Tiết lộ chiêu trò ma quái của tội phạm rửa tiền
Thủ đoạn của tội phạm rửa tiền luôn thay đổi và ngày càng tinh vi hơn nhằm đối phó, gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xác định, truy tìm, phong tỏa, tịch thu “tiền bẩn".
Những “chiêu trò” của tội phạm rửa tiền thường khá đa dạng, tinh vi và nằm tiềm ẩn trong nhiều hoạt động kinh tế.
Trước tiên là trong cơ cấu các giao dịch. Bản chất của phương thức này là chia nhỏ số tiền mặt và gửi vào các định chế tài chính để tránh bị báo cáo, bị nghi ngờ và thường được sử dụng ở các quốc gia mà luật pháp yêu cầu phải báo cáo các giao dịch tiền mặt vượt một ngưỡng nào đó, ví dụ ở Việt Nam là 300 triệu đồng (theo Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg ngày 18/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo), ở Hoa Kỳ là 10 nghìn đô la. Liên quan đến phương thức này, tội phạm có thể chia số tiền lớn thành nhiều phần nhỏ dưới mức phải báo cáo để gửi vào các định chế tài chính hoặc mở nhiều tài khoản ở nhiều các định chế tài chính khác nhau và gửi số tiền dưới mức phải báo cáo hoặc có thể thuê những người khác gửi tiền mặt do phạm tội mà có vào tài khoản của họ sau đó chuyển khoản về tài khoản của tội phạm.
Thủ đoạn, chiêu trò rửa tiền của tội phạm ngày càng tinh vi, khó kiểm soát
Hai là, vận chuyển tiền mặt qua biên giới. Do cơ chế phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố ở các quốc gia có mức độ chặt chẽ khác nhau, nên tội phạm có xu hướng vận chuyển tiền mặt có được từ hoạt động bất hợp pháp tới quốc gia có cơ chế phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố yếu kém hơn. Ngoài mục đích rửa tiền, việc vận chuyển tiền mặt qua biên giới còn nhằm thực hiện các hành vi bất hợp pháp hoặc gây khó khăn cho lực lượng điều tra. Để dễ dàng cho việc vận chuyển hoặc cất giấu, tội phạm thường đổi lấy những đồng ngoại tệ mạnh và có mệnh giá lớn.
Ba là, thông qua các giao dịch thương mại, như sử dụng hóa đơn giả; xuất hóa đơn với giá trị thấp hơn hay cao hơn giá trị của hàng hóa, dịch vụ; vận chuyển hàng hóa thực tế với số lượng nhiều hơn hoặc ít so với hóa đơn; ký hợp đồng đặt mua hàng sau đó hủy hợp đồng….
Điểm mấu chốt của những thủ đoạn này là không ghi đúng giá trị của hàng hóa, dịch vụ để tạo ra căn cứ chuyển ít hơn hoặc nhiều hơn so với giá trị thực của hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Với thủ đoạn này, các bên mua, bán thường có thỏa thuận, thông đồng với nhau trước.
Hoặc tội phạm rửa tiền có thể khai báo nhiều hoặc ít hơn số lượng hàng hóa thực tế được vận chuyển. Thậm chí, bên xuất khẩu có thể không chuyển bất kỳ hàng hóa nào lên tàu nhưng chúng thông đồng với các bên có liên quan (vận chuyển, hải quan, nhà nhập khẩu...) để có được bộ hồ sơ chứng từ đầy đủ liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa khống (hay còn gọi là hàng hóa được vận chuyển trên “con tàu ma”). Ngân hàng có thể không biết là bị liên quan đến việc chuyển tiền thanh toán hàng hóa xuất nhập khẩu cho những con tàu ma này.
Tội phạm rửa tiền đặt cọc mua hàng bằng tiền mặt phi pháp, sau đó hủy hợp đồng, chịu phạt theo quy định của hợp đồng và yêu cầu hoàn trả lại tiền đặt cọc còn lại dưới dạng séc mà người thụ hưởng là hắn hoặc bên thứ ba. Tội phạm rửa tiền cũng có thể tạo lập ra những hợp đồng mua bán với điều khoản ứng trước 100% tiền hàng hóa, dịch vụ để làm căn cứ yêu cầu ngân hàng chuyển tiền ra nước ngoài. Trong trường hợp này, ngân hàng đã chuyển tiền ra nước ngoài trong khi hàng hóa chưa về, do đó ngân hàng nên căn cứ vào điều khoản giao hàng và ước lượng thời gian vận chuyển để tính toán thời điểm yêu cầu khách hàng xuất trình chứng từ hải quan để kiểm tra.
Bốn là, thông qua các hoạt động casino hoặc vui chơi giải trí có thưởng. Tội phạm rửa tiền lợi dụng cơ chế của tổ chức casino để rửa tiền. Người chơi tại tổ chức casino không dùng tiền thật để chơi mà dùng thẻ đánh bạc (thẻ đánh bạc có thể được gọi là phỉnh hoặc chíp hoặc sèng) ghi dấu hiệu giá trị (ví dụ $1, $2, $5, $10…) để chơi. Theo đó, người chơi sẽ đổi tiền thật lấy thẻ đánh bạc để chơi, khi kết thúc họ có thể đổi thẻ đánh bạc lấy tiền mặt hoặc séc. Lợi dụng cơ chế này, tội phạm rửa tiền dùng tiền mặt có được từ hoạt động bất hợp pháp để mua một số lượng lớn thẻ đánh bạc, nhưng chỉ đánh bạc hoặc đặt cược một số tiền không đáng kể. Sau đó hắn trả lại thẻ và đề nghị được nhận lại tiền dưới dạng séc và tuyên bố đó là tiền được bạc.
Năm là, sử dụng các công ty “bình phong” và công ty “vỏ bọc”. Công ty “bình phong” là một thực thể được thành lập hợp pháp, nhưng hoạt động của công ty không nhằm thực hiện các chức năng vốn có mà nhằm mục đích rửa các nguồn tiền bất chính.
Công ty “vỏ bọc” là một thực thể được thành lập hợp pháp tại một quốc gia nhưng hoạt động chính của chúng lại được tiến hành tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác.
Tội phạm sử dụng các công ty này để trộn lẫn các nguồn tiền phi pháp với tiền hợp pháp của công ty hoặc sử dụng công ty để chuyển tiền qua lại với nhau nhằm tách số tiền có được từ hoạt động bất hợp pháp ra xa nơi chúng thực hiện hành vi phạm tội và nhằm gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật trong việc dựng lại các giao dịch tài chính hoặc thu hồi tài sản phạm tội.
Sáu là, thực hiện các hành vi mua chuộc, hối lộ. Tội phạm luôn tìm mọi cách để hối lộ cán bộ, nhân viên của các định chế tài chính để thực hiện những giao dịch tiền mặt lớn nhưng không báo cáo theo quy định của pháp luật hoặc giúp đỡ tội phạm lập các tài khoản ngân hàng với tên giả hoặc các chứng từ giả để chuyển tiền qua ngân hàng.
Bẩy là, mua tài sản có giá trị lớn bằng tiền mặt. Tội phạm rửa tiền dùng tiền mặt mua các tài sản có giá trị lớn sau đó chúng bán lại, hành động này có thể được lặp đi lặp lại nhiều lần nhằm tạo dựng lòng tin đối với người xung quanh hoặc cơ quan pháp luật để tránh bị nghị ngờ. Hoặc đơn giản là chúng dùng tiền mặt để mua tài sản có giá trị lớn như bất động sản, sau đó chúng bán và yêu cầu được thanh toán bằng séc để nộp ngân hàng hoặc chuyển khoản nhằm tránh bị báo cáo.
Tám là, chuyển đổi sang các công cụ tiền tệ khác. Tội phạm rửa tiền nộp tiền mặt vào ngân hàng và đề nghị mua các công cụ tiền tệ có thể chuyển nhượng được ví dụ như séc du lịch, hối phiếu… Với thủ đoạn này, tội phạm có thể dịch chuyển tiền qua biên giới, tránh được sự kiểm soát của Hải quan.
Chín là, sử dụng hệ thống chuyển tiền thay thế (hệ thống ngân hàng “ngầm”). Hệ thống chuyển tiền thay thế là hệ thống chưa đăng ký, chưa được cấp phép thực hiện nhận tiền, tài sản từ nơi này để chuyển cho người thụ hưởng ở nơi khác. Một số hệ thống chuyển tiền kiểu này trên thế giới có thể kể đến như chợ đen trao đổi Peso, Hundi, hệ thống Hawala. Đặc điểm của hệ thống chuyển tiền thay thế là hoạt động dựa trên cơ sở niềm tin, chi phí rẻ, tốc độ chuyển nhanh nên rất dễ bị kẻ rửa tiền, tài trợ khủng bố lạm dụng.
Hiện nay, hệ thống chuyển tiền thay thế được chấp nhận ở một số quốc gia trên thế giới, một số quốc gia không chấp nhận trong đó có Việt Nam.
Mười là, rửa tiền thông qua hoạt động tín dụng. Đối với phương thức, thủ đoạn này, tội phạm thường sử dụng tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp để thế chấp cho ngân hàng hoặc chúng sử dụng tiền có được từ hoạt động bất hợp pháp để trả nợ các khoản vay ngân hàng.
Mười một là, lợi dụng luật sư và kế toán. Tội phạm rửa tiền thường lợi dụng luật sư và kế toán vào việc: thành lập các công ty bình phong, vỏ bọc; mua và bán tài sản; thực hiện các giao dịch tài chính; lập kế hoạch và tư vấn thuế; thực hiện vai trò trung gian giới thiệu tới các định chế tài chính hoặc bạn bè đồng nghiệp; cung cấp các Giám đốc và nhà quản lý.
Tuy nhiên, tùy vào khuôn khổ pháp luật, yếu tố chính trị, kinh tế, đặc điểm về địa lý, thói quen, tập quán thanh toán... mà ở một quốc gia nào đó, một trong các phương thức, thủ đoạn nêu trên được áp dụng phổ biến hơn các phương thức, thủ đoạn khác. Vì lý do đó, theo khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF), các quốc gia phải thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố để có cơ sở tập trung nguồn lực ngăn ngừa, phát hiện, xử lý loại tội phạm này.