Trang trại triệu đô đẹp như công viên của người Việt
Nhiều người cho rằng đầu tư vào nông nghiệp sẽ gặp nhiều rủi ro, tuy nhiên, nếu đầu tư bài bản, công nghệ cao, sẽ thu hồi vốn còn nhanh hơn các ngành nghề khác
Đó là là doanh nhân Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Công ty Lộc Phát, đã bỏ ra trên 6 triệu USD để đầu tư trại heo giống Lộc Phát ở xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Đây là trại heo giống được xem là hiện đại và lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Quy mô trại chăn nuôi lên đến 54 ha, với 2.400 heo nái, 10.000 heo hậu bị. Chưa kể khu vực vùng “đệm” bao bọc xung quanh trang trại heo giống khoảng 45 ha làm vùng đệm để ngăn cách với bên ngoài được trồng bằng nhiều loại cây trồng tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể.
Trại heo giống được vận hành theo kiểu khép kín, với hệ thống chuồng kín có hệ thống làm mát, mọi thứ đều tự động. Hệ thống cung cấp thức ăn cho heo, vệ sinh chuồng trại đều tự động. Chuồng trại sạch sẽ, chất thải được đưa vào hệ thống xử lý, tạo môi trường thông thoáng, không có mùi hôi từ chất thải. Nếu không biết trước đây là trại heo giống thì những ai đến đây không thể nào hình dung ra đây là nơi nuôi heo vì nó quá sạch sẽ, quá hiện đại.
Ông Hiếu cho biết trại heo giống được xây dựng vào thời điểm năm 2009 với lãi suất cao, tuy nhiên, với lòng quyết tâm cũng như niềm say mê đầu tư vào nông nghiệp với mô hình hiện đại để thế giới thấy được người Việt vẫn làm được như họ thậm chí vượt hơn họ. Theo ông Hiếu, trại heo giống này được Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP thuê lại để sản xuất con giống cung cấp cho khách hàng của họ. Trại heo được bảo vệ nghiêm ngặt, trước khi vào bên trong trại phải được vệ sinh bằng hệ thống “tắm” ướt tự động để tiêu diệt các loại vi khuẩn.
Ông Nguyễn Trung Hiếu với trang trại trị giá gần 6 triệu USD
Công viên trong trang trại
Hệ thống nuôi heo tự động
Chất thải được đưa vào hệ thống biogas
Máy phát điện chạy bằng biogas tại trại heo
Trại heo giống của ông Hiếu được thiết kế xây dựng giống như resort, có công viên rộng lớn, cây xanh, thảm cỏ phủ khắp trại. Cây kiểng ở đây cũng được bố trí hài hòa, kết hợp với hệ thống ao hồ uốn lượn tạo nên cảnh đẹp yên bình và lãng mạn. Hệ thống đường trải nhựa, phân bố đều khắp trại. Tại trại còn có cả khu nhà ở cho cán bộ công nhân viên, với đầy đủ các thiết bị sinh hoạt không thua gì khách sạn. Bao quanh trang trại còn có hàng chục ha cao su, cây sưa, gió bầu, mít, bắp... tạo nên một trang trại toàn cây xanh rợp bóng mát.
Theo ông Hiếu, ở đây mọi thứ đều được vận hành tuần hoàn, không có khái niệm bỏ đi. Chất thải của heo được đưa vào hệ thống biogas để tạo ra gas cung cấp cho máy phát điện phục vụ lại cho trại (đáp ứng 30% nguồn điện của trại). Nước thải được đưa vào hệ thống tưới cho hàng chục ngàn ha cao su trong vùng để tạo nguồn thu và tăng năng suất cho vườn cao su hơn 30%. Nhau thai từ heo được làm thức ăn cho 3.600 con cá sấu nuôi tại trại. Tại đây còn có nhiều ao nuôi cá với sản lượng lớn.
Ông Hiếu tâm sự: “Để có được cơ ngơi như hiện nay, ông đã phải trải qua 19 năm làm nghề xây dựng chuồng heo khắp các tỉnh miền Đông, miền Tây kể cả miền Trung. Sau đó, ông tiếp tục xây trại heo cho mình tại Long Thành, Đồng Nai vào năm 2008, với vốn đầu tư 7 tỉ đồng. Hiện trại heo giống Lộc Phát là mô hình hiện đại giúp nông dân trong nước đến tham quan học tập mà không cần phải sang tận Thái Lan hoặc các nước khác để học hỏi. Được biết không chỉ có nông dân trong nước đến đây mà còn có nhiều đoàn doanh nghiệp, nông dân Thái Lan sang đây tham quan, học tập.
Theo ông Hiếu, với mô hình trại heo giống này chỉ sau 4,5-5 năm là thu hồi được vốn đầu tư (hiện đã hoạt động 4 năm). Doanh nghiệp của ông hiện là đơn vị đóng thuế cho nhà nước đứng thứ hai trong huyện Lộc Ninh. Cũng theo ông Hiếu, hiện tại trại heo giống là nguồn thu nhập chính của doanh nghiệp nhưng sau này nguồn thu nhập chính sẽ là cao su và các loại cây trồng khác, cá sấu, cá phi, hệ thống tưới tiêu cho vườn cao su trong vùng.
Đây là trại heo giống hiện đại, thế nhưng theo ông Hiếu sẽ còn tiếp tục đầu tư để hoàn thiện sao cho trại heo giống này tốt hơn, trại heo giống trở thành hiện đại nhất không chỉ trong khu vực mà trên cả thế giới. “Đây là khu vực của rừng, cần phải đầu tư phủ xanh trả lại đúng bản chất của nó là rừng” - ông Hiếu tâm huyết như vậy.