Trả lãi 38 tỉ đồng/ngày, ngành điện báo lỗ hơn 700 tỉ đồng

Sự kiện: Kinh Doanh

Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN, ngày 5-11 giải thích nguyên nhân ngành điện lỗ đến gần ngàn tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm là do chênh lệch tỉ giá, cụ thể là tỉ giá đồng yên Nhật tăng mạnh.

Báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm 2016 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy lợi nhuận sau thuế của tập đoàn âm xấp xỉ 717 tỉ đồng, công ty mẹ lỗ gần 930 tỉ đồng. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái, tập đoàn lãi 888 tỉ đồng, riêng công ty mẹ lãi 450 tỉ đồng.

Đáng lưu ý, mặc dù báo lỗ nhưng doanh thu của tập đoàn lại tăng đáng kể. Cụ thể, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ 6 tháng đầu năm của EVN đạt 130.686 tỉ đồng, tăng 19.230 tỉ đồng, tương ứng tăng 17,25% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tài chính của EVN tăng tới 126% lên 3.352 tỉ đồng.

Nguyên nhân dẫn đến việc các chỉ tiêu doanh thu đều tăng nhưng lại thua lỗ đến hơn 700 tỉ đồng được cho là do chi phí tài chính trong kỳ tăng quá mạnh. Theo đó, chi phí tài chính trong 6 tháng đầu năm của EVN lên tới 15.460 tỉ đồng, tăng 7.779 tỉ đồng, tương ứng 101% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong chi phí tài chính nêu trên, chi phí lãi vay có thể nói là “gánh nặng” lớn nhất với ông lớn ngành điện khi nó chiếm tới tỉ trọng 44,6% với tổng số tiền 6.896 tỉ đồng trong 6 tháng. Như vậy, trong nửa đầu năm, bình quân mỗi ngày, EVN phải trả 38,3 tỉ đồng tiền lãi vay.

Với khoản trả lãi vay này, EVN đã đứng “đầu bảng” trong danh sách “ông lớn” trả lãi tiền tỉ mỗi ngày, vượt qua Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ở mức khá xa khi số tiền lãi PVN phải trả là 23 tỉ đồng/ngày.

Giải thích về kết quả kinh doanh khá “đáng ngại” nêu trên, ngày 5-11, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN, cho biết trong 6 tháng đầu năm, tổng lãi hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN (chưa tính đến lỗ chênh lệch tỉ giá) là 5.814 tỉ đồng. Trong khi đó, lỗ chênh lệch tỉ giá lên đến 6.371 tỉ đồng. Hai số liệu này dẫn đến kết quả lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh sau thuế là hơn 700 tỉ đồng.

“Nguyên nhân lỗ sau thuế của báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm của tập đoàn là do lỗ chênh lệch tỉ giá. Cụ thể là tỉ giá đồng yên Nhật tăng mạnh)” - Phó Tổng Giám đốc EVN giải thích.

Lãnh đạo doanh nghiệp ngành điện cũng giải thích thêm các số liệu tính toán trên thực hiện trên nền quy định theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22-12-2014 của Bộ tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp thực hiện đánh giá chênh lệch tỉ giá của các khoản mục công nợ có gốc ngoại tệ tại thời điểm lập báo cáo tài chính.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ph.Nhung (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN