Tín dụng nhiều nhà băng lớn vẫn âm

Mùa kinh doanh cao điểm cuối năm bắt đầu, nhưng nhu cầu vốn của DN chưa có dấu hiệu tăng, dù mặt bằng lãi suất cho vay giảm dần.

Tổng huy động vốn trong 8 tháng đầu năm của ngành ngân hàng tăng 10,3%, nhưng dư nợ tín dụng chỉ tăng 1,4% so với cuối năm 2011. Không ít ngân hàng đang có tăng trưởng dư nợ âm.

Tín dụng nhiều nhà băng lớn vẫn âm - 1

Dù các NHTM tung ra nhiều gói kích cầu, nhưng tiến độ giải ngân vốn vẫn rất chậm.

Khó tăng trưởng tín dụng

Thông thường, trong các tháng cuối năm, nhu cầu vốn của các DN gia tăng, để phục vụ mùa vụ kinh doanh dịp Tết. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia tài chính, hiện hàng tồn kho chưa giảm, sức mua thị trường chưa được cải thiện, nên DN không mặn mà vay vốn để đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Vì thế, dù các NHTM tung ra nhiều gói kích cầu, có chính sách lãi suất ưu đãi, nhưng tiến độ giải ngân vốn vẫn chậm. Chính điều này đã làm nghẽn dòng chảy tín dụng và tăng trưởng dư nợ của một số nhà băng lớn vẫn khó thoát khỏi tình trạng âm, trong khi lãi suất cho vay giảm còn 7 - 10%/năm.

Eximbank là một ví dụ. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nhận được cho năm nay là 17%, nhưng qua hơn 8 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này vẫn âm 2,3%, cho dù Eximbank được xem là một trong những ngân hàng có mức lãi suất cho vay đối với DN xuất khẩu cạnh tranh nhất trên thị trường hiện nay. Cụ thể, với chương trình cho vay tiền đồng - lãi suất USD, lãi suất cho vay đối với DN xuất khẩu tại Eximbank chỉ còn dao động trong khoảng 7 - 10%/năm và 12 - 15%/năm cho khách hàng cá nhân.

Tại ACB, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nhận được cho năm 2012 cũng là 17%, nhưng trước bối cảnh thị trường khó khăn, ACB chỉ đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 2 - 3%. Theo một lãnh đạo cấp cao của ACB, so với đầu năm 2012, hiện tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng gần như bằng 0.

Tương tự, tình hình tăng trưởng tín dụng của Sacombank cũng không thể phát triển mạnh trước diễn biến thị trường có những khó khăn hiện nay. Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, dư nợ tín dụng của Ngân hàng đến gần cuối tháng 8/2012 mới chỉ đạt 3%, so với chỉ tiêu nhận được cho cả năm là 17%. Vì thế, dư địa cho vay còn khá nhiều, trong thời gian tới, Sacombank sẽ tiếp tục hỗ trợ vốn cho DN, với chính sách lãi suất ưu đãi giảm dần.

Còn theo ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối khách hàng DN OCB, 9 tháng đầu năm 2012, tăng trưởng tín dụng của riêng khối khách hàng DN đạt gần 17%. Ngân hàng kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cả năm của khối khách hàng này sẽ đạt trên 30%. Tuy nhiên, tính riêng trong tháng 9/2012, tăng trưởng tín dụng của OCB âm đến 5%. Trong khi đó, Ngân hàng đã và đang triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi. Các khoản cho vay DN sẽ được hưởng mức lãi suất thấp hơn 1 - 1,5%/năm đối với VND và 0,5 - 1% đối với USD, so với mức lãi suất cho vay thông thường của OCB.

Tại Vietcombank, ngân hàng này cho biết, tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm đạt 7,2% và ước đạt 8,5% vào cuối tháng 9 này. Dự báo cho cả năm 2012, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đạt khoảng 13%, thấp hơn so với kế hoạch tăng tín dụng 17% đã đề ra hồi đầu năm. Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho rằng, trước bối cảnh khó khăn hiện nay, không phải cứ muốn đẩy mạnh cho vay là đạt chỉ tiêu, mà ngược lại, luôn phải kiểm soát kỹ nợ xấu.

Đồng quan điểm, Tổng giám đốc DongA Bank, ông Trần Phương Bình chia sẻ, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng nhận được cho cả năm nay là 15%, nhưng hơn 8 tháng qua, tín dụng mới chỉ tăng vài phần trăm, song không hẳn là xấu. Bởi lẽ, tình hình tiêu thụ hàng hóa của các DN vẫn chậm. Tín dụng tăng trưởng được hay không cũng không hẳn do bản thân Ngân hàng, mà còn tùy thuộc vào thị trường tiêu thụ, sức mua của người tiêu dùng. Đối với DongA Bank, Ngân hàng xác định mục tiêu quan trọng hơn là quản trị rủi ro tốt, chứ không quan trọng về vấn đề tín dụng, không vì lợi nhuận tăng trưởng nhanh mà bất chấp rủi ro.

Mặt bằng lãi suất cho vay tiền đồng hiện nay ở các NHTM đã được điều chỉnh giảm dần để thu hút khách hàng. Trong đó, với khách hàng DN, các nhà băng đã giảm lãi suất về mức thấp nhất 7- 9%/năm và phổ biến ở mức 12 - 13%/năm.

… dự báo 4 tháng cuối năm tăng 2%

TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, tăng trưởng tín dụng 4 tháng cuối năm khó đạt 2% và lãi suất huy động 9%/năm là hợp lý, sẽ khó giảm thêm từ nay đến cuối năm.

TS Lịch nhận định, thị trường đang có nhu cầu giải thoát hàng tồn kho. Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô năm 2012 không mấy sáng sủa, nên dù nới lỏng chính sách tiền tệ, thì tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm vẫn khó đạt mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra ở mức 8 - 10%. Bởi lẽ, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế qua DN còn rất hẹp, trừ khi Chính phủ cho phép khoanh nợ một số đối tượng. Thực tế, tổng huy động vốn 8 tháng đầu năm tăng 10,3%, nhưng dư nợ tín dụng của ngành chỉ tăng 1,4% so với cuối năm 2011, chứng tỏ tín dụng đang bị nghẽn, vốn không bơm được, chứ không phải thiếu.

Theo số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, đến ngày 30/8, tổng hợp của 69 tổ chức tín dụng (gồm 5 NHTMNN, 27 NHTMCP, 25 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 12 công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính), chiếm thị phần tín dụng 90%, thì dư nợ cho vay bằng VND có mức lãi suất dưới 10%/năm chiếm tỷ trọng 5,4%; mức lãi suất từ 10 - 13%/năm chiếm tỷ trọng 20,1%; mức lãi suất từ trên 13%/năm đến 15%/năm chiếm tỷ trọng 49,7%; mức lãi suất trên 15%/năm chiếm tỷ trọng 22,7% (giảm khoảng 71% so với tỷ trọng trước ngày 15/7/2012 và giảm thêm 1,9% so với ngày 16/8/2012). Trong đó, lãi suất cho vay giảm mạnh nhất ở nhóm 5 NHTMNN (có tỷ trọng dư nợ cho vay với mức lãi suất trên 15%/năm là 5,8%), giảm khoảng 91% so với tỷ trọng trước ngày 15/7.



 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Vinh (Đầu tư chứng khoán)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN