Tổng tài sản của toàn hệ thống tín dụng đạt 9 triệu tỷ đồng

Theo cập nhật thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tổng tài sản của toàn hệ thống tín dụng đạt sát mốc 9 triệu tỷ đồng tính đến ngày 31/05/2017.

Cụ thể, tổng tài sản của toàn hệ thống ở thời điểm trên đạt 8,97 triệu tỷ đồng, tăng 5,45% so với hồi đầu năm. Con số trên tính đến ngày 31/05 và nhiều khả năng ở thời điểm hiện tại đã vượt mốc 9 triệu tỷ đồng.

Trong đó, tính đến hết ngày 31/05, tổng tài sản của nhóm ngân hàng thương mại có gốc nhà nước đạt 4,07 triệu tỷ đồng, tăng 5,54% so với đầu năm; tổng tài sản nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đạt 3,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,49%.

Nhóm ngân hàng liên doanh, ngân hàng nước ngoài có tổng tài sản đạt 858 nghìn tỷ đồng, tăng 3,6%, và nhóm các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính có tổng tài sản đạt 126 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2%.

Có thể thấy là tổng tài sản ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước tăng mạnh nhất về giá trị tuyệt đối, trong khi nhóm các công ty tài chính, cho thuê tài chính có mức tăng mạnh nhất theo tỷ lệ phần trăm. Bên cạnh tổng tài sản, vốn tự có và vốn điều lệ của hệ thống cũng tăng trưởng tốt trong giai đoạn 5 tháng đầu năm, với mức tăng lần lượt đạt 6,52% và 2,28%.

Ngoài ra, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của toàn hệ thống cũng được cải thiện, đạt mức 12,66% với tỷ lệ của tất cả các nhóm đều đạt trên mức quy định của NHNN là 9%, thấp nhất là nhóm NHTM nhà nước đạt 9,76%. Tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của toàn hệ thống tăng nhẹ lên mức 33,35% từ mức 33,32% giai đoạn cuối tháng 3, tuy nhiên vẫn thấp hơn nhiều so với mức 34,51% cuối năm 2016 và thấp hơn nhiều so với mức quy định của NHNN.

Trong một diễn biến khác, NHNN đã có tuần thứ hai liên tiếp phát hành tín phiếu để hút tiền về. Cụ thể, trong tuần qua đã có 39.999,9 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 7 ngày được phát hành mới trong khi lượng vốn đáo hạn qua kênh này đạt 36.999,8 tỷ đồng. Như vậy, NHNN đã hút ròng 3.000,1 tỷ đồng qua kênh tín phiếu. Đồng thời, lãi suất tín phiếu liên tục giảm, từ mức 0,45%/năm vào phiên đầu tuần đã giảm xuống chỉ còn 0,3%/năm cho loại kỳ hạn 7 ngày trong phiên cuối tuần.

Trong khi đó, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đang có xu hướng bật tăng nhẹ trở lại. Ngoại trừ lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm giảm 0,12% về mức 1,15%/năm, lãi suất kỳ hạn 1 tuần đã tăng 0,5% lên mức 1,8%/năm; lãi suất trung bình kỳ hạn 2 tuần tăng 0,55%, lên mức 2,14%/năm trong tuần qua.

Thanh khoản hệ thống ngân hàng có xu hướng bớt dư thừa hơn so với tuần trước đó đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động phát hành trái phiếu Chính phủ của Kho bạc Nhà nước. 3 loại kỳ hạn 5 năm, 20 năm và 30 năm đã được đấu thầu trong tuần qua với khối lượng gọi thầu mỗi loại là 1.000 tỷ đồng. Trong đó đáng chú ý là kỳ hạn 5 năm đã đấu thầu không thành công do lãi suất hiện xuống mức rất thấp. Tuy vậy, kỳ hạn 20 năm và 30 năm vẫn được bán hết với lãi suất tiếp tục giảm mạnh từ 0,2 đến 0,43%. 

Ngân hàng “đánh vật” xử lý nợ xấu

Làm sao để xử lý được tài sản bảo đảm để thu hồi nợ vay là vấn đề khiến các ngân hàng đang chật vật.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngân Giang (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN