Tràn lan bẫy tiền ảo
Nhiều tổ chức trong nước huy động vốn thông qua tiền ảo, đưa ra mức sinh lời ngất ngưởng, gắn liền với các điểm chấp nhận thanh toán, cách thức giao dịch mập mờ... đã và đang hấp dẫn nhiều người.
Đa cấp máy đào tiền ảo (coin) Sky Minning vỡ trận, iFan coin vừa sụp đổ, Asama coin có dấu hiệu lung lay nhưng thị trường vẫn đầy rẫy các hoạt động liên quan đến coin.
Hùn vốn chơi cổ phiếu ở Mỹ
Dù dư luận đang nghi nghờ về Asama coin nhưng tại địa chỉ 33 Quách Văn Tuấn, phường 12, quận Tân Bình, TP HCM - trụ sở của Công ty TNHH Đầu tư phát triển công nghệ cao Asama (Công ty Asama), Hùng - người phát triển khách hàng của công ty này - vẫn tiếp thị chúng tôi cách thức đầu tư cổ phiếu của một công ty ở Mỹ đã liên kết với Công ty Asama.
Hình thức huy động vốn thông qua coin ngày càng nhiều trên mạng
Theo Hùng, để mua được cổ phiếu, trước hết bên mua phải mua các gói đầu tư của Công ty Asama. Theo đó, nhà đầu tư bỏ ra 1.000 USD sẽ nhận được 1.000 Asama coin và được chia lãi khoảng 1%/ngày. Với 1.000 Asama coin, nhà đầu tư sẽ mua được 10.000 cổ phiếu, tức là 1 Asama coin = 1 USD = 10 cổ phiếu, tính ra giá mỗi cổ phiếu chỉ là 0,1 USD. Ngoài ra, nhà đầu tư còn được Công ty Asama chia 0,5% lợi nhuận/ngày, trong đó 60% lợi nhuận là bitcoin và Etherium, 40% là Asama coin.
"Khoảng một năm tới, đối tác liên kết với Công ty Asama sẽ niêm yết cổ phiếu này trên thị trường chứng khoán Mỹ. Khi đó, giá mỗi cổ phiếu có thể lên tới 1-2 USD, nhà đầu tư sẽ thắng lớn" - Hùng cam kết chắc nịch.
Thế nhưng, khi chúng tôi đề nghị cung cấp các thông tin về đầu tư cổ phiếu thì Hùng từ chối và cho biết sau ngày 15-8, Công ty Asama mới triển khai hình thức góp vốn vào cổ phiếu liên quan đến Asama coin. Nhà đầu tư có thể đến trụ sở công ty để được tư vấn.
Nhiều nhà đầu tư đang nắm giữ Asama coin cho biết 3 tháng trước, Công ty Asama huy động vốn là để đầu tư máy đào, kinh doanh bitcoin và lấy lợi nhuận từ bitcoin chia cho nhà đầu tư. Theo đó, với vốn góp 500 USD (1 USD được quy đổi 22.000 đồng), nhà đầu tư nhận được 500 Asama coin và được chia lãi khoảng 1%/ngày. Tuy nhiên, trong tổng số lãi này, Công ty Asama chi trả 85% bằng bitcoin và 15% Asama coin. Sau đó, nhà đầu tư có thể bán bitcoin để thu hồi vốn, còn Asama coin thì dùng để mua hàng hóa tại các đơn vị liên kết với Công ty Asama.
Tuy nhiên, cách đây 2 tuần, Công ty Asama ngưng trả lãi bằng bitcoin, thành lập sàn asmaexchange.com, hướng dẫn nhà đầu tư mua bán Asama coin thông qua sàn này. "Có thể do giá bitcoin xuống còn 170 triệu đồng, giao dịch bitcoin trên toàn cầu ngày càng ít nên Công ty Asama mất khả năng trả lãi bằng bitcoin, buộc phải trả 100% lãi bằng Asama coin, thành lập sàn giao dịch để nhà đầu tư bán đồng coin này thu hồi vốn và lãi" - anh Vinh, người góp vốn vào Công ty Asama, phán đoán.
Chiêu "giăng bẫy" của TTC
Trong khi đó, Công ty Đầu tư và Xây dựng dự án bất động sản Smartland (Công ty Smartland) mời gọi nhà đầu tư góp 50 triệu đồng đến 30 tỉ đồng sẽ được chia lãi 150%/năm kéo dài trong 2 năm và được hoàn vốn gốc là căn hộ, biệt thự.
Nhiều người từng sập bẫy đa cấp tiền gửi và coin nhận định Công ty Smartland đang giăng bẫy người chơi. Bởi lẽ, công ty này với nhiều công ty đa cấp coin và tiền gửi lừa đảo khác đều cùng một chủ.
Thực tế cho thấy khi truy tìm thông tin về các công ty đa cấp tiền gửi, phát hành coin, chúng tôi phát hiện ông Vũ Đức Tĩnh cùng là Chủ tịch HĐQT Công ty Smartland, và Công ty CP Đầu tư phát triển doanh nghiệp điện tử Việt Nam (Công ty BNC). Ngoài ra, ông Vũ Đức Tĩnh còn là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Đầu tư Dịch vụ và Thương mại Thái Tuấn (Công ty TTC - đơn vị phát hành TTC coin). Ông Tĩnh còn kiêm luôn chức danh Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và phát triển doanh nghiệp quốc tế (BNI - Group) - đơn vị chủ quản Công ty BNC (phát hành BNC coin)…
Hiện có một nhóm nhà đầu tư từng chơi tiền ảo, tiền gửi đa cấp đã và đang chuẩn bị chứng cứ để tố cáo ông Tĩnh đến các cơ quan chức năng. "Tôi đã mang 48 trang tài liệu cung cấp cho Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an ở TP HCM (C44B), tố giác ông Vũ Đức Tĩnh, Giám đốc Công ty TTC lừa đảo" - ông N.P.Q (xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) cho biết.
Theo ông N.P.Q, cách đây 2 năm, ông góp 1,2 tỉ đồng vào Công ty TTC. Sau khi được chia lợi nhuận 144,69 triệu đồng thì đến tháng 1-2017, Công ty TTC không chi trả lợi nhuận và chi nhánh của công ty này tại tỉnh An Giang cũng biến mất. "Qua tìm hiểu, tôi biết được Công ty TTC không đầu tư các dự án như họ giới thiệu, các giấy chứng nhận số tiền hợp tác đầu tư tương đương với số cổ phiếu nội bộ mà Công ty TTC cung cấp không có giá trị pháp lý" - ông N.P.Q bức xúc.
Nhiều người khác ở khu vực Tây Nam Bộ cũng phản ánh với báo giới họ bị Công ty TTC lừa đảo ít nhất 5 triệu đồng/người. Thậm chí, một nhân viên phát triển khách hàng của Công ty TTC thừa nhận số tiền mà người chơi hợp tác đầu tư đã được công ty này chuyển sang TTC coin để họ bán, thu hồi vốn.
Nhiều người đang nắm giữ BNC coin, BEC coin cho rằng cách đây 1 tháng, khi họ tập hợp chứng cứ để tố cáo ông Tĩnh, ông này đã triệu tập nhà đầu tư, tuyên bố ai muốn rút vốn thì mời gọi người khác mua BNC coin, BEC coin… để lấy tiền của người chơi sau trả cho người trước; đồng thời răn đe người nào tiết lộ thông tin cho các cơ quan chức năng, báo chí… sẽ bị lãnh đạo Công ty BNC, Công ty BEC… đến tận nhà xử lý.
Có thể bị truy cứu hình sự Theo quy định của điều 206 Bộ Luật Hình sự 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017, từ ngày 1-1-2018, người nào có hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại coin tương tự) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mới đây, UBND TP HCM cũng yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, cảnh báo về những rủi ro liên quan đến coin, hạn chế tối đa những bất lợi ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp. |
Ông Vũ Đức Tĩnh từng bị công an truy tìm Dư luận đang xôn xao về công văn được cho là do ông Vũ Đức Tĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Smartland, ký có nội dung đe dọa truy sát cả gia đình giám đốc, nhân viên kênh truyền hình VTV9 (Đài Truyền hình Việt Nam) với lý do phát phóng sự sai sự thật về hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Thái Tuấn, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển Địa ốc Greenland và Công ty Smartland. "Trong trường hợp VTV9 còn cố tình đưa thêm thông tin và phóng sự đồng nghĩa với việc cướp đi miếng cơm manh áo, thu nhập, sự sống… của nhiều người thì công ty chúng tôi không thể kiểm soát được hành động của các cổ đông, người hợp tác, họ sẽ bị ức chế, hành động để bảo vệ quyền lợi của mình và có thể sẽ truy sát cả gia đình giám đốc, truy sát cán bộ - nhân viên VTV9…" - công văn nêu rõ. Ông Tĩnh từng bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP HCM phát thông tin truy tìm do bị tố cáo liên quan đến hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Chiều 15-8, phóng viên Báo Người Lao Động liên hệ với ông Vũ Đức Tĩnh để xác minh thông tin sự việc nhưng ông không bắt máy. S.HƯNG |