Tín dụng vọt tăng: Ngân hàng phải theo dõi chặt thanh khoản

Sự kiện: Kinh Doanh

Trong các tháng tới, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về đẩy mạnh vốn đầu tư công, một lượng vốn lớn của KBNN gửi tại NH sẽ được rút ra dần và không loại trừ khả năng sẽ gây biến động mạnh về thanh khoản của toàn hệ thống.

Tại phiên họp thường trực Chính phủ ngày 12/8, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải tích cực thúc đẩy tăng trưởng. Để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng 6,7% năm 2017 thì 6 tháng cuối năm phải đạt 7,42%.Và như vậy, ngoài đẩy mạnh đầu tư công, tăng trưởng tín dụng sẽ được xem là một kênh quan trọng “cung”  vốn cho nền kinh tế

Cụ thể, với lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, đầu tư tài chính, thương mại, Thủ tướng đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch, lộ trình để bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 21 – 22%. Thủ tướng cũng lưu ý chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu, quản lý chặt chẽ tín dụng bất động sản, bảo đảm chỉ tiêu lạm phát…Giới phân tích dự tính nếu đạt mức tăng tín dụng kỷ lục này, dự kiến sẽ có gần 700 nghìn tỷ được bơm ra cho nền kinh tế chỉ trong 5 tháng cuối năm.

Tín dụng vọt tăng: Ngân hàng phải theo dõi chặt thanh khoản - 1

Hình minh họa

Trước đó, nhìn thấy khả năng hệ thống ngân hàng sẽ sớm hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 18% đặt ra hồi đầu năm, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng giảm lãi suất cho vay, đồng thời đưa dư nợ tín dụng lên cao hơn hoặc bằng 20% trong năm nay, trên cơ sở chất lượng tín dụng và ổn định vĩ mô.

Theo phân tích của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), đề xuất này không có gì là bất ngờ đặt trong bối cảnh lạm phát vẫn đang ở mức khá thấp trong khi động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP còn gặp nhiều trở ngại. Hiện tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng đạt khoảng 6 triệu tỷ đồng.

Cụ thể, BVSC chỉ ra: Nếu tăng trưởng tín dụng đạt 20% nghĩa là cả năm 2017 dư nợ phải tăng thêm 1,2 triệu tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa trong 5 tháng cuối năm, một lượng vốn không hề nhỏ (khoảng 642 nghìn tỷ đồng) sẽ được tiếp tục bơm ra nền kinh tế. Vấn đề đặt ra là liệu khi các ngân hàng được khuyến khích tăng cung vốn cho nền kinh tế thì liệu thanh khoản của hệ thống có gặp khó khăn hay không.

Theo BVSC, điều này có thể sẽ diễn ra tại một số thời điểm nhất định, nhất là trong giai đoạn cao điểm chi trả nhu cầu thanh toán vào cuối quý IV. Một yếu tố khác nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thanh khoản hệ thống chính là việc đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn TPCP của KBNN. Tại thời điểm cuối tháng 5 năm nay, ước tính có 143 nghìn tỷ đồng đang được KBNN gửi vào hệ thống ngân hàng.

Trong các tháng tới, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về đẩy mạnh vốn đầu tư công, lượng vốn này sẽ được rút ra dần và không loại trừ khả năng sẽ gây biến động mạnh về thanh khoản của toàn hệ thống. Đây là yếu tố cần được quan sát chặt chẽ trên thị trường tiền tệ.

Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (UBGS) tín dụng tính đến hết tháng 7/2017 ước tăng 9,3% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 8,8%). Điều này đồng nghĩa với việc dư nợ cho vay chỉ tăng 0,24% riêng trong tháng 7. Cùng đó, tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn trong 7 tháng đầu năm có xu hướng giảm, chiếm khoảng 53,9% tổng tín dụng (cuối năm 2016 chiếm 55,1%) trong khi tỷ trọng tín dụng ngắn hạn có xu hướng tăng, chiếm 46,1% (cuối năm 2016 chiếm 44,9%).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Huyền (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN