TP.HCM: 1km đường ở quận Bình Tân có tới 4 khu đất bị bỏ hoang

Đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân, TP.HCM) đoạn qua khỏi Bến xe Miền Tây về hướng vòng xoay An Lạc hiện có 4 khu đất do các doanh nghiệp Nhà nước quản lý sử dụng đang bị bỏ hoang gây lãng phí.

Đầu tiên, phải kể đến khu đất công rộng gần 2.700m2, tọa lạc tại 574 Kinh Dương Vương, phường An Lạc (quận Bình Tân), do Công ty CP Chế tạo máy Sinco thuộc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (doanh nghiệp Nhà nước do UBND TP.HCM sở hữu) đăng ký sử dụng, hiện vẫn bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.

Theo quan sát, phần lớn diện tích là đất trống. Một góc nhỏ vẫn còn 3 dãy nhà cùng một mái che để xe khách, ô tô. Mặt tiền đường Kinh Dương Vương dài khoảng 200m được rào kín, chỉ còn hiện hữu một bảng tên Sinco hoen rỉ, trơ trọi nhô cao khi đơn vị này chuyển về địa chỉ khác từ cuối năm 2015.

Được biết, Sinco đã từng xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây khu thương mại phức hợp, cao ốc văn phòng, nhưng chưa được chấp thuận. Mặt khác, từ tháng 10.2015, Sinco đã chuyển về địa chỉ mới tại lô B1-6 & B1-7, KCN Vĩnh Lộc 2, ấp Voi Lá, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Một người sống nhiều năm tại khu vực này cho biết, khu đất trên đã bị bỏ hoang từ lâu, bên trong cũng không có hoạt động gì nhiều. Khoảng đầu năm 2016, các công nhân dựng hàng rào, dán các bảng vẽ dự án cao cấp với căn hộ, trung tâm thương mại... Những tưởng sắp có công trình lớn mọc lên, nhưng một thời gian sau phần lớn bảng bị gỡ ra hết mà không hiểu tại sao?

Năm 2009, đoàn giám sát HĐND TP.HCM đã khảo sát thực địa và có kiến nghị thu hồi khu đất này giao cho quận Bình Tân. Tuy nhiên, đến nay khu đất này vẫn bị bỏ trống, trong khi đó quận Bình Tân đang thiếu đất để xây nhà tái định cư, trường học, phục vụ người dân trên địa bàn. Như vậy sau gần 10 năm trôi qua, khu vực này vẫn hoang hóa như trước đây.

TP.HCM: 1km đường ở quận Bình Tân có tới 4 khu đất bị bỏ hoang - 1

Khu đất 574 Kinh Dương Vương do SINCO sử dụng đang bỏ hoang

Cách mặt tiền khu đất của Sinco khoảng hơn 100m là khu đất có diện tích hơn 14.000m2, tọa lạc tại 538 Kinh Dương Vương. Trước đây khu đất này được giao cho Công ty Phân bón Miền Nam (thuộc Bộ Công nghiệp nay là Bộ Công thương) quản lý, sử dụng.

Nhiều năm qua, khu đất chỉ còn trơ trọi cổng mang tên đơn vị này nhưng luôn đóng kín. Năm 2011, TP.HCM đã có văn bản thu hồi, giao lại cho Trung tâm Phát triển quỹ đất, nhưng đến nay vẫn là một bãi đất trống với nhà cửa, xưởng trên đất cũ kỹ, hoang tàn, ngập nước.

TP.HCM: 1km đường ở quận Bình Tân có tới 4 khu đất bị bỏ hoang - 2

Khu đất 620 Kinh Dương Vương.

Cũng cách đó không xa, khu đất 620 Kinh Dương Vương, có diện tích gần 10.000m2 cũng đang trong tình trạng “vườn không nhà trống”. Khu đất này được giao cho Công ty CP Hóa-Dược phẩm Mekophar (thuộc Bộ Y tế) sử dụng từ năm 2004. 

Trong báo cáo tài chính quý 1.2018, Mekophar cho biết: “Chi phí tư vấn dự án Kinh Dương Vương là 90 triệu đồng”. Mặt khác, theo biên bản đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, hiện Mekophar đang quản lý 2 lô đất tại số 297/5 Lý Thường Kiệt (quận 11) và tại 620 Kinh Dương Vương (quận Bình Tân), tìm kiếm đối tác tin cậy, có tiềm lực về tài chính để liên kết kinh doanh" nhằm "có lợi nhất cổ đông và công ty để triển khai”.

Tờ trình của HĐQT Mekophar vào hồi tháng 3.2017 cũng cho biết, phân xưởng hoá - dược hoạt động không còn hiệu quả và xin chuyển dự án. Công ty sẽ "tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh để thực hiện các dự án như khu phức hợp hoặc hình thức kinh doanh khác tại 2 dự án nói trên để mang lại lợi nhuận cho công ty". Rõ ràng, khu đất 620 Kinh Dương Vương đang được phía Mekophar “chuyển thành dự án” sau khi bỏ trống hàng chục năm qua.

Tương tự, gần ngã 3 đường Tên Lửa - Kinh Dương Vương, là khu đất hơn 2.500m2 của Công ty Xi măng Hà Tiên 1 (thuộc Bộ Xây dựng) tại địa chỉ 516 Kinh Dương Vương (quận Bình Tân). Cơ sở vật chất hiện tại trong khu đất đã cũ kỹ, xuống cấp, đóng im lìm, không thấy dấu hiệu hoạt động, chỉ còn một chốt bảo vệ có nhân viên trông coi…

Tính đến cuối tháng 5.2018, theo kết quả giám sát của HĐND TP.HCM, chỉ riêng tại quận Bình Tân hiện có hơn 50 lô đất do các cơ quan đơn vị trực thuộc Trung ương quản lý, sử dụng trong đó có nhiều vị trí bỏ trống hoặc cho thuê lại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nam Sơn (Dân Việt)
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN