Tín hiệu vui cho thị trường tín dụng
Trong những ngày qua, vấn đề giảm lãi suất lại một lần nữa làm “nóng” thị trường, khi lãi suất huy động VND tại một số ngân hàng đột ngột được điều chỉnh giảm, có nơi giảm khá mạnh tới 1%. Theo giới chuyên gia nhận định, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có đợt điều chỉnh lãi suất trên toàn hệ thống.
Các ngân hàng “vào cuộc”
Theo công bố mới nhất của NHNN, lãi suất của các tổ chức tín dụng (TCTD) phổ biến ở mức 1 - 2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng khoảng 7,8 - 8%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên khoảng 10 - 11%/năm. Trong khi đó, tại một số ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần có quy mô nhỏ hiện đang duy trì mức lãi suất huy động khoảng 12%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng. Mức lãi suất huy động giảm thể hiện hầu hết các ngân hàng đang đồng loạt điều chỉnh lãi suất, đây cũng có thể nói là dấu hiệu tích cực để dòng vốn được lưu thông. Bên cạnh đó, với sự tích cực của NHNN trong việc điều hành lãi suất khi dự kiến nếu tiếp tục giảm lãi suất thì sẽ tính toán các bước nhỏ, thay vì mức giảm 1%/năm qua mỗi lần trong năm 2012.
Tiên phong cho việc điều chỉnh giảm lãi suất là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), khi đã đưa lãi suất kỳ hạn 1 tháng đến 11 tháng xuống 7,92%; kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng có lãi suất cao nhất là 11,3%; các kỳ hạn còn lại ngân hàng áp mức 11%. Tiếp theo ngân hàng SCB, là BIDV cũng đã áp mức lãi suất huy động VND cao nhất từ cuối năm 2012 đến nay đã giảm chỉ còn 9,5%/năm.
Tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), từ giữa tháng 3/2013, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn truyền thống của ACB cũng giảm, cụ thể ngân hàng này đã điều chỉnh giảm 0,2% đối với các kỳ hạn 1 đến 6 tháng, niêm yết ở mức 7,8% đối với hình thức lãi cuối kỳ; 7,7% lãi tháng. Đối với kỳ hạn 9 tháng thì lãi suất chỉ là 7,6%. Riêng với các kỳ hạn từ 12 tháng được ngân hàng này áp mức lãi suất từ 10% đến 10,8%; trong đó mức cao nhất là ở kỳ hạn 36 tháng, 24 tháng và 13 tháng với hình thức lãi cuối kỳ.
Đặc biệt cho việc điều chỉnh lãi suất thời gian gần đây là Vietcombank đang được xem là giảm “khủng” nhất, giảm tới 1% so với trước đó. Theo đó, lãi suất huy động VND tại ngân này đã đồng loạt giảm 1%/năm ở các kỳ hạn dài, từ 12 tháng trở lên, từ mức 10,5%/năm trước đó xuống còn 9,5%/năm. Đối với kỳ hạn ngắn, Vietcombank hiện bị áp trần tối đa là 8%/năm…
Bên cạnh việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động, các NHTM còn “tung” ra các gói hỗ trợ lãi suất nhằm kích cầu tiêu dùng như Ngân hàng ACB triển khai chương trình 10 ngày vàng từ ngày 20/3 đến ngày 30/3/2013, các khách hàng vay hiện hữu tại ACB khi vay thêm số tiền tối thiểu 300 triệu đồng sẽ được hưởng lãi suất 10,99%/năm đối với các khoản vay cho mục đích sản xuất kinh doanh. Với vay tiêu dùng, xây dựng, sửa chữa nhà lãi suất thấp nhất 11,99%/năm. Khách hàng giải ngân khoản vay mới sẽ đồng thời được giảm lãi suất của các khoản vay hiện hữu còn 14,99%/năm.
Sẽ có một dòng tiền mới?
Theo đánh giá của giới chuyên gia tài chính, ngân hàng, việc giảm lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng sẽ là động lực để tiến tới giảm thêm lãi suất cho vay, hỗ trợ cho nền kinh tế, giúp giảm chi phí đối với doanh nghiệp và hướng người gửi tiền đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Việc các NHTM chủ động cắt giảm lãi suất huy động là một động thái tích cực. Với diễn biến trên, trong thời gian tới, nhiều khả năng một dòng tiền lớn sẽ bung ra thị trường. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cảnh báo, nếu không có biện pháp nắn dòng, số vốn này rất dễ chảy vào tín dụng đen, cho vay nặng lãi giữa cá nhân, vay chéo lẫn nhau theo phương thức thỏa thuận giữa các doanh nghiệp...
Cũng theo các chuyên gia tài chính, ngân hàng, lãi suất cho vay lý tưởng nhất hiện nay là 10%/năm. Theo đó, lãi suất đầu vào cần giảm xuống 7%/năm để phù hợp với biên độ 3%/năm giữa huy động và cho vay. Và theo đó, mục tiêu kiềm chế lạm phát phải dưới 5%
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu NHNN trong việc điều hành chính sách tiền tệ cần phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường để có chính sách thích hợp trong việc điều chỉnh lãi suất, nhằm tiến tới giảm lãi suất cho vay. Số liệu từ NHNN cho thấy, trong tháng 2/2013, dư nợ tín dụng đã tăng 0,26% từ mức giảm 1,23% trong tháng 1. Tính chung 2 tháng đầu năm 2013, tín dụng giảm 0,28% so với cuối năm 2012, thấp hơn mức giảm 1,88% trong 2 tháng đầu năm 2012. Song song đó, huy động vốn cũng tăng trở lại kể từ cuối tháng 1, tính đến hết tháng 2/2013, huy động vốn tăng 2% so với cuối năm 2012, gấp hơn 2 lần mức tăng của 2 tháng đầu năm 2012.