Trần lãi suất: hạ hay bỏ?
Dựa trên mối tương quan giữa lạm phát và lãi suất, với kịch bản lạm phát năm 2012 khoảng 8%, nhiều chuyên gia dự báo lãi suất huy động sẽ giảm về 8%/năm vào đầu quý IV. Bên cạnh đó, câu hỏi về việc có nên tiếp tục duy trì trần lãi suất huy động lại được nhiều chuyên gia đặt ra.
Đủ cơ sở để tiếp tục hạ lãi suất
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, dù trần lãi suất tiết kiệm thực âm (14%/năm so với lạm phát 18%) trong suốt cả năm 2011, nhưng huy động vốn của khu vực ngân hàng vẫn tăng trưởng mạnh. Sang 6 tháng đầu năm nay, trần lãi suất huy động đã được điều chỉnh 4 lần, xuống 9%/năm (11/6), tổng tiền gửi của các tổ chức kinh tế sụt giảm mạnh do những khó khăn về tài chính của khu vực này, song tổng vốn huy động vẫn tăng tới gần 8% so với cuối năm 2011.
“Rõ ràng, trong bối cảnh 6 tháng đầu năm nay, các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán, vàng, ngoại tệ hết sức bấp bênh thì gửi tiền tại các tổ chức tín dụng (TCTD), gần như là lựa chọn duy nhất của người dân”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nói.
Ngân hàng cần hỗ trợ nền kinh tế bằng cách giảm lãi suất với người đi vay.
Tốc độ tăng trưởng tiền gửi liên tục cao hơn tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán trong nửa đầu năm nay, được TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho biết tại Diễn đàn Đầu tư và tài chính ngân hàng do Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước phối hợp tổ chức ngày 28/8 tại Hà Nội, chứng tỏ tiền mặt (VND) lưu thông bị cạn kiệt. Điều này bất chấp động thái mua vào tới 9 - 10 tỷ USD, tương đương 200.000 tỷ đồng để tăng dự trữ ngoại hối lên khoảng 19 tỷ USD của NHNN.
“Với những diễn biến trên, tổng vốn huy động của các TCTD rất ít bị ảnh hưởng bởi việc hạ lãi suất tiền gửi. Theo đó, lộ trình điều chỉnh lãi suất tiền gửi đến cuối năm 2012 được hỗ trợ bởi mục tiêu tăng tiền gửi của cả năm”, TS. Ánh nói.
Theo TS. Ánh, diễn biến của CPI trong hai năm 2011 - 2012 đang có xu hướng lặp lại chu kỳ giảm của giai đoạn 2008 - 2009. Ông Ánh phân tích, giai đoạn 2008 - 2009, CPI đạt đỉnh 28,3% vào tháng 8/2008 và hạ nhiệt dần xuống mức đáy 2% vào tháng 8/2009, trước khi phục hồi lên mức 6,52% vào cuối năm. Tương tự, từ đỉnh cao 23% vào tháng 8/2011, CPI đã hạ xuống mức 6,9% vào tháng 6/2012 và đang tiếp tục đà rơi ít nhất đến cuối quý III/2012.
Với giả thiết CPI năm 2012 sẽ xuống đáy trong tháng 8 - 9 (khoảng 4% so với cùng kỳ năm trước), rồi phục hồi lên khoảng 7 - 8% vào cuối năm, thì lãi suất huy động có thể xuống khoảng 6%/năm vào cuối quý III, trước khi lên nhẹ khoảng 7 - 8%/năm vào quý IV. Lãi suất huy động hạ sẽ kéo theo lãi suất cho vay bình quân giảm về mức 10 - 11%/năm vào cuối quý III này, trước khi lên lại mức 12 - 13%/năm trong quý cuối của năm.
“Dựa trên mối tương quan giữa lạm phát và lãi suất, với kịch bản lạm phát năm 2012 khoảng 8%, thì vẫn còn cơ hội kéo lãi suất huy động về 8%/năm vào đầu quý IV và lãi suất cho vay vào khoảng 13%/năm”, TS. Ánh nhấn mạnh.
Ông Atul Malik, Tổng giám đốc Maritime Bank cho rằng, một trong những biện pháp kích cầu là giảm lãi suất. Việc giảm lãi suất trong nền kinh tế sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện dòng tiền và tăng nguồn tín dụng đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp. Do vậy, các ngân hàng cần phải hỗ trợ nền kinh tế bằng cách giảm lãi suất với người đi vay, đồng thời tăng nguồn tín dụng đối với những khách hàng đủ tiêu chuẩn.
“Trong ngắn hạn, lợi nhuận ngân hàng có thể bị ảnh hưởng từ rủi ro lãi suất và giảm biên lợi nhuận. Tuy nhiên, trong trung hạn, nếu kinh tế tăng trưởng bền vững thì các ngân hàng sẽ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng này”, ông Atul Malik nói.
Bỏ trần lãi suất, còn nhiều ý kiến
Trao đổi với PV, TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm, trong bối cảnh lạm phát được khống chế ở mức 8% trong năm 2012, nên thả nổi lãi suất huy động khoảng 10%/năm, tương ứng lãi suất cho vay 12 - 13%/năm để doanh nghiệp chịu được “nhiệt”. Trước quan ngại về việc nếu bỏ trần lãi suất, lãi suất sẽ “bung ra”. TS. Hiếu cho rằng, lãi suất huy động có thể tăng rồi của các ngân hàng buộc phải tự điều chỉnh xuống, bởi nếu lãi suất huy động tăng cao, lãi suất cho vay ra bị đẩy lên cao, doanh nghiệp không thể tiếp cận nguồn vốn.
“Ngay trong tình trạng bất ổn, cần thiết để cơ chế thị trường tự vận hành hơn là NHNN can thiệp. Điều quan trọng là để lãi suất ngân hàng hoạt động theo đúng quy luật cung - cầu, Nhà nước phải can thiệp để cơ chế lãi suất vận hành đúng, lành mạnh hơn”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Cùng quan điểm nên bỏ trần lãi suất, TS. Quách Mạnh Hào, Phó tổng giám đốc CTCK MB (MBS) cho rằng, thời điểm hiện nay, nếu ép lãi suất xuống nữa sẽ không tốt cho nền kinh tế, bởi sẽ tạo ra tiền rẻ, khiến lạm phát cao trở lại.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia kinh tế, trần lãi suất là căn cứ để NHNN điều chỉnh thị trường, do vậy, NHNN buộc phải duy trì trần lãi suất. Tuy nhiên, trần lãi suất hiện tại chỉ mang tính định hướng nhiều hơn, đó là chưa kể đến việc NHNN đã cho phép các NHTM được tự quyết về mức lãi suất huy động với các khoản vay có kỳ hạn trên 12 tháng. Như vậy, trần lãi suất nếu có tồn tại thì trên thực tế cũng không có tác động nhiều tới thị trường.
TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương phân tích, nhiều năm qua, việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt từ thời điểm bắt đầu giai đoạn suy thoái kinh tế (năm 2008), chúng ta đã áp dụng rất nhiều biện pháp hành chính. Từ năm 2011, cùng với nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu giảm dần các cách thức can thiệp hành chính, đặc biệt là trong chính sách tiền tệ, hệ thống ngân hàng, bởi việc sử dụng các công cụ hành chính, không tuân theo nguyên tắc của thị trường có thể tạo ra những méo mó trong phân bổ nguồn lực.
TS. Thành cho rằng, hiện chưa phải là thời điểm thích hợp để rút lui các biện pháp hành chính, thậm chí còn phải đưa thêm nhiều biện pháp hành chính vào điều hành nền kinh tế như: áp trần lãi suất huy động, áp trần lãi suất cho vay với một số lĩnh vực cụ thể, áp trần lãi suất với những khoản nợ cũ, đặt mức tín dụng cho từng ngân hàng, nhóm ngân hàng… Mặc dù một số chỉ số kinh tế vĩ mô (như lạm phát, cán cân thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ quốc gia, dự trữ ngoại hối…) đã tốt lên, nhưng rủi ro kinh tế vĩ mô vẫn lớn, như vấn đề nợ xấu của các ngân hàng, cân đối ngân sách…
“Hy vọng, năm 2013, cùng với việc tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kinh tế trong nước phục hồi với đà phục hồi của kinh tế thế giới, chúng ta sẽ dần rút khỏi được các biện pháp hành chính”, TS. Thành nói.