TP.HCM ra quy định phân loại, gỡ vướng cho người sở hữu biệt thự cũ
Hiện có khoảng 500 trường hợp dù trên giấy chứng nhận chủ quyền là biệt thự nhưng thực tế là đất trống hoặc đã xây các công trình khác. Việc phân loại các biệt thự sẽ xác định các công trình không thuộc diện bảo tồn.
Nhiều biệt thự cũ tại TP.HCM đang được sử dụng làm trụ sở các cơ quan công quyền. Hình minh họa.
Ngày 10/9, UBND TP.HCM cho biết, đã ban hành Quy định về tiêu chí đánh giá và phân loại biệt thự cũ trên địa bàn thành phố.
Theo đó, các biệt thự cũ tại TP.HCM được phân làm 3 nhóm. Nhóm 1 có giá trị điển hình về kiến trúc, nhà cổ do Hội đồng phân loại biệt thự xác định, lập danh sách trình UBND TP phê duyệt.
Nhóm 2 là các biệt thự không thuộc nhóm 1 nhưng có giá trị về nghệ thuật kiến trúc, lịch sử, văn hóa do Hội đồng phân loại biệt thự xác định, lập danh sách trình UBND TP phê duyệt. Nhóm 3 là các biệt thự cũ không thuộc nhóm 1 và 3.
Để xếp loại, các biệt thự được đánh giá dựa trên 2 nhóm tiêu chí chính và phụ (mỗi nhóm 3 tiêu chí), như: Tiêu chí về kiến trúc nghệ thuật; cảnh quan đô thị; lịch sử văn hóa; tính nguyên gốc; tính toàn vẹn; chất lượng công trình…
Sau khi đánh giá biệt thự cũ theo các tiêu chí đặt ra, việc phân loại biệt thự được tiến hành theo nguyên tắc, các biệt thự thuộc nhóm 1 phải đạt ít nhất 1 trong 3 tiêu chí chính và cả 3 tiêu chí phụ. Trong khi biệt thự thuộc nhóm 2 và 3 có các yêu cầu thấp hơn.
Theo số liệu thống kê hiện nay thành phố có khoảng 1.200 biệt thự cũ (xây dựng trước năm 1975), trong đó tập trung chủ yếu tại các quận như: quận 3 có 808 căn, Thủ Đức có 140 căn, quận 5 có 98 căn….
Tuy nhiên có khoảng 500 trường hợp dù trên giấy chứng nhận chủ quyền là biệt thự nhưng thực tế là đất trống hoặc đã xây các công trình khác. Việc phân loại các biệt thự sẽ xác định các công trình không thuộc diện bảo tồn để sớm tháo gỡ các vướng mắc khi cấp phép xây dựng cho người dân.