Tiêu điểm là cải cách doanh nghiệp Nhà nước
Các thảo luận chính của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam VBF 2013 (diễn ra ngày 3.12 tới tại Hà Nội) là cải cách doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), ông Alain Cany, chủ tịch VBF cho biết tại cuộc họp báo chiều 1/12.
Theo ông Cany, bên cạnh chủ đề cải cách ngân hàng, VBF đã thống nhất cùng Chính phủ tập trung vào cải cách DNNN, bởi cải cách khu vực này có lẽ còn quan trọng hơn. Các diễn giả sẽ đề cập tới cải cách DNNN ở nhiều khía cạnh khác nhau,đề cập tới các mô hình và đưa ra các khuyến nghị.
Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng chủ tịch VBF cho rằng, chủ đề trung tâm về cải cách DNNN phản ánh mối quan tâm của các doanh nghiệp. Việc cải cách DNN cũng quyết định tới môi trường kinh doanh bình đẳng ở Việt Nam.
Theo ông Lộc, doanh nghiệp vẫn tiếp tục khó khăn nhưng cũng có bước hồi phục, dù chưa cao. Trong 9 tháng đầu năm, có 70.000 doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại, trong đó 58.000 doanh nghiệp đăng ký mới, hơn 11.000 DN trở lại hoạt động. Tuy nhiên, cũng có 40.000 DN đóng cửa, ngừng hoạt động trong 9 tháng đầu năm. Đáng chú ý, Lộc cho hay, hiện nay có hai tín hiệu tích cực dài hạn đối với doanh nghiệp. Đó là chương trình tái cấu trúc được phê duyệt và bắt đầu thực hiện, hy vọng Chính phủ sẽ quyết liệt tái cấu trúc, tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Hai là Chính phủ Việt Nam tích cực đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại đa phương và song phương như TPP, FTA với EU….Đó à một trong các động lực của Việt Nam thời gian tới, mở rộng thị trường. Muốn hay không thì áp lực các hiệp định đó sẽ thúc đẩy đổi mới thể chế của Việt Nam. Hai xu hướng cải cách gặp nhau ở đẩy mạnh cải cách thể chế trong nước. Hai bánh xe đẩy nền kinh tế và cải cách thể chế lên trước. Các nhà đầu tư đón nhận xu hướng cải cách đó, ông Lộc nói.
Ông Cany cho biết thêm, lần đầu tiên có 2 nhóm công tác mới trong diễn đàn năm nay, là Hải quan và nhóm Quản trị và minh bạch. Diễn đàn này cũng lần đầu tiên công bố báo cáo tiến độ VBF. Sau kỳ họp VBF này, cũng sẽ có nhóm công tác mới là về Nông nghiệp, vì nông nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Nhóm công tác này sẽ có hỗ trợ kỹ thuật từ IFC và Ngân hàng Thế giới WB.
Ông Lộc bày tỏ hy vọng những cải cách về hải quan và xây dựng quản trị minh bạch hiện đại sẽ giúp Việt Nam vươn tới mục tiêu có môi trường kinh doanh vào hàng tốt nhất khu vực ASEAN.