Tranh cãi đề xuất huy động vàng, USD trong dân

Giá vàng trong nước ổn định, nền kinh tế “khát” ngoại tệ. Vậy, lúc này có nên huy động vàng và USD trong dân?

Huy động nhưng tránh tình trạng “vàng hóa, đô la hóa”

Mới đây, bất chấp nhiều quan điểm phản đối, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia vẫn nêu kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu cơ chế huy động vàng và USD trong dân vào sản xuất, kinh doanh.

Tranh cãi đề xuất huy động vàng, USD trong dân - 1

Đề xuất huy động vàng, USD tới nay vẫn gặp nhiều quan điểm trái chiều Ảnh: Tạ Tôn

Thực chất kiến nghị tái huy động vàng được Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đưa ra từ giữa năm 2016. Tới nay, đơn vị này vẫn giữ quan điểm cần phải huy động vàng trong dân nhằm tránh lãng phí nguồn vốn lớn đang nằm bất động. “Huy động vàng để phục vụ nền kinh tế, tất nhiên phải có giải pháp khả thi, sử dụng vốn một cách hiệu quả. Tránh lặp lại tình trạng như trước đây, các ngân hàng thương mại huy động vàng, sau đó cho vay lại, hoặc chuyển đổi sang tiền đồng. Khi giá vàng tăng cao dẫn tới ngân hàng mất thanh khoản”, đại diện Hiệp hội nói.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cho biết, giá vàng trong nước thời gian qua khá ổn định nhưng về lâu dài vẫn cần nghiên cứu cách thức huy động vàng. “Vàng trong dân chính xác còn bao nhiêu chưa ai biết nhưng chắc chắn vẫn còn rất nhiều. Vì vậy, Nhà nước nên nghiên cứu phát hành chứng chỉ vàng, tất nhiên sẽ không quy định lãi suất. Thay vì để vàng “chết” trong tủ, người dân có thể dùng chứng chỉ vàng để cầm cố, thế chấp vay vốn ngân hàng. Bằng cách này, chúng ta có thể “lôi”vàng từ trong dân trở lại hoạt động sản xuất được nhanh hơn mà nguồn lực này vẫn chỉ mang tính chất tài sản chứ không phải là phương tiện thanh toán”, ông Lực đề xuất.

Tranh cãi đề xuất huy động vàng, USD trong dân - 2

Giá vàng trong nước thời gian qua khá ổn định nhưng về lâu dài vẫn cần nghiên cứu cách thức huy động vàng

Về đồng USD, theo ông Lực, trong bối cảnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cũng nên xem xét huy động ngoại tệ này bằng cách nâng trần lãi suất huy động từ 0% lên khoảng 0,25%. “Hiện nay, nền kinh tế của chúng ta vẫn có nhu cầu cho vay ngoại tệ rất lớn. Chỉ tính riêng nửa đầu năm 2017, nhu cầu cho vay ngoại tệ đã tăng khoảng 5% trong khi cùng kỳ năm 2016 tỷ lệ này chỉ tăng từ 1,5-2%. Mặt khác, các ngân hàng Việt Nam đang phải đi vay USD tại nước ngoài với lãi suất 2,5%/năm. Vậy, tại sao chúng ta không huy động USD ngay từ trong dân cư chỉ với lãi suất 0,25%, rẻ hơn rất nhiều so với việc đi vay bên ngoài mà lại không phải chịu hàng loạt các điều kiện ràng buộc. Động thái này sẽ góp phần giảm lãi suất đầu vào lẫn đầu ra đối với đồng USD, mà vẫn tránh tình trạng đô la hóa”, ông Lực phân tích.

Chưa phải thời điểm thích hợp

Dưới góc nhìn thận trọng, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định: “Huy động ở đây cần được hiểu là có cơ chế chính sách làm sao để tạo được môi trường vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh cải thiện, giá trị và niềm tin vào đồng tiền Việt Nam được củng cố, qua đó sẽ kích thích nguồn lực vàng và ngoại tệ chuyển động, đi vào sản xuất kinh doanh”.

"Nếu môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi sẽ kích thích người dân đem vàng đổi thành tiền. Lúc này không cần Nhà nước hay ngân hàng huy động vàng thì người dân cũng sẵn sàng bỏ ra”.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, điều kiện hiện nay chưa phải là thời điểm thích hợp để Nhà nước huy động vàng cho đầu tư phát triển. “Khi môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi thì vàng vẫn được coi là hầm trú ẩn an toàn để người dân bảo toàn tài sản của họ. Vì vậy, tìm cách chuyển vàng trong dân thành tiền đầu tư sản xuất, là vấn đề không dễ và cũng chứa đựng không ít rủi ro”, ông Võ Trí Thành nói.

Bày tỏ quan điểm dứt khoát hơn, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết: Bản chất của việc huy động vàng là đi ngược lại với nguyên tắc kinh tế. Cụ thể, vàng hiện được cất giữ trong dân mang bản chất như mọi tài sản khác và chỉ ưu việt hơn về việc cất giữ, bảo quản. “Để đồng tiền Việt mạnh và ổn định, chúng tôi không tán thành việc huy động vàng hay USD dưới bất kỳ hình thức nào. Bởi lẽ nếu thực hiện huy động, thêm chức năng lãi suất, 2 nguồn lực này sẽ có thêm chức năng lưu thông trở thành phương tiện thanh toán, dễ gây hỗn loạn cho thị trường, khó khăn cho công tác điều hành tiền tệ...”, TS. Nguyễn Đức Thành nói.

Để tăng thêm phần thuyết phục, Viện trưởng VEPR dẫn lại thời điểm cuối năm 2012, khi các ngân hàng thương mại bắt đầu ngừng huy động vàng. Lúc này, vốn vàng từng bước được bóc khỏi hệ thống, cùng với chính sách chấm dứt cho vay vốn bằng vàng.Tương tự, với ngoại tệ, chủ trương và chính sách của Ngân hàng Nhà nước cũng có những bước đi hạn chế bớt sự hấp dẫn, cũng như tình trạng găm giữ trong dân cư. Theo đó, ngoài việc siết chặt cho vay, việc huy động ngoại tệ cũng bị hạn chế qua cơ chế áp trần lãi suất USD ở 0%/năm. Ứng với những chủ trương và chính sách trên, giá trị tiền đồng luôn được giữ ổn định với khoảng biến động chỉ từ 1-2% mỗi năm; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; chênh lệch lãi suất có lợi cho việc nắm giữ VND…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Ngân (Báo Giao thông)
Tiền tệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN