TP HCM ì ạch cổ phần hóa
Tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại TP HCM diễn ra chậm chạp có một phần không nhỏ do ý chí của lãnh đạo doanh nghiệp.
Tại cuộc họp sơ kết công việc 6 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp (DN) đánh giá tiến độ cổ phần hóa (CPH), thoái vốn tại DN có vốn nhà nước đang diễn ra chậm, đạt tỉ lệ thấp… Trong đó, TP HCM chậm nhất trong số các đơn vị khi chưa có DN nào được CPH trong danh sách 39 DN nhà nước phải CPH cho tới năm 2020.
Khó xác định giá trị DN
Nhiều nguyên nhân làm cho tiến trình CPH của TP HCM diễn ra chậm như: tính pháp lý tài sản, giá trị DN, chào bán cổ phần… lẫn mức độ quyết tâm của lãnh đạo DN và các cơ quan có thẩm quyền.
Nhiều doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa, thoái vốn ở TP HCM đang hoạt động trong lĩnh vực công ích Ảnh: TẤN THẠNH
Theo tài liệu của Đảng ủy Khối DN - Ban Đổi mới quản lý DN TP HCM, trong số 51 DN thực hiện CPH giai đoạn 2016-2018, 39 DN đã có quyết định CPH và tiến độ xác định giá trị DN, 7 DN có quyết định giao tài sản để CPH, 38 DN được cấp trên chấp thuận cho việc chọn lựa đơn vị tư vấn CPH. Tuy nhiên, việc chuyển giao tài sản và mặt bằng cho DN CPH hết sức phức tạp vì vướng tranh chấp, tiêu tốn nhiều thời gian khi phải xin ý kiến cơ quan thẩm quyền tỉnh, TP khác đối với tài sản, đất ngoài địa bàn TP HCM.
Trong khi đó, DN chưa có hướng dẫn về biện pháp chế tài các đơn vị tư vấn xác định giá trị DN, tư vấn xây dựng phương án CPH trong trường hợp các đơn vị này xác định không đúng giá trị tài sản hoặc phương án CPH không có nhà đầu tư tham gia. Mặt khác, DN còn nhiều vướng mắc trong việc tính giá trị đất vào giá trị DN, giá trị thương hiệu…
Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP (đơn vị đang thực hiện CPH) cho hay sau khi có quyết định CPH vào tháng 4-2017, chỉ trong 2 tháng tiếp theo, công ty đã lập thủ tục giao tài sản, phương án sử dụng đất; xây dựng dự thảo phương án CPH… Thế nhưng, khó khăn lớn nhất mà công ty này phải đối mặt là chỉ có 2 trong số 4 khu đất đã hoàn tất thủ tục pháp lý. Hai khu đất còn lại phải chờ các sở, ban, ngành giải quyết những vấn đề pháp lý, ảnh hưởng đến việc xác định tài sản để tính giá trị DN. Vì thế, đại diện DN này kiến nghị UBND TP gia hạn sổ đỏ cho một khu đất và cấp sổ đỏ cho khu đất còn lại để công ty sớm xác định tài sản.
Cần quyết tâm cao
Theo các chuyên gia tài chính, một trong những rào cản của CPH là DN không dễ chào bán cổ phần lần đầu (IPO). Bởi lẽ, khi DN IPO với tỉ lệ thấp thì không khuyến khích nhà đầu tư tham gia. Trong khi đó, phần lớn nhà đầu tư đều muốn thu gom cổ phần với tỉ lệ lớn để nắm quyền quản lý nhằm sớm đổi mới cơ chế hoạt động của DN.
Lâu nay, dư luận cho rằng tiến trình CPH bị chậm còn do lãnh đạo DN thiếu quyết tâm. Thậm chí, người đứng đầu DN có thể xây dựng phương án, chính sách CPH sao cho giá bán cổ phần có lợi cho các nhà đầu tư thân quen với mình, mà trường hợp bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương, liên quan đến quá trình CPH Công ty CP Bóng đèn Điện Quang - là một minh chứng.
Để tránh việc lãnh đạo DN hạ thấp giá trị DN trước khi CPH, nhiều ý kiến đề xuất nhà nước cần kiểm tra, xử lý các vấn đề về tài chính trước và trong quá trình CPH nhằm ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước. TS Nguyễn Văn Thuận (Trường ĐH Tài chính - Marketing) nhận định vấn đề cốt lõi của CPH là mức độ quyết tâm của lãnh đạo DN và các cơ quan chủ quản DN đó. Bởi lẽ, chủ trương, chính sách CPH của nhà nước đã đầy đủ. Thế nhưng, nhiều DN, cơ quan có thẩm quyền cứ "lình xình" khi giải quyết các vướng mắc liên quan đến CPH. Lãnh đạo DN thì lo ngại mất quyền lợi sau khi CPH thành công. Từ đó, họ xây dựng phương án theo hướng có lợi cho mình rồi trình lên cấp trên. Đồng thời, các đơn vị quản lý DN lại thiếu kiên quyết xử lý khiến việc CPH trở nên ì ạch.
"Bài học CPH Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho thấy quá trình CPH của DN này liên quan đến không ít cá nhân là lãnh đạo DN. Khi Chính phủ, dư luận gây sức ép thì DN này mới niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán và hoàn tất việc CPH" - ông Thuận dẫn chứng.
Tổng giám đốc một công ty nhà nước đã CPH ở TP HCM cho rằng quá trình thực hiện CPH DN nhà nước trên địa bàn đang "tắc". Nếu TP HCM không có sự thay đổi quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo CPH thì chắc chắn đến cuối năm 2018 không thể CPH xong 39 DN.
Quá trình CPH chậm là do khó xác định giá trị DN. Việc xác định giá trị DN ở những DN có quá trình hoạt động càng lâu càng khó, nhất là những công ty mẹ. Trước đó, khi công ty con CPH, những khó khăn, vướng mắc đã dồn hết về công ty mẹ, đến khi công ty mẹ CPH thì vướng càng thêm vướng. Khó khăn tiếp theo là công ty lâu đời còn công nợ không có chứng từ để xử lý tài chính.
Ngoài ra, quá trình định giá tài sản công ty liên quan đến nhiều sở, ngành, đơn vị…; tài sản của DN nằm ở các tỉnh, thành khác nhau cũng gây khó khăn cho quá trình xác định giá trị. Chưa kể, những vướng mắc trong thủ tục hành chính, tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trong việc định giá cao hay thấp… cũng khiến quá trình định giá tài sản DN kéo dài.
TP HCM vẫn chưa thể hiện vai trò nhạc trưởng trong việc quảng cáo, tiếp thị, xúc tiến kêu gọi nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các DN CPH. DN phải tự rao bán, tìm nhà đầu tư, 2 bên gặp gỡ thỏa thuận hợp tác với nhau… Có thể nhà đầu tư được chọn chưa phải là nhà đầu tư tốt nhất, nếu có phương án "bán hàng" chủ động và tốt hơn thì DN sẽ tìm được nhà đầu tư tốt hơn.
Ý KIẾN Chuyên gia kinh tế BÙI KIẾN THÀNH: Xem lại cách làm cổ phần hóa DN nhà nước chiếm đến 40%-50% tổng đầu tư cả nước nhưng đa số hoạt động không hiệu quả, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Chủ trương CPH DN nhà nước đã có từ hơn chục năm nay nhưng quá trình triển khai cứ ì ạch, bây giờ phải làm tới nơi tới chốn. Việc thực hiện CPH DN nhà nước đang gặp trở ngại, cả chủ quan lẫn khách quan. Tuy nhiên, cái gốc của vấn đề là lẽ ra không nên giao cho DN làm những việc đó. Ở các nước muốn CPH DN, nhà nước thuê công ty giám định độc lập vào nghiên cứu giá trị của DN đó và đất đai, nhà cửa, tài sản cố định, thương hiệu, thị trường… Sau khi giám định xong giá trị DN, DN nào không bán và CPH được thì bán và thanh lý; DN nào CPH được thì làm một cách triệt để. Theo tôi, nên bán hết 100% vốn nhà nước tại các công ty này, không cần giữ lại tỉ lệ vốn sở hữu nhà nước, như vậy mới hợp lý. Chuyên gia kinh tế ĐINH THẾ HIỂN: Tháo nút thắt từ cơ chế TP HCM còn lại những DN công ích, tổng công ty đang trong quá trình thực hiện CPH. Những DN hoạt động nửa công ích, nửa kinh tế thị trường, có quỹ đất lớn còn nhiều phức tạp trong việc xử lý tài sản cũng như cách thức hoạt động sau CPH. Ở những DN lớn có hoạt động tốt, độc quyền tương đối và có quỹ đất lớn thì bản thân ban lãnh đạo DN dù muốn CPH nhanh cũng khó vì vướng cơ chế về quản lý đất đai, quá trình định giá mất nhiều thời gian. Vì là độc quyền tương đối nên bài toán lợi ích của nhà nước trong công ty sau khi CPH, chuyển đổi sang hoạt động theo cơ chế mới không phải dễ giải và phụ thuộc vào quyết định của các cấp lãnh đạo. Không nên áp đặt lộ trình CPH mang tính hành chính mà phải làm sao cho quy định về đất đai, tài sản, bất động sản của các DN nhà nước nắm giữ khi chuyển qua công ty cổ phần rõ ràng, cụ thể; phân biệt giữa những hoạt động chính trị và những hoạt động có tính công ích để chiến lược CPH được thực hiện nhanh; đồng thời cử ra một cán bộ cấp cao nhất của cơ quan chủ quản theo dõi, có quyền quyết định việc CPH và phải chịu trách nhiệm nếu không thực hiện đúng pháp luật về CPH. Nếu làm được 3 việc trên thì mới có thể đẩy nhanh quá trình CPH. LS-TS BÙI QUANG TÍN, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM: Phải lên sàn để minh bạch hoạt động Mấu chốt của CPH là chất lượng của DN. Giả sử DN chỉ chào bán 10%-20% cổ phần, đồng nghĩa nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối. Như thế, lãnh đạo của DN sẽ trở thành đại diện cho 80%-90% vốn nhà nước. Từ đó, họ có thể đưa ra các quyết sách kinh doanh có lợi cho mình, dẫn đến DN hoạt động thiếu hiệu quả. Do đó, theo quy định, sau một năm CPH, dứt khoát DN phải niêm yết cổ phần trên sàn chứng khoán để định giá chính xác tài sản, minh bạch thông tin… nhằm nâng cao chất lượng hoạt động. Th.Nhân - C.Thy ghi |