Tín dụng tăng tốc

Các doanh nghiệp cần chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp để gia tăng cơ hội tiếp cận vốn tín dụng tốt hơn.

Sau một thời kỳ trì trệ, tín dụng ngân hàng đang tăng tốc khá nhanh từ cuối quý III.

Mục tiêu trong tầm tay

Vụ Chính sách Tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến hết tháng 8, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đạt 6,45% so với cuối năm 2012. Tín dụng bật tăng khá mạnh trong những tháng trở lại đây khiến nhà điều hành và giới chuyên gia đều có nhận định chung sẽ dễ dàng đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 12%. Để đạt mục tiêu này, tăng trưởng tín dụng bình quân mỗi tháng cuối năm cần tăng khoảng 1,4%/tháng.

Tín dụng tăng tốc - 1

Các ngân hàng đang áp dụng nhiều giải pháp phù hợp để đẩy mạnh cho vay. (Ảnh chỉ mang tính minh họa) Ảnh:HỒNG THÚY

Khác với diễn biến 2 quý đầu năm, bây giờ các ngân hàng thương mại không còn lo ế vốn, thay vào đó là động thái đề xuất nới room tín dụng để có thêm lợi nhuận. Hàng loạt ngân hàng đã được chấp thuận nới room như: Sacombank, HDBank, Nam A Bank và gần đây là BIDV đề xuất nới room lên 17%, còn VIB đề xuất hạn mức tăng trưởng tín dụng 20%.

Từ đầu quý III, tăng trưởng tín dụng của hầu hết các ngân hàng đều có sự hồi phục đáng kể. Tại Vietcombank, tín dụng 6 tháng đầu năm âm 1,47% thì đến hết tháng 8 đã tăng trưởng dương 2,8%. Một trong những nguyên nhân “cởi trói” tăng trưởng tín dụng trong thời gian qua là tác động từ việc giảm mặt bằng lãi suất. Tính đến nay, lãi suất cho vay đã giảm trung bình 3%-5%/năm, quay trở lại với mặt bằng lãi suất cho vay năm 2005, khiến lãi suất không còn là rào cản lớn đối với doanh nghiệp và nền kinh tế.

Hiện tại, việc tiếp cận vốn vay chưa đồng đều giữa các khu vực doanh nghiệp do các ngân hàng lo ngại phát sinh nợ xấu mới nhưng lãi suất giữa các ngân hàng khá cạnh tranh. Đáng lưu ý là với chủ trương chống đô la hóa, tín dụng bằng ngoại tệ 8 tháng đầu năm đã giảm 11,55% trong khi tín dụng bằng đồng nội tệ đã tăng 10,4%.

Lo chệch hướng

Tuy nhiên, số liệu thống kê khu vực sản xuất, kinh doanh lại không tương đồng với tốc độ đẩy vốn ra nền kinh tế. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8 chỉ tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 7% của tháng 7. Đáng lưu ý là sản xuất và phân phối điện cũng chỉ tăng 8,4% trong khi tháng 7 tăng tới 9,2%. Điều này cho thấy sản xuất, kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn nên nhu cầu sử dụng điện thấp.

Chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến trong tháng 8 cũng tăng trở lại sau khi giảm liên tiếp trong những tháng đầu năm. Tại thời điểm ngày 1-7, chỉ số tồn kho của ngành này tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đến ngày 1-8 đã tăng lên 9%. Theo TS Nguyễn Minh Phong, đây có thể là dấu hiệu cho thấy dòng vốn chưa thực sự chảy vào sản xuất, thị trường. Tín dụng tăng nhanh vừa qua có thể do các ngân hàng cơ cấu lại nợ và nhu cầu đảo nợ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu vốn thực sự chảy vào sản xuất thì cũng chưa thể có chỉ số tăng trưởng công nghiệp đẹp ngay được vì còn phải chờ độ trễ chính sách.

Theo các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp cần chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp để gia tăng cơ hội tiếp cận vốn tín dụng tốt hơn. Về phía các ngân hàng, cần tiếp tục các giải pháp phù hợp để đẩy mạnh cho vay khách hàng cũ, khai thác thêm khách hàng mới. Vì dư địa chính sách tiền tệ từ nay đến cuối năm rất hạn hẹp, các chính sách tài khóa, thương mại và đầu tư cũng cần phải đồng bộ hơn, mới có thể làm tăng tổng cầu, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Linh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN