Một loạt những lãnh đạo từng gây dựng nên một giai đoạn phát triển rực rỡ cho các ngân hàng Việt Nam đã sa lầy vào vòng lao lý. Trong đó, nổi bật nhất là ông “trùm” tài chính Trần Bắc Hà, người đã bị khởi tố và bắt tạm giam vào cuối tháng 11 vừa qua vì một loạt những tội danh nghiêm trọng. Chỉ trong thời gian vài năm trở lại đây, danh sách những lãnh đạo ngân hàng phải "xộ khám" đã ngày một nối dài và quy mô ngân hàng liên quan tới các ông trùm này cũng tăng dần.
Trong suốt thời gian ông Trần Bắc Hà làm việc tại BIDV, ngân hàng này đã có bước thay đổi rõ rệt về quy mô và hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, cùng với đó là nợ xấu của nhà băng này cũng tăng vọt.
• Chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020.
• Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành
• Vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV
• Vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỉ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng
- Doanh nghiệp của vợ ông Trần Bắc Hà sở hữu: Khu nghỉ dưỡng 4 sao Hoàng Gia Quy Nhơn (Royal Hotel & Healthcare Resort Quy Nhon), nằm trên khu đất có diện tích hàng chục ngàn mét vuông, nằm sát và dọc theo khoảng 500m bờ biển trung tâm Thành phố Quy Nhơn.
- CTCP Tập đoàn An Phú của con trai là Trần Duy Tùng sở hữu: dự án Khu đô thị thương mại An Phú có diện tích hơn 3,6ha ở khu vực phía Nam thành phố Quy Nhơn.
- Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Hưng do con gái Trần Lan Phương đứng tên sở hữu: dự án Khu phức hợp Khách sạn, Thương mại và Căn hộ cao cấp Thiên Hưng tại khu đất vàng thuộc Khu đô thị, thương mại, dịch vụ phía Tây đường An Dương Vương, thành phố Quy Nhơn với diện tích đất khoảng 10.840m2, tổng vốn đầu tư hơn 2.900 tỷ đồng.
- Biệt thự rộng hơn 1.000 m2 tại bản Kè, huyện Pakse, tỉnh Champasak, Lào. Thành lập Công ty Sy Bun Huong để triển khai hàng loạt dự án trồng cây nông nghiệp rộng hàng chục ngàn hecta.
Công an TP Bình Định đã có quyết định phong tỏa nhiều tài sản liên quan đến Trần Bắc Hà tại quê nhà, tài khoản ngân hàng của con gái ông Trần Bắc Hà mới đây cũng đã bị phong tỏa.
Việc khởi tố và bắt giam ông Trần Bắc Hà đã nối thêm danh sách các lãnh đạo nhà băng quyền lực và một thời lừng lẫy, đang phải vướng vòng lao lý, tù tội.
Việc những lãnh đạo ngân hàng quyền lực bị khởi tố và bắt giam khiến nhiều giới đầu tư tin chất lượng của ngành kinh tế huyết mạch của quốc gia sẽ được cải thiện và an toàn hơn. Trên thực tế, 2018 là một năm khá rực rỡ về hiệu quả kinh doanh của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, đi kèm với đó là nợ xấu cũng tăng mạnh.
Tính hết 9 tháng đầu năm 2018, có 26 ngân hàng hoàn thành được 77% kế hoạch cả năm 2018. Một số ngân hàng lớn đã hoàn thành gần 90% kế hoạch năm nay chỉ trong 9 tháng, nổi bật như VIB (175%), ACB (147%), EIB (142%), TPB (109%).
Ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC cho rằng có thể đỉnh lợi nhuận của ngành sẽ là năm 2018, sau đó giảm dần. Vì thời điểm này, hầu hết ngân hàng đã trích lập xong dự phòng tín dụng của giai đoạn 2011 - 2014. Hơn nữa, sắp tới Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ không muốn duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao như hiện nay mà sẽ đưa xuống thấp hơn.
Chứng khoán VCBS cũng nhận định: kết quả kinh doanh của các ngân hàng niêm yết năm 2019 tiếp tục chứng kiến sự phân hoá, tuy nhiên lợi nhuận trước thuế khó duy trì tốc độ tăng trưởng cao như năm 2018.
Theo nhận định của CTCK VCBS, trong 10 tháng đầu năm 2018, tốc độ tăng trưởng tín dụng và huy động đều giảm tốc so với năm 2017. Mặt bằng lãi suất huy động có dấu hiệu nhích tăng từ tháng 9T.2018 trong khi lãi suất cho vay vẫn duy trì ổn định, tình trạng thiếu hụt thanh khoản không xảy ra trên thị trường liên ngân hàng.
Bên cạnh những điểm sáng, bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng 9 tháng 2018 nổi lên một “điểm tối” là nợ xấu có xu hướng tăng lên, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng nhanh.
Trong số 17 ngân hàng niêm yết, có 13 nhà băng tăng tỷ lệ nợ xấu. Trong đó nổi bật là VPB tăng từ 4,07% quý 2 lên 4,7% quý 3, VIB tăng từ 2,33% lên 2,5%, BID tăng từ 1,49% lên 1,76%, CTG tăng từ 1,29% lên 1,36%.
Theo lý giải của nhiều nhà băng, nguyên nhân nợ xấu tăng là do mua lại số nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam trước đó. Đây là điều bình thường trong hoạt động của ngành ngân hàng, chưa phải là vấn đề đáng lo ngại, dù nợ nhóm 5 có khả năng mất vốn tăng mạnh nhưng theo quy định các ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro 100%.
Tính đến thời điểm gần cuối tháng 12 năm 2018, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng đã điều chỉnh về mức giá thấp nhất trong năm. Trong đó, CTG của Vietinbank là một trong những cổ phiếu có diễn biến tiêu cực nhất.
Đáng chú ý, đến tận đầu tháng 12, Vietinbank lại bất ngờ điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận của năm 2018 với chiều hướng giảm sốc và “mở đường” cho kết quả có thể lỗ hàng trăm tỷ đồng trong quý IV. Bên cạnh đó, CTCP Chứng khoán HSC cũng đã đưa ra dự báo Vietinbank sẽ lỗ khoảng 765 tỷ đồng trong quý cuối cùng của năm 2018.
Trường hợp của Vietinbank và diễn biến không mấy sáng sủa của cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán có thể báo hiệu một quý IV nhiều bất ngờ của nhóm ngành này.