Tồn kho BĐS: Lớn nhưng... chưa đủ

Trong phiên chất vấn Quốc hội chiều 12/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhận được nhiều câu hỏi “khó”. Tuy nhiên, với câu hỏi liên quan đến vấn đề tồn kho BĐS, vị Bộ trưởng này nhận định là “dễ” và xung phong trả lời trước.

ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) bày tỏ lo ngại về tình hình tồn kho BĐS sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế và đề nghị Bộ Xây dựng có biện pháp nào để chống đầu cơ vốn là nguyên nhân gây bong bóng BĐS.

Cùng mối lo ngại với ĐB Tâm, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, tình trạng tồn kho BĐS là rất lớn, điều đó không chỉ thể hiện qua các số liệu về căn hộ, nhà tồn kho mà còn bao gồm cả những sản phẩm dở dang cũng có khối lượng rất lớn. Đó còn chưa kể đến tồn kho nền đất đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp.

Giải trình về nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, quá trình phát triển các công trình BĐS tự phát, phong trào và thiếu tuân thủ quy hoạch, kế hoạch. Các dự án quá nhiều, vượt xa so với nhu cầu thực của xã hội, của thị trường. Ngoài ra, cơ cấu BĐS bất hợp lý, vừa thừa vừa thiếu. Thừa các căn hộ cao cấp, trung bình, thiếu bất động sản đáp ứng nhu cầu của người dân có thu nhập thấp.

Tồn kho BĐS: Lớn nhưng... chưa đủ - 1

Chưa có số liệu chính xác về tồn kho BĐS là bao nhiêu

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng nêu rõ, vốn cho BĐS chủ yếu dựa vào vay tín dụng và một phần đóng góp của người dân. Chủ đầu tư đa số là chủ doanh nghiệp với vốn chủ sở hữu rất thấp nên khi tín dụng cho BĐS bị thắt chặt, lãi suất tăng cao thì các chương trình đóng băng do thiếu vốn.

Đề cập chi tiết hơn về thị trường BĐS, ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) đề cập đến thị trường căn hộ, biệt thự cực lớn ở Hà Nội và TPHCM ế ẩm, dư nợ BĐS có thể lên đến một triệu tỷ đồng. “Đây chủ yếu là dự án cao cấp, đã hạ giá 30 – 40 % nhưng chẳng ai mua vậy chúng ta sẽ bán cho ai? Khi chuyển đổi, phải thiết kế lại sẽ phát sinh nhiều chi phí, Bộ trưởng đã tính đến chưa? Bao nhiêu vốn hiện đang chết chìm trong BĐS, đề nghị Bộ trưởng cho biết con số nợ đọng BĐS bao nhiêu? Nhu cầu vốn bao nhiêu, trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu? Trong 1-2 năm tới tồn đọng BĐS có được giải quyết được không?

Theo Bộ trưởng Dũng, đối với hàng tồn đọng BĐS, hiện nay có nhiều cơ quan đánh giá về tồn kho nhưng chưa có tiêu chí thống nhất nên số liệu khác nhau. Bộ Xây dựng đã yêu cầu địa phương báo cáo, hiện theo số liệu chưa đầy đủ của 44 tỉnh thành, đến 30/8 căn cứ vào tiêu chí căn hộ tồn kho, loại hình chung cư trên 16.000 căn, nhà thấp tầng trên 5.000 căn. Đất nền tổng cộng hơn 1,6 triệu m2, văn phòng TTTM 25.000 m2… Tổng giá trị tồn kho ước tính trên 40 nghìn 700 tỷ đồng.

“Kinh doanh BĐS liên quan đến nhiều ngành, việc tháo gỡ khó khăn phải yêu cầu giải pháp đồng bộ. Đặc biệt vai trò của địa phương – trực tiếp quản lý dự án, có điều chỉnh cơ cấu lại hay không đều phụ thuộc vào địa phương và quyết tâm của DN. BĐS đang giai đoạn khó khăn nhất, và tiếp tục khó khăn. Nhưng chắc chắn nó sẽ ấm lên cùng sự hồi phục của nền kinh tế”, Bộ trưởng Dũng nói.

Tuy nhiên, các ĐB tỏ ra rất thất vọng bởi việc nắm bắt thông tin tồn kho BĐS của Bộ Xây dựng. Con số cụ thể vẫn chưa được biết chính xác, vẫn chỉ là trên số liệu công bố.

Một ngành “ăn theo” ngành BĐS là ngành vật liệu xây dựng (VLXD) thì theo Bộ trưởng Dũng, đối với hàng tồn kho VLXD, tồn kho xi măng hiện khoảng 2,9 triệu tấn, tương đương khoảng 17 ngày sản xuất nên không đáng ngại. Các loại VLXD khác tồn kho khoảng 2 – 3 tháng sản xuất. Để giải quyết hàng tồn kho, Bộ trưởng Dũng cho rằng, giải pháp ưu tiên là gỡ bỏ rào cản về GPMB, vốn đối ứng để đẩy nhanh dự án ODA, dự án của DN đầu tư. Tập trung sử dụng vật liệu trong nước, như xi măng làm đường giao thông, tập trung làm nhà ở bình dân, nhà ở giá rẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Trà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN