TP.HCM: Đất nền gây "sốt", liệu có xảy ra "bong bóng" bất động sản?
Trong 5 tháng đầu năm 2018, thị trường bất động sản trên địa bàn TP.HCM đã bất ngờ sụt giảm nhiều tiêu chí so với năm 2017. Bên cạnh đó, tình trạng “cò” đẩy giá khiến nhiều người lo ngại "bong bóng" bất động sản.
Theo báo cáo 5 tháng đầu năm 2018 của hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) gửi Chính phủ và bộ Xây dựng…, thị trường bất động sản TP.HCM trong hơn 5 tháng đầu năm 2018 đã có biểu hiện sụt giảm so với cùng kỳ năm 2017.
Cụ thể, tổng số dự án đủ điều kiện huy động vốn đưa ra thị trường là 29 dự án giảm 9,4% so với 32 dự án đã đưa ra thị trường cùng kỳ năm 2017; Tổng số căn nhà đưa ra thị trường là 9.174 căn (gồm có 8.690 căn hộ chung cư và 484 căn nhà thấp tầng), giảm 44,5% so với 16.506 căn cùng kỳ năm 2017.
Chiếm tỷ lệ lớn nhất là căn hộ cao cấp với 41,8%, tiếp đến là căn hộ trung cấp với 37,7% thị trường và chỉ có 20,5% là căn hộ bình dân - giảm một nửa so với năm 2017.
HoREA khẳng định khó xảy ra tình trạng vỡ "bong bóng" bất động sản.
Về vấn đề đất nền đang “sốt” đỉnh điểm, HoREA cho biết, cơn "sốt" ảo giá đất nền phân lô, tách thửa hợp pháp, kể cả phân lô đất nông nghiệp trái phép xảy ra tại một số quận ven và huyện ngoại thành từng quay trở lại từ cuối năm 2017 lên đến đỉnh điểm vào tháng 5-2018, tâm điểm tại quận 9, nhưng hiện đã được kiểm soát và hạ nhiệt.
Tuy nhiên, HoREA cũng cảnh báo rằng, cơ quan Nhà nước cần quan tâm kiểm soát hai nhân tố về tình trạng lệch pha cung - cầu trong phân khúc bất động sản cao cấp, phân khúc bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng (condotel). Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng "sốt giá ảo" đất nền, đất nông nghiệp tại một số khu vực.
Đồng thời, cũng đang xuất hiện nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, trong đó, có cả giới đầu cơ, đầu nậu, cò đất chuyên nghiệp làm giá, thổi giá, tạo sóng, lướt sóng, đẩy giá ảo đất nền, đất nông nghiệp rất cao so với giá trị thực để trục lợi.
Có ý kiến quan ngại về chu kỳ 10 năm lặp lại khủng hoảng của thị trường bất động sản, Hiệp hội nhận định, trong năm 2017 thị trường bất động sản tăng trưởng nhẹ trở lại, mức tăng khoảng 4,07% so với năm 2016, nhưng trong hơn 5 tháng đầu năm 2018, bất động sản đã có dấu hiệu sụt giảm rõ rệt so với cùng kỳ năm 2017, và không có khả năng xảy ra "bong bóng" bất động sản trong năm 2018.
HoREA cho biết, trong thời gian gần đây, Nhà nước đã có nhiều kinh nghiệm về việc sử dụng kịp thời, hiệu quả công cụ về thuế, công cụ về tín dụng, công cụ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chủ trương đầu tư dự án để điều tiết hiệu quả thị trường bất động sản ngay khi vừa xuất hiện dấu hiệu "bong bóng", chủ đầu tư, ngân hàng, nhà đầu tư thứ cấp và cả người tiêu dùng đều thông minh hơn nên tình trạng vỡ “bong bóng” khó xảy ra.