Toàn cảnh Ngân hàng 2013

Khép lại năm 2013, bức tranh ngân hàng đã “rạng” hơn như giữ ổn định tỷ giá, quản lý thị trường vàng không gây bất ổn, lãi suất giảm nhanh và mạnh khiến doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận vốn hơn. Tuy nhiên, còn khá nhiều vấn đề đáng lưu tâm. Trang Tài chính- Ngân hàng Tiền Phong mời bạn đọc cùng nhìn lại.

1. Tăng trưởng tín dụng hơn 10% - thấp nhưng chất

Năm 2013 dự kiến khoảng hơn 10%, chỉ bằng 1/3 so với thời kỳ 2009. Tuy mức tăng này không cao nhưng theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đảm bảo chất lượng và tín dụng tăng rất sát với tăng GDP. Đây cũng là yếu tố quan trọng để hạn chế dòng tiền trong lưu thông, không chạy theo mục tiêu cho vay bằng mọi giá. Từ đó, hạn chế tác động bất lợi đối với lạm phát. Tuy không cán “đích” tăng trưởng 12% nhưng kết thúc năm, giới ngân hàng có vẻ hài lòng với “vành đai an toàn này”.

2. Lãi suất giảm nhanh bằng giai đoạn 2005-2006

Lãi suất đã được điều hành theo hướng giảm dần, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và biến động của lạm phát, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Mặt bằng lãi suất VND đã giảm khoảng 2 - 5% so với đầu năm, trong đó, lãi suất huy động giảm 2 -3%/năm, lãi suất cho vay giảm 3 - 5%/năm và đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005 - 2006. Lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức thấp 7-9%/năm, trong đó khách hàng tốt lãi suất cho vay chỉ 6,5 - 7%/năm; lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác ở mức 9 - 11,5%/năm. 3.

Tỷ giá giữ lời, vàng ổn định Thị trường ngoại hối tiếp tục có một năm ổn định tỷ giá ở mức tăng chỉ 1,3% nếu so với tỷ giá USD/VND với mức tăng không quá 2-3%, kết thúc năm, đặc biệt là nguồn lực dự trữ ngoại hối tiếp tục được củng cố (ước tính đạt trên 30 tỷ USD).

Thị trường ngoại tệ tự do gần như không còn hoạt động, tình trạng đô la hóa được khắc phục căn bản, quan hệ huy động- cho vay ngoại tệ được chuyển hóa dần sang quan hệ mua - bán ngoại tệ; Quản lý thị trường vàng sau một thời gian chịu nhiều “điều tiếng” và áp lực hiện đã đi vào ổn định. Mạng lưới kinh doanh, mua- bán vàng miếng mới có quản lý của Nhà nước được thiết lập, hoạt động thị trường vàng đi vào ổn định.

Toàn cảnh Ngân hàng 2013 - 1

Năm 2013, lãi suất, vàng, tỷ giá đã ổn định. Ảnh: Như Ý, Trình bày: Hoàng Thủy

Ngày 31/12 hôm nay, phiên đấu thứ 76 chính thức ghi nhận sự thành công của NHNN. Ngoài đảm bảo nguồn cung cho thị trường, quản lý vàng năm qua đã không để xảy ra bất cứ một đợt sốt giá hay biến động căng thẳng nào.

4. Công ty xử lý nợ xấu VAMC ra đời

“Kỳ họp vừa qua, đa số đại biểu Quốc hội đánh giá rất tích cực thành quả NHNN đã đạt được. Hai năm trước, hệ thống ngân hàng đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Nhưng đến nay, NHNN không còn dùng nhiều biện pháp hành chính can thiệp vào thị trường.

Lãi suất huy động đã được thả nổi lãi cho kỳ hạn từ 6 tháng. Còn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sự phối hợp giữa UBND với NHNN chi nhánh đã được thực hiện rất tốt”. Ông Trần Du Lịch - Phó đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh nói tại Hội nghị NHNN TP ngày 27/12/2013 Sau thời gian khá dài tranh luận và dự liệu, cuối cùng mô hình xử lý nợ thành lập công ty khai thác và quản lý tài sản (VAMC) đã ra đời.

Tuy VMAC không phải là cây đũa thần” nhưng với việc bắt đầu mua lại nợ xấu của các TCTD từ tháng 10/2013, tác động của VAMC lên bản cân đối sổ sách các ngân hàng rõ rệt. Đến cuối tháng 11/2013, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng là 4,55%, chỉ tăng 19% so với mức tăng tới 67% cùng kỳ 2012. Năm nay hệ thống ngân hàng tự xử lý được 70 nghìn tỷ đồng nợ xấu từ nguồn trích lập dự phòng rủi ro.

Bên cạnh đó, VAMC đã mua 32 nghìn tỷ đồng và còn vài ngày nữa sẽ đảm bảo mua 35 nghìn tỷ đồng như mục tiêu đề ra.

5. Tiếp tục tái cơ cấu và sáp nhập

Cùng với việc hợp nhất giữa PVFC với Western Bank thành PVcomBank, điểm khác biệt trong năm 2013 là sự kiện sáp nhập DaiABank vào HDBank - hai ngân hàng được đánh giá an toàn, lành mạnh và không nằm trong diện phải tái cơ cấu bắt buộc.

Sự kiện này có thể mở đầu cho một xu hướng sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng nhỏ và tầm trung thành những định chế lớn hơn. Bên cạnh, câu chuyện thoái vốn ngoài ngành của các Tập đoàn Nhà nước trong đó không ít là cổ phiếu ngân hàng cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến lộ trình tái cơ cấu.

6. Mối lo sở hữu chéo

Tại diễn đàn kinh tế Mùa thu 2013, các chuyên gia đã lên tiếng cảnh bảo về tình trạng sở hữu chéo.

Hiện, không ít NHTM Nhà nước lớn nắm giữ cổ phần tại các ngân hàng nhỏ, hoặc khá nhiều doanh nghiệp vẫn “tay ngang” với ngân hàng. Chưa kể, nhiều ông chủ ngân hàng này cũng sở hữu cổ phần của ngân hàng “nọ”. Sở hữu chéo trở thành “ca khó” không dễ chữa và tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Rất nhiều ông chủ ngân hàng đích thực hiện vẫn “mai danh ẩn tích” để người thân đại diện phần vốn sở hữu của mình.

7. Thất bại của gói 30.000 tỷ

Tháng 5/2013 gói 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở mới ra đời. Gói này được kỳ vọng sẽ giải cứu thị trường bất động sản. Tuy nhiên, thay cho dự báo giải ngân 15.000 - 17.000 tỷ đồng ngay trong năm 2013, sau 6 tháng số tiền giải ngân chiếm chưa tới 2%, khiến gói này được báo giới đánh giá thất bại trong năm 2013. Cái khó, chính là điều kiện cho vay được “siết” khá chặt. Vốn dĩ giới nhà băng không nhiệt tình lắm với việc giải ngân này bởi khá nhiều DN bất động sản muốn vay thực ra không còn khả năng hấp thụ hay chính xác là trả nợ.

8. Hết thời lãi khủng, giảm lương thưởng

Năm 2013, ước tính có khoảng 17% tổ chức tín dụng thua lỗ. Lợi nhuận của toàn hệ thống lũy kế 11 tháng 2013 đạt 29.500 tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm ngoái, nhưng so với 2010 và 2011 thì chỉ bằng 53-64%. Đi kèm với bức tranh kinh doanh ảm đảm đó, thời hoàng kim thưởng Tết tiền tỷ, tiền trăm triệu của các ngân hàng cũng không còn. Năm nay, không phải ngân hàng nào có tháng lương thứ mười ba cho nhân viên chứ chưa kể đến thêm cả chục tháng lương như thời lãi khủng. Chưa kể, khó khăn khiến một số ngân hàng đang tính đến chuyện cắt giảm nhân sự, lên tới cả ngàn người.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Huyền (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN