TP.HCM: Hộ cá thể dọa “nghỉ làm” nếu ép chuyển thành doanh nghiệp
Nhiều vướng mắc đang đặt ra những thách thức lớn cho TP.HCM trong quá trình thực hiện mục tiêu có 500.000 doanh nghiệp vào năm 2020.
Chủ tịch TP lo lắng vì nhiều doanh nghiệp BĐS
Thời gian qua TP.HCM đã triển khai nhiều biện pháp nhằm từng bước hoàn thành con số trên, tuy nhiên những thống kê trong 6 tháng đầu năm 2017 cho thấy để đạt được con số này thì TP phải vượt qua rất nhiều trở ngại.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại cuộc họp về KTXH ngày 15/6, tính đến ngày 10/6 TP có 18.030 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 227.514 tỷ đồng (so cùng kỳ tăng 10,5% về số lượng doanh nghiệp và tăng 57,5% về vốn đăng ký).
Nhận định về con số này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong tiếp tục tỏ ra lo lắng khi trong cơ cấu các doanh nghiệp mới có tới 40% là bất động sản, thương mại dịch vụ chỉ có 19%, còn xây dựng là 15%.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong lo sẽ không đạt mục tiêu thành lập được 50.000 doanh nghiệp vào cuối năm.
Ông Phong cho rằng mình quan tâm nhất đến những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, bởi đây mới là ngành tạo ra giá trị để nâng quy mô của nền kinh tế.
“Điều này đặt ra vấn đề là chúng ta đã thực sự tạo ra môi trường thuận lợi để các nguồn lực trong dân tập trung vào lĩnh vực sản xuất, vào những ngành công nghệ, công nghiệp chủ yếu mà chúng ta đã xác định hay chưa? Hay là những chính sách, giải pháp của chúng ta lại tạo ra những doanh nghiệp không đúng với mục tiêu” – ông Phong nói.
Ngoài ra ông cũng tỏ ra băn khoăn rằng liệu trong 6 tháng cuối năm TP có thể thành lập thêm được 32.000 doanh nghiệp để hoàn thành mục tiêu 50.000 doanh nghiệp trong năm 2017 hay không.
Khi được mời phát biểu về vấn đề này, Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận thừa nhận đơn vị này đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi các hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp.
Theo ông, trong 6 tháng đầu năm quận mới thành lập được hơn 1.000 doanh nghiệp so với mục tiêu khoảng 2.300 của cả năm. Dù quận đã thành lập 2 đoàn đi vận động nhưng có tới 40% số hộ kinh doanh tỏ ra băn khoăn, trong khi số còn lại không mặn mà đến việc chuyển đổi.
“Thậm chí có một gia đình kinh doanh bánh ngọt nổi tiếng của TP, nhưng khi nói chuyển sang doanh nghiệp thì họ từ chối. Họ nói nếu cho làm thì làm mà không cho làm thì thôi, không làm nữa, vì họ làm theo góc độ gia đình từ hệ thống sổ sách, rồi theo dõi, cập nhật…” – ông Thuận nói.
Một hộ kinh doanh cá thể tại quận 1
TP không đứng chờ để đạt con số
Trong buổi hợp báo ngay sau đó, các phóng viên tiếp tục đặt ra câu hỏi về vấn đề này với bà Trần Thị Bình Minh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư.
Trả lời câu hỏi, bà Minh giải thích rằng trong 6 tháng đầu năm đã có tới 2 tháng sát dịp Tết, và đó là thời gian người dân gần như không thành lập doanh nghiệp.
Bà cũng nhận định con số này sẽ tăng vào những tháng cuối năm nên mục tiêu 50.000 doanh nghiệp vào năm 2017 là khả thi.
“TP không đứng chờ để đạt được con số, mà đã có ban hành nhiều kế hoạch trong đó có nội dung đề nghị các sở ngành tiếp tục rà soát các chính sách để kiến nghị UBND bổ sung các điểm hỗ trợ, đồng thời cũng giao chỉ tiêu cho từng quận huyện để những nơi này có kế hoạch cụ thể” – bà Minh cho hay.
Trong khi đó Chánh văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan thì đánh giá rằng những giải pháp hiện nay là không đủ. Theo ông TP cần phải đưa ra những hỗ trợ cụ thể hơn để người dân thay đổi nhận thức, thấy được thành lập doanh nghiệp sẽ có lợi hơn so với đang làm hiện nay.
Theo thống kê, hoạt động doanh nghiệp thành lập mới phân theo ngành nghề kinh doanh chính như sau: Trong số 18.030 doanh nghiệp thì Kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 40%, với vốn đăng ký 90.971,1 tỷ đồng. Tiếp theo là Buôn bán, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy là chiếm 19,7% với vốn đăng ký 44.761,5 tỷ đồng. Xây dựng với vốn đăng ký 35.386,1 tỷ đồng chiếm 15,5%.
Tuy nhiên trong 5 tháng đầu năm cũng có 8.992 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, khóa mã số thuế tại Cục Thuế thành phố.