Tín dụng âm nhìn từ 600 con nợ ở Quốc Oai
Từ một vài tháng nay, gần như ngày nào ngân hàng T cũng cử cán bộ về làng ĐL (Quốc Oai, Hà Nội) để thúc những con nợ trả lãi hàng tháng.
Số là khi thị trường địa ốc phía Tây Hà Nội nổi sóng, người dân trong làng thi nhau thế chấp nhà đất vay ngân hàng.
Chỉ một làng nhỏ, với hơn 600 hộ dân, nhưng tổng dư nợ ngân hàng tới 300 tỷ đồng. Tính bình quân, cứ mỗi hộ nợ tới 500 triệu đồng. Cách đó vài cây số, ở làng PX (Thạch Thất-Hà Nội), có tý nghề truyền thống làm cày bừa, sắt thép, số dư nợ lên tới 1.200 tỷ đồng.
Đáng nói, sau khi được giải ngân, phần lớn số tiền vay trên được cho vay nặng lãi, ném vào sòng bạc, số đề... Nay thì cán bộ ngân hàng chỉ biết về “lạy” dân để vớt vát được chút nào hay chút ấy.
Nhưng vì sao người dân vay được nhiều tiền như vậy? Hỏi 10 con nợ, thì 9 người nói để vay trót lọt, họ phải thông qua các cò tín dụng và phải trả từ 5-10% trên tổng số tiền vay cho cò và cán bộ ngân hàng. Việc bôi trơn theo phương thức “khấu trừ” tại nguồn, ngay khi tiền ra khỏi ngân hàng.
Nay thị trường bất động sản đóng băng, có đến 90% con nợ của làng không trả được lãi và gốc hàng tháng. Các khoản nợ dù chưa đáo hạn đã phải chuyển sang nợ xấu.
Chỉ nhìn vào thực tế một ngôi làng trên, mới thấy tình trạng tăng trưởng tín dụng âm từ đầu năm tới nay, là có nguyên nhân sâu xa từ tiêu cực của cán bộ ngân hàng.
Nay tất yếu ngân hàng đóng cửa không dám cho vay, vì tỷ lệ nợ xấu quá cao. Nếu cuối năm 2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ lệ nợ xấu chỉ 3,6%, thì cuối tuần vừa rồi, con số trên được Thống đốc công bố là 10%.
Còn thực tế, chỉ có các ngân hàng mới biết. Như Habubank, chỉ đến khi sáp nhập vào SHB, con số nợ xấu thật mới lộ ra tới trên 16%.
Sau 4 lần điều chỉnh về 13%, 12%, 11% và từ 11-6 là 9% một năm, lãi suất huy động đang gần chạm mức thấp của năm 2009 (mức 7% một năm). Còn tính riêng 3 tháng gần đây, NHNN đã giảm lãi suất tới 3 lần, nhằm kéo lãi suất cho vay xuống.
Nhưng xem ra, hiệu ứng của những quyết định hành chính trên, mới đang mang lại những hiệu ứng tâm lý, còn thực tế phần lớn DN được hỏi, đều không tiếp cận được vốn mới, còn vay được với mức lãi suất huy động cộng thêm 3-3,5% như khống chế của NHNN lại càng hiếm hơn.
Gốc rễ của việc DN khó vay, kể cả lãi suất cao, chính là vì nợ xấu ngân hàng. Hiện NHNN cũng đã chỉ ra được căn nguyên bệnh tín dụng âm, khi cơ quan này đề xuất lập DN mua bán nợ của nhà nước, với số vốn khoảng 100.000 tỷ đồng để có thể mua nợ xấu.
Nhưng xem ra, câu chuyện cũng chẳng dễ dàng, bởi nhà nước không thể bỏ tiền thuế của dân để gánh nợ xấu cho các ngân hàng, nhất là với những khoản nợ do lỗi chủ quan từ phía ngân hàng.