Trả phí thẻ: “Tùy tâm” mỗi ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành thông tư quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa. Quyền thu phí giao dịch của các ngân hàng chính thức xác lập cụ thể. “Cửa” hỗ trợ khách hàng còn lại là tùy tâm của họ.
Chính sách cho thu phí bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/3/2013. Một loạt phí giao dịch liên quan chính thức bắt đầu…
2 triệu và 5 triệu đồng
Không phải lúc này mà những năm qua nhiều ngân hàng thương mại đã rục rịch tính chuyện và tìm cách thu phí giao dịch thẻ. Ngay từ thực tế cố chia nhỏ món tiền chi trả cũng đã thể hiện “ý đồ”.
Hiện phần lớn các nhà băng đang áp mức phí rút tiền mặt ngoại mạng là 3.300 đồng/giao dịch (bao gồm VAT). Càng chia nhỏ món tiền để ép thêm giao dịch đồng nghĩa với việc tăng thêm nguồn thu phí.
Cùng một mức 5 triệu đồng, rút tiền mặt tại ATM một vài ngân hàng chỉ mất 1 lần giao dịch, nhưng tại nhiều thành viên có khi phải thực hiện tới 3 giao dịch, theo mức giới hạn 2 triệu đồng/lần. Theo đó, mức phí để rút 5 triệu đồng đó là 3.300 đồng, nhưng cũng có thể lên tới 9.900 đồng.
Theo dữ liệu của Công ty Cổ phần Dịch vụ thẻ Smartlink, hiện nay bình quân mỗi tháng có gần 5 triệu giao dịch ATM và POS được xử lý giữa 39 ngân hàng thành viên. Tổng số phí theo đó có thể rất lớn. Nhưng, như ví dụ trên, giả sử các nhà băng đều “chơi đẹp”, cùng cho giới hạn 5 triệu đồng/lần giao dịch cũng đã là sự hỗ trợ đáng kể cho khách hàng, đó là chưa nói về việc giảm thiểu thời gian giao dịch.
Với cơ chế Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành và lộ trình thực hiện, hàng chục triệu giao dịch ATM nội mạng mỗi tháng cũng có thể bị thu phí, thậm chí tăng gấp đôi tới gấp ba chỉ trong vài năm tới.
Cụ thể, theo phụ lục thông tư, từ 1/3/2013 các ngân hàng được thu phí rút tiền mặt tại ATM là 1.000 đồng/giao dịch; đến 2014 lên 2.000 đồng; và đến năm 2015 được áp tới 3.000 đồng.
Hiện trên thị trường có khoảng hơn 50 triệu thẻ ngân hàng. Chỉ riêng việc thu phí rút tiền mặt nội mạng chắc chắn cũng sẽ tạo ra một nguồn phí lớn trong xã hội, và càng rất lớn vào các năm 2014, 2015 và sau đó.
Với các chủ thẻ cũ, phải trả phí hay không thì chỉ biết chờ vào… may mắn. Nhưng các khách hàng mới chắc chắn sẽ để tâm đến điều này khi chọn nơi mở thẻ
Tùy tâm…
Tuy nhiên, quy định trong cơ chế vừa ban hành không phải là ép hết mức. Các loại phí phát hành, thường niên, vấn tin tài khoản, rút tiền mặt nội và ngoại mạng, chuyển khoản tại ATM có khởi điểm là từ 0 đồng, hay các mức phí quy định được hiểu là tối đa.
Theo đó, cửa hỗ trợ khách hàng là vẫn còn, nhưng tùy vào thành ý của mỗi ngân hàng. Thời gian qua và hiện nay cũng đã có một số ít ngân hàng thương mại áp chính sách không thu phí giao dịch thẻ, không chỉ nội mạng mà cả ngoại mạng.
Như tại Ngân hàng Quốc tế (VIB), ngay khi mở thẻ, chủ tài khoản được miễn phí rút tiền nội và ngoại mạng trong 6 tháng; từ tháng thứ 7 tiếp tục được miễn phí nếu có số dư tối thiểu là 500 nghìn đồng.
Dĩ nhiên ngân hàng sẽ không thiệt khi miễn phí. Bởi nó tạo thêm giá trị và sức hút dịch vụ, mà dịch vụ đó không đơn lẻ. Tại VIB, lượng khách hàng đăng ký mở tài khoản thanh toán đã tăng 250% so với bình quân của 6 tháng trước khi công bố chính sách miễn phí nói trên.
Hay tại Ngân hàng Tiên Phong (TienPhong Bank), mọi giao dịch ATM nội mạng và ngoại mạng hiện đều được miễn phí; giới hạn một lần rút tiền mặt được áp tới 5 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Lâm Hoàng, Giám đốc khối Ngân hàng cá nhân, quan điểm của TienPhong Bank giai đoạn này quan trọng nhất cần làm là nâng cao chất lượng dịch vụ. Nếu dịch vụ tốt (ATM ít bị giao dịch lỗi, xử lý giao dịch, trợ giúp khách hàng nhanh chóng ổn định...), khách hàng được chăm sóc tốt thì việc thu phí sẽ dễ dàng được khách hàng đón nhận hơn.
Sắp tới, cơ chế cho thu phí bắt đầu có hiệu lực. Với các chủ thẻ cũ, phải trả phí hay không thì chỉ biết chờ vào… may mắn. Nhưng các khách hàng mới chắc chắn sẽ để tâm đến điều này khi chọn nơi mở thẻ. Theo đó, dù ít hay nhiều thì giữa các nhà băng sẽ có thêm sự cạnh tranh.