TPHCM: ATM vẫn còn nghẽn

Ngày 23/1, khảo sát trên địa bàn TP HCM, dù chưa có hiện tượng người dân phải xếp hàng rút tiền qua ATM nhưng một vài máy có hư hỏng, tình trạng nghẽn cục bộ đã xảy ra.

Nếu đường truyền của  ngân hàng phát hành thẻ trục trặc thì chủ thẻ không thể giao dịch ATM của nhiều ngân hàng khác.

Kẹt tiền, hư hỏng nhỏ

Lúc 9 giờ, trong 4 máy ATM của Ngân  hàng (NH) Ngoại thương (Vietcombank) đặt tại Nhà máy Ô tô ISUZU (đường Quang Trung, quận Gò Vấp), chỉ có 2 máy hoạt động. Trước thông tin này, ông Lê Huỳnh Hà, Giám đốc Trung tâm Vận hành ATM Vietcombank, cho biết một máy bị kẹt bởi tiền quá mới nên kết dính nhau. Máy còn lại thì bị hư và đến 11 giờ đã khắc phục xong.

Tại Khu Chế xuất Tân Thuận (quận 7), máy ATM được bố trí theo từng cụm từ 3-8 chiếc, có địa điểm lên đến 20 chiếc. Tuy nhiên, trong sáng 23-1, khách hàng rút tiền từ máy ATM tại khu vực này cũng thưa thớt. Theo bà Trần Mai Huyền, cán bộ phụ trách ATM của Vietcombank Chi nhánh Nam Sài Gòn, giao dịch thường tăng lên vào thời điểm công nhân tan ca. Mặt khác, do máy ATM được phân bố hợp lý nên khi có nhiều người rút tiền thì khách đến giao dịch máy khác, góp phần giảm tải cho ATM.

TPHCM: ATM vẫn còn nghẽn - 1

Khách hàng rút tiền từ máy ATM của Ngân hàng Maritime trên đường Phổ Quang, quận Tân Bình, TP HCM

Vấn đề mà nhiều chủ thẻ lo ngại là từ nay đến Tết có thể xảy ra tình trạng máy ATM hết tiền đột xuất? Bà Trần Mai Huyền cho rằng điều này không lo bởi Vietcombank thường xuyên theo dõi trên hệ thống ATM. Khi tiền trong máy còn 100 triệu đồng sẽ tiếp quỹ ngay lập tức (trừ buổi tối). Ngoài ra, nhân viên Vietcombank cũng thường trực 24/24, kể cả chủ nhật 26-1 để tiếp quỹ và xử lý các sự cố ATM.

Ông Chu Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm ATM NH Đông Á (DongABank), cho biết trong 2 ngày qua, một số máy ATM tại các khu công nghiệp bị “treo” trong thời gian ngắn vì có thời điểm khách hàng giao dịch quá nhiều. Đề cập vấn đề máy ATM có thể hết tiền, ông Minh cho hay đội ngũ tiếp quỹ của DongABank không nghỉ Tết để “canh me” sự cố ở khoảng 1.000 máy ATM của ngân hàng này. Nhiều NH khác cũng cho biết đã tăng tần suất tiếp quỹ lên 4-5 lần so với bình thường.

Khó tránh sự cố đường truyền

Thông thường, các sự cố về ATM là do máy bị hư, hết tiền hoặc không nhả tiền, thẻ hư hỏng, chủ thẻ thao tác sai… Đặc biệt, nhiều giao dịch diễn ra trong cùng một thời điểm khiến đường truyền thường bị nghẽn mạch. Khi đó, các NH hay đổ lỗi cho nhau nhất là đối với trường hợp chủ thẻ của NH này giao dịch với máy ATM của NH khác.

Theo các chuyên gia về ATM, nếu đường truyền của NH phát hành thẻ có trục trặc thì chủ thẻ không thể giao dịch với máy ATM của nhiều NH khác bởi hầu hết các NH đã kết nối với nhau.

Theo NH Nhà nước Chi  nhánh TP HCM, để giảm thiểu nhu cầu rút tiền qua máy ATM vào dịp Tết, các NH thương mại đã phối hợp với doanh nghiệp linh hoạt chi trả lương thưởng theo nhiều hình thức; dịch vụ thanh toán POS cũng được phân bố rộng khắp, tiện lợi cho khách hàng khi thanh toán tiền mua hàng… Với các giải pháp này, hệ thống máy ATM trên địa bàn TP HCM sẽ đáp ứng tốt nhất nhu cầu thanh toán, rút tiền mặt trong dịp Tết. Tuy nhiên, các sự cố liên quan đến dịch vụ ATM không thể tránh khỏi. 

Bố trí khắp các quận, huyện

TP HCM hiện có 3.877 máy ATM đang được bố trí ở các quận, huyện, khu công nghiệp, khu chế xuất và 26.800 máy POS (trong đó trên 86% tổng số máy POS đã kết nối thanh toán giữa các NH), tạo ra hệ thống thanh toán tương đối rộng khắp và đáp ứng tốt nhất nhu cầu thanh toán của khách hàng.

NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam được xem là có thế mạnh về mạng lưới với 347 máy ATM, giao dịch bình quân 1.400 tỉ đồng/ngày với hơn 18 triệu lượt khách hàng trong năm 2013.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thy Thơ (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN