TP.HCM: Đầu cơ đẩy giá đất nền tăng bất thường

Thị trường giá đất nền TP.HCM đang diễn biến không bình thường. Số lượng tăng vì hạ tầng không nhiều mà chủ yếu tăng ảo do đầu cơ.

Giá đất nền tăng chóng mặt

Kết quả nghiên cứu thị trường do Tập đoàn CBRE Việt Nam công bố mới đây cho thấy, phân khúc đất nền ở một số khu vực đang tạo “sóng”, đặc biệt một số quận vùng ven TP.HCM giá đất nền tăng trung bình khoảng 20 - 40%. Ông Ngô Quang Phúc, Phó tổng giám đốc Công ty Địa ốc Him Lam khẳng định, đất nền đạt lợi nhuận 20-30%/năm là điều hoàn toàn bình thường, vì nó phụ thuộc nhiều yếu tố như nguồn cung ít, thị hiếu, đặc biệt cũng có những trường hợp tăng đến 100% do giá đất trước đó được định giá thấp và hạ tầng phát triển nhanh.

TP.HCM: Đầu cơ đẩy giá đất nền tăng bất thường - 1

Đất nền ven đô tại TP.HCM đang lên cơn sốt ảo

Tuy nhiên, theo khảo sát của PV Báo Giao thông tại nhiều khu vực giá đất đã tăng không chỉ vài chục % mà vài trăm % như ở Bình Chánh, Q.12... Chị Nghiêm Lan nhà ở An Phú Đông, Q.12 cho biết, phường An Phú Đông giáp với Gò Vấp, thuộc Q.12 dân muốn đi cho gần qua Gò Vấp thường đi qua bến phà. Vì thế, giá đất nền hai năm trước chỉ 5-7 triệu đồng/m2 là cùng. Tuy nhiên, giá đất vài tháng nay được rao bán từ 20 - 25, thậm chí có nơi gần 30 triệu đồng/m2. Mức tăng chóng mặt, không thể ngờ tới. Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn đất ở khu vực này đã tăng 200-300%.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM ông Lê Hoàng Châu cũng thừa nhận, thời gian qua tại nhiều quận, huyện vùng ven giá đất nền đang tăng chóng mặt. Nguyên nhân giá đất nền “dậy sóng” là do cơ sở hạ tầng vùng ven TP.HCM đang được phát triển mạnh. Nhiều tuyến đường lớn hoàn thành đã tạo sự kết nối liên vùng rất thuận tiện với khu trung tâm. Chẳng hạn, khu vực phường An Phú Đông, Q.12 giá đất nền đột ngột tăng vọt vì dự kiến bến phà bắc từ Q.12 sang Q. Gò Vấp sẽ được thay bằng cầu. Đó là lý do khiến thị trường đất nền khu vực này “dậy sóng”.

Người mua nên cảnh giác

Theo ông Lê Hoàng Châu, cơn sốt giá đất chỉ xảy ra ở một vài điểm, chứ không phải toàn bộ thị trường. Tuy nhiên, nguy cơ bong bóng đối với đất nền ở các quận vùng ven như: Thủ Đức, Bình Tân, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn… là hoàn toàn có thật.

Tín dụng bất động sản tăng mạnh

Theo báo cáo của CBRE, số lượng căn hộ được giao dịch thành công năm 2015, 2016 lần lượt đạt khoảng 36.000 và 37.400 căn, gấp 3-3,5 lần so với số sản phẩm hấp thụ trong giai đoạn 2007-2008. Trong khi đó, mỗi ngân hàng đều cho vay tối thiểu 70% giá trị căn hộ/đất nền. Điều tra ngẫu nhiên 5 khách hàng, thì 99% là vay ngân hàng, với mức độ vay khác nhau. Rõ ràng, từ nhiều thông tin thu thập được cho thấy, tín dụng BĐS hai năm trở lại đây chắc chắn cao hơn nhiều so với năm 2007-2008.

Chung quan điểm, ông Ngô Quang Phúc, Phó tổng giám đốc Công ty Địa ốc Him Lam cho hay, thị trường giá đất nền hiện đang diễn biến không bình thường. Số lượng tăng vì hạ tầng không nhiều mà chủ yếu tăng ảo do yếu tố đầu cơ, đầu tư quá nhiều. Thậm chí, có những khu còn là đất nông nghiệp, hoang hóa, chưa có bất cứ hạ tầng kết nối nào nhưng giá vẫn tăng vù vù. Nguyên nhân do yếu tố đầu cơ, đầu tư, “cò đất” thổi giá để đẩy hàng tồn. “Cò đất” thổi giá chứ không phải người dân mua”, ông Phúc nhấn mạnh.

Theo ông Phúc, để tránh mua phải giá cao, khách hàng cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định, chẳng hạn như tính pháp lý có rõ ràng không, tiềm năng của BĐS có thể tiếp tục tăng giá nữa không, kết nối giao thông có thuận lợi, mua có ở được ngay không...

Nếu cơn sốt giá xảy ra trên diện rộng và bong bóng xảy ra, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng hậu quả của nó sẽ khủng khiếp hơn nhiều lần so với 5 năm về trước. “Hậu quả của việc tăng trưởng nóng lĩnh vực BĐS những năm 2008 - 2011 gây nợ xấu cho hệ thống ngân hàng đến nay chưa giải quyết được triệt để. Số lượng căn hộ và đất nền giai đoạn đó chỉ khoảng 10.000 căn. Trong khi dự báo 2017 - 2019 thị trường sẽ tung ra khoảng 50.000 sản phẩm. Cùng với đó, giá địa ốc được thổi lên 100% có thể chấp nhận được nhưng lên đến vài trăm % phải xem lại”, ông Hiển phân tích.

Trước diễn biến này, Hiệp hội BĐS TP.HCM đã đưa ra cảnh báo, người dân cần bình tĩnh, đừng thấy chỗ nào sốt là đổ xô vào mua. Thực chất, chạy đua đầu tư theo thông tin chỉ làm lợi cho đối tượng duy nhất là “cò đất”... “Cò đất“ sẽ lợi dụng các thông tin từ đề xuất xây dựng “siêu dự án” tạo nên cơn sốt ảo tăng gấp nhiều lần so với thực tế. Việc tăng giá này chủ yếu do đầu cơ, với mục đích để đẩy hàng tồn ra. Trong khi đối tượng cuối cùng gánh chịu hậu quả khi cơn sốt đi qua là người mua”, ông Lê Hoàng Châu nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yên Trang (Báo Giao thông)
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN