Tín dụng 4 tháng đầu năm tăng 'thần tốc': Dòng vốn chảy vào đâu?
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm đạt hơn 4,8%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Dòng tiền được giới nhà băng khẳng định đang chảy mạnh vào 5 lĩnh vực ưu tiên trong sản xuất kinh doanh. Tuy vậy, vẫn có quan ngại, liệu có một lượng tiền quanh quẩn được “dẫn” vào thị trường bất động sản hay chứng khoán?
Tín dụng tăng do doanh nghiệp hấp thụ vốn tốt
Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, dòng tín dụng đã chảy đều cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đã có sự cải thiện. Cùng lúc, các ngân hàng công bố những con số khả quan. Tại Ngân hàng Vietcombank, tín dụng 4 tháng đầu năm tăng vọt lên tới 8% so với mục tiêu tăng trưởng dự kiến 17-18% cả năm. Tại Ngân hàng VietinBank, tín dụng vọt lên ngưỡng 4% so với đầu năm và dư nợ tín dụng ước đạt hơn 752 nghìn tỷ đồng. Còn BIDV đạt mức tăng tương đương hơn 4% trong. Sacombank tăng tín dụng tính đến hết quí I đạt 3,8%… Tín dụng tăng chảy vào đâu? Chủ tịch HĐQT Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành cho biết, hiện tín dụng của nhà băng này đang chảy đều vào 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Vietcombank đã đăng ký tham gia gói tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao trị giá 10.000 tỷ đồng.
Tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm đạt hơn 4,8%.
Nhận xét về dòng tiền chảy trong hệ thống, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) nói: Tín dụng vẫn tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dư nợ tín dụng đối với những lĩnh vực này chiếm khoảng 80%. “Tín dụng đạt mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, là tín hiệu tích cực cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp tương đối tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động hơn và lợi nhuận của các ngân hàng sẽ có cải thiện tích cực”, ông Hùng khẳng định.
Vào chứng khoán, bất động sản nhiều hay ít?
Bình luận về tốc độ tăng “thần tốc” của tín dụng trong 4 tháng qua, TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Tài chính (Bộ Tài chính) tỏ ra hơi băn khoăn vì xem ra, với mức tăng trưởng GDP qúy I/2017 chỉ đạt 5,1%, đầu tư công thấp và lạm phát không biến động, liệu có hay không việc dòng tiền ít nhiều chảy vào thị trường trái phiếu, chứng khoán hay bất động sản?
“Nên hỏi các công ty chứng khoán xem tình hình cho vay thế chấp ra sao? Thị trường này từ đầu năm tới nay luôn tốt về thanh khoản, dòng tiền chảy đều. Cho vay chứng khoán cũng được xem là ngon nhất bởi lãi suất cao, tài khoản sẵn cổ phiếu bán lúc nào cũng được”, TS Độ lưu ý. Tuy nhiên, với câu hỏi này, phụ trách bộ phận phân tích một công ty chứng khoán lập tức khẳng định dòng tiền vào thị trường này từ đầu năm đến nay không thay đổi . “Vốn vào thị trường vẫn loanh quanh ngần ấy. Tiền của nhà đầu tư khá nhiều, bởi việc thoái vốn, đấu giá lên sàn đang là cơ hội sinh lời”, vị này cho biết.
Thời gian qua, để kiểm soát dòng tín dụng không đi vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, NHNN đã ban hành nhiều văn bản quy định pháp luật quan trọng. Theo đó, từ đầu năm 2017, hệ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các tổ chức tín dụng phải giảm từ 60% xuống còn 50%, đến đầu năm 2018 giảm còn 40%. Hay quy định của NHNN về tỷ lệ rủi ro các khoản vay bất động sản nâng từ 150% lên 200%. Tại Vietcombank theo ông Nghiêm Xuân Thành, dù hệ số sử dụng vốn hiện lên tới 80% nhưng dư nợ cho vay bất động sản và BOT rất ít.
Theo khối phân tích công ty chứng khoán SSI, mặt bằng lãi suất vẫn đang chịu áp lực tăng trong năm 2017. Tăng trưởng tín dụng dự báo 16 - 17%. Hiện, tốc độ tăng tín dụng đã chậm lại trong tháng 4 (tăng 0,8%) do thanh khoản và lãi suất liên ngân hàng ở mức cao. “Nhưng tín dụng tăng chậm không phải là tín hiệu xấu mà ngược lại, là điều cần thiết ở giai đoạn này, nhằm cân bằng lại với tốc độ tăng huy động và để đánh giá kỹ hơn khả năng hấp thụ của nền kinh tế, tránh nguy cơ lạm phát”- bản tin ngày 9/5, SSI nhận định.
Từ đầu năm 2017, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ thị về điều hành chính sách tiền tệ, trong đó có đề cập việc quản lý chặt chẽ cho vay đối với bất động sản, BOT, BT giao thông. |