Tốn tỷ đô ra nước ngoài chữa bệnh: Vì sao?

Hiện cả nước có khoảng 170 bệnh viện tư nhân với vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng (chưa kể hệ thống bệnh viện công xuống tới cấp huyện). Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, hằng năm người Việt vẫn đem hơn 2 tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh. Điều gì đang khiến bệnh viện gắn sao trong nước kém hấp dẫn?

Kỳ 1: Chuyện của những bệnh nhân VIP

Có những câu chuyện khiến ngay cả người vai vế trong xã hội cũng phát khóc khi phải chịu đựng lối ứng xử hống hách của một số bác sĩ tại bệnh viện của giới nhà giàu. Không ít bệnh viện gắn sao được xây to, trang bị hiện đại, nhưng cung cách ứng xử chưa tương xứng.

Tốn tỷ đô ra nước ngoài chữa bệnh: Vì sao? - 1

Nhạc sĩ Thanh Tùng sau trận thoát hiểm khỏi lưỡi hái tử thần. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nỗi khiếp đảm của nhạc sĩ Thanh Tùng

Mấy tháng trước, nhạc sĩ Thanh Tùng (nổi tiếng với nhiều ca khúc trữ tình: Lối cũ ta về, Lời tỏ tình của mùa xuân, Một mình...) bị sốt nhẹ, gia đình đưa ông vào Bệnh viện Quốc tế Việt Pháp (Hà Nội) khám. Sau khi xét nghiệm, chụp chiếu, gia đình được thông báo sức khỏe ông không đáng ngại, nhưng nên ở lại bệnh viện theo dõi thêm. 

Với thẻ thành viên ưu tiên (VIP), nhạc sĩ Thanh Tùng được nằm phòng riêng, có y tá chăm sóc, người nhà không cần ở lại (dù trước đó đã xin).

Sáng hôm sau, anh Nguyễn Thanh Thông - con trai nhạc sĩ Thanh Tùng tới viện thăm, bất ngờ được thông báo bố đang nguy kịch phải chuyển Khoa Chăm sóc tích cực và thở máy. 

“Khi đó, bác sĩ Thọ (bác sĩ Nguyễn Ngọc Thọ, Trưởng khoa Chăm sóc tích cực - PV), nói bố tôi tình trạng rất xấu, khó qua khỏi, gia đình về chuẩn bị lo hậu sự là vừa. Tôi không hiểu bố mình bị làm sao nữa, mới hôm trước nhập viện, bác sĩ bảo không có gì đáng ngại. Sau một đêm đã phải thở máy”, anh Thông nhớ lại. 

Anh Thông hỏi bệnh tình thì được bác sĩ Thọ liệt kê đủ các lý do: Gãy xương, đột quỵ, viêm phổi nặng… 

“Nếu viêm phổi thì phải phát hiện ra ngay hôm đưa vào, sao sau một đêm đã nguy kịch?”, anh Thông nói. Gia đình nhạc sĩ Thanh Tùng khẳng định không tiếc tiền để ông được sử dụng liệu pháp chữa trị tốt nhất, thậm chí đưa ra nước ngoài nếu bác sĩ hướng dẫn.

“Vào Bệnh viện Quốc tế Việt Pháp, tiền viện phí mỗi ngày đêm gần 40 triệu đồng mà không biết tính mạng bố ra sao. Xin chuyển viện bác sĩ không cho còn tỏ thái độ thách thức. Tôi không thể hiểu nổi”. 

Anh Nguyễn Thanh Thông - con trai nhạc sĩ Thanh Tùng

Nhận tin “về lo hậu sự đi”, anh Thông gọi các anh chị từ trong Nam, nước ngoài về bên bố. 

“Tôi xin gặp bác sĩ nhưng phải chờ gần hết buổi sáng vẫn không được ai tiếp. Lo lắng, tôi gõ cửa gặp bác sĩ Thọ một lần nữa hỏi, nhưng vị này không đưa ra được biện pháp chữa trị xác đáng và chỉ nhăm nhe giữ bệnh nhân ở lại thở máy từ 1 tuần tới 1 tháng để theo dõi”, anh Thông bức xúc. 

Trước tình cảnh này, con trai nhạc sỹ Thanh Tùng quyết định xin chuyển bố sang Bệnh viện Bạch Mai cạnh đó với hy vọng “còn nước, còn tát”. Tuy nhiên, bác sĩ Thọ không đồng ý, dẫn tới hai bên xảy ra to tiếng. Theo anh Thông, lúc gia đình đang bối rối, bác sĩ Thọ đáng ra phải có thái độ đúng mực để gia đình yên tâm. Đổi lại, bác sĩ Thọ to tiếng thách thức. 

“Ông ấy cởi kính, đập tay xuống bàn, rút máy ghi âm rồi tuyên bố: Anh nói đi, tôi sẽ ghi lại hết. Lúc đó, tôi chỉ muốn khóc vì bất lực. Chả lẽ muốn cứu bố mà cũng không được sao. Tôi đã tin tưởng đây là bệnh viện tư quốc tế nên không tiếc tiền đưa bố tới đây”, anh Thông kể.

Sau một hồi cự cãi, van xin, thậm chí nhờ cả những người có vai vế trong xã hội tác động xin chuyển viện (trong khi bệnh nhân mỗi lúc càng nguy kịch), bác sĩ Thọ miễn cưỡng đồng ý cho gia đình đưa nhạc sĩ Thanh Tùng sang Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, phía Bệnh viện Việt Pháp không bố trí bất cứ phương tiện nào hỗ trợ.

Khi nhạc sĩ Thanh Tùng được đưa sang Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai), căn cứ vào kết quả chụp chiếu, bác sĩ kết luận có dị vật trong phổi và có thể chữa được. 

“Các bác sĩ nghi dị vật là cháo, nếu đúng vậy thì chỉ có thể trong quá trình y tá Bệnh viện Việt Pháp cho ăn tối hôm trước làm bố tôi bị sặc. Vì khi nhập viện, ông chỉ bị sốt nhẹ, Bệnh viện Việt Pháp cũng đã làm đủ các xét nghiệm, chụp chiếu, không phát hiện bất thường ở phổi”, anh Thông nói. Sau hơn một tuần chữa trị tại Bệnh viện Bạch Mai, nhạc sĩ Thanh Tùng khỏe lại, được xuất viện.

Tốn tỷ đô ra nước ngoài chữa bệnh: Vì sao? - 1

Một góc Bệnh viện Việt - Pháp. Ảnh: Bình Minh.

Muốn giữ bệnh nhân để kiếm tiền?

Bức xúc với thái độ và chuyên môn của bác sĩ Bệnh viện Việt Pháp, ít tuần sau khi nhạc sĩ Thanh Tùng khỏe lại, anh Thông quay lại làm việc với lãnh đạo bệnh viện. 

Phó Tổng giám đốc Võ Văn Bản tiếp chuyện và khẳng định: Bệnh viện luôn có xe để bệnh nhân chuyển viện khi cần và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nếu gia đình muốn. “Không hiểu sao bác sĩ Thọ lại nói như vậy”, ông Bản nói. 

Khi nghe anh Thông thuật lại sự việc, ông Bản tỏ ra bất ngờ trước thái độ bác sĩ Thọ và khẳng định hành vi như vậy là sai; không đúng tôn chỉ làm việc của bệnh viện. Ông này cũng hứa sẽ có biện pháp xử lý thích đáng. Tuy nhiên, tới nay Bệnh viện Việt Pháp vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng cho gia đình nhạc sĩ Thanh Tùng.

Một bác sĩ Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Những trường hợp như nhạc sĩ Thanh Tùng không phải hiếm, khoa đã tiếp nhận nhiều trường hợp chuyển từ bệnh viện tư sang cấp cứu. “Bệnh viện tư nhiều khi vì sức ép thu hút bệnh nhân và thu viện phí nên cố giữ bệnh nhân; khi chuyển sang cho chúng tôi bệnh tình đã khá nặng”, vị bác sĩ này nói.

Mê bệnh viện nước ngoài vì… dịch vụ

Vừa chữa bệnh ở Singapore về, bà Nguyễn Thị Nguyệt (70 tuổi, ở Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội), cho biết: Năm 2008, bà bị tai biến do bệnh tiểu đường. Sau 2 năm chạy chữa tại Việt Nam nhưng chỉ hồi phục 70%, một số di chứng vẫn không hết. Năm 2010, bà Nguyệt quyết định sang Singapore. Sau gần 1 tháng cả chữa bệnh và du lịch, bà Nguyệt đã phục hồi hơn 90%, với chi phí chữa trị, thuốc men hơn 80 triệu đồng.

“Bệnh viện của họ sạch sẽ, thái bộ bác sĩ, y tá phục vụ rất chu đáo vì người bệnh mà không đòi hỏi. Họ chỉ thu đúng số tiền hóa đơn”, bà Nguyệt nói.

Anh Nguyễn Văn Nam (ở TP Vinh, Nghệ An) cho biết, cậu anh bị khối u ở phổi, nên anh đưa sang Singapore. Sau gần 1 năm, mỗi tháng khám và chữa trị khoảng 2 ngày. Tổng chi phí gia đình anh bỏ ra cho 1 năm chữa trị hơn 3 tỷ đồng. “Dịch vụ của họ thì luôn xứng đồng tiền bát gạo”, anh Nam kể.

(Còn nữa)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo L.H.Việt - Tuấn Đức (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN