Tranh luận trái chiều về Uber, Grab gây tắc đường
Vài ngày qua, nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến việc Bộ GTVT xem xét dừng phát triển thêm số lượng xe tham gia dịch vụ Uber và Grab vì lo ngại ùn tắc giao thông.
Theo đó, tại hội nghị sơ kết thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, đại diện Sở GTVT Hà Nội, TP HCM và Khánh Hoà đề nghị tạm dừng, không để phát sinh thêm số lượng xe Uber và Grab vì khó khăn trong quản lý, gây sức ép lên hạ tầng giao thông.
Cụ thể, tại TP HCM hiện có trên 11.000 xe taxi, trong khi chỉ một năm qua, xe hợp đồng dưới 9 chỗ (loại xe thường được sử dụng để chạy Uber và Grab) đã tăng 22.000 xe, gây áp lực lên hạ tầng, tăng ùn tắc giao thông. “Chúng tôi xin dừng cung cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và phù hiệu đối với xe ô tô dưới 9 chỗ tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng” - ông Nguyễn Ngọc Giao, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT TP HCM) nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, các xe Uber và Grab không tem, mào đang góp phần vào dòng phương tiện đông đúc tại các thành phố lớn
Ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, dù Uber và Grab không chịu công bố số xe tham gia dịch vụ nhưng có thể đánh giá số xe “tăng chóng mặt” và đề nghị cần dừng việc tăng thêm xe.
Ông Đỗ Quốc Bình Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng phản ánh, hiện taxi truyền thống bị cấm trên nhiều tuyến đường, trong giờ cao điểm để trành ùn tắc. Tuy nhiên, Uber và Grab không có tèm, mào nên không bị cấm. Điều này tạo nên ùn tắc, bất bình đẳng trong kinh doanh. Ông Bình đề nghị gắn lô gô cho Uber và Grab và cấm các xe này di chuyển vào các cung đường đông đúc như taxi.
Đề cập các nhận định này, đại diện của Grab cho rằng, 80% thời gian di chuyển trên đường của xe Grab có khách nên không để gây ách tắc giao thông. Ngoài ra, Grab đang cung cấp ứng dụng đi chung một chuyến xe để giúp hành khách giảm tiền và giảm lượng xe lưu hành trên đường phố.
Ở một khía cạnh khác, Uber và Grab cho rằng dịch vụ của hai hãng này phát triển dựa trên việc tận dụng xe cá nhân nhàn rỗi sẵn có vào dịch vụ vận tải. Điều này có nghĩa dịch vụ này không làm tăng lên số lượng xe đang lưu hành.
Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy, nhiều xe cá nhân bỏ tiền mua xe mới để chạy Uber và Grab, không ít lái xe taxi bỏ nghề mua xe gia nhập đội ngũ “taxi công nghệ” này. Thậm chí, nhiều cá nhân lập doanh nghiệp để đầu tư cả dàn xe, thuê người hoạt động dịch vụ Uber và Grab.
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường vừa đề nghị các tỉnh phải có đánh giá tổng thể, thống kê hoạt động của Uber, Grab để Bộ GTVT có cơ sở để xem xét tạm dừng. |