Tín dụng âm, nợ xấu vẫn tăng mạnh
Tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đến hết quý II/2012 vẫn trong tình trạng âm và đến hết tháng 8/2012, dư nợ chỉ đạt 1,4%. Mặc dù vậy, tại nhiều ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu lại có xu hướng tăng.
Chỉ tính riêng 8 ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, tốc độ tăng trưởng tín dụng 2 quý đầu năm 2012 bình quân đạt 0,84%. Trong khi đó, nợ xấu của 8 ngân hàng này bình quân là 2,34%, cao hơn gấp đôi so với cuối năm 2011. Vì thế, 8 ngân hàng này đã phải trích lập khoản dự phòng rủi ro lên đến 5.680 tỷ đồng trong 2 quý đầu năm nay, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm trước. Dẫn đến, lợi nhuận trước thuế của nhóm này trong quý II/2012 giảm 27%, lũy kế 6 tháng đầu năm giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2011.
Trong số 8 ngân hàng trên, Navibank có tỷ lệ nợ xấu tăng cao nhất trong 2 quý đầu năm nay (3,87%).
Để giảm tỷ lệ nợ xấu, các ngân hàng thương mại đã tích cực cơ cấu lại nợ và giảm dần lãi suất khoản vay cũ về dưới 15%/năm, nhằm giúp khách hàng, nhất là doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Song do tình hình thị trường chưa được cải thiện, hàng tồn kho vẫn tăng, trong khi sức mua thị trường còn yếu, nên khả năng trả nợ vay cũ là rất khó khăn.
Đối với khoản vay mới, để hạn chế tối đa rủi ro nợ xấu phát sinh, các ngân hàng đã chắt lọc kỹ khách hàng, chỉ chọn khách hàng tốt cho vay, dù tăng trưởng tín dụng âm. Theo ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank, dư địa tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng còn nhiều, vì đến nay, Sacombank chỉ sử dụng hết 2 - 3% tổng “room” tăng trưởng tín dụng cả năm (17%). Thế nhưng, ông Khang cho biết, không phải vì thế mà Sacombank đẩy mạnh cho vay bằng mọi giá. Ngược lại, Ngân hàng rất thận trọng trước khi trao vốn, nhằm hạn chế rủi ro.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình, nợ xấu lớn và có chiều hướng tăng nhanh trong hệ thống các tổ chức tín dụng đang tác động tiêu cực đến điều hành chính sách tiền tệ của NHNN và tính an toàn, hiệu quả kinh doanh của các tổ chức tín dụng.
Thống đốc cho biết thêm, NHNN đang tập trung rà soát, đánh giá thực trạng nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng để xây dựng phương án tổng thể xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng, trình Chính phủ quyết định trong thời gian sớm nhất.
Giải pháp khả thi được đề xuất để xử lý nợ xấu vẫn là cần phải lập một tổ chức mang tầm quốc gia để xử lý nợ xấu. Tổ chức này phải được sử dụng một nguồn vốn rất lớn để xử lý và chỉ có thể làm được khi có nguồn vốn từ Nhà nước là chủ yếu cùng với sự đóng góp thêm của các nguồn lực khác. Nhưng có một điều cần làm rõ, việc mua lại các khoản nợ này không phải là các khoản nợ do ngân hàng gây ra, mà đó là những khoản nợ của doanh nghiệp, cá nhân không đủ khả năng trả nợ ngân hàng.
Vì vậy, xử lý nợ hay mua lại nợ xấu không phải để cứu ngân hàng, mà để giải phóng các tài sản bảo đảm của người vay bằng bất động sản hay hàng hóa tại thời điểm hiện nay chưa thể bán được, nhưng có thể hầu hết trong số đó sẽ là hàng hóa có giá trong tương lai.