khi thành lập năm 2009. “Hiện nay danh mục đầu tư của chúng tôi đã tăng 2 – 2,5 lần kể từ thời điểm suy thoái. Chúng tôi không nợ nần ai và trong ba năm tới chúng tôi sẽ trở thành tỷ phú. Tôi vẫn còn sống và cảm thấy gia đình mình thật may mắn vì tất cả những điều đó”. Eimer cho biết.