Tiết lộ bất ngờ của DN BĐS từ chối vay gói 50.000 tỷ
Có doanh nghiệp từ chối thẳng không vay gói 50.000 tỷ bởi tài sản thế chấp của mình nhưng lại giải ngân cho Thiên Thanh, có lãnh đạo đơn vị chia sẻ: “Nếu chờ gói 50.000 tỷ chắc chúng tôi chết rồi!”….
Gói liên kết 4 nhà (ngân hàng, chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung ứng vật liệu sản xuất) trị giá 50.000 tỷ đồng dành cho bất động sản và xây dựng mà Ngân hàng Xây dựng Việt Nam và Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh (Công ty Thiên Thanh) được công bố rầm rộ từ tháng 3. Thế nhưng đến nay đã 5 tháng trôi qua, nhưng theo thông tin mà Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết thì đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào vay được từ gói này.
Vậy câu hỏi đặt ra, vì sao từ ngày triển khai vẫn chưa có doanh nghiệp nào vay được từ gói 50.000 tỷ?
Trò chuyện với PV, lãnh đạo một công ty xây dựng (xin không nêu tên) cho biết, ông đã từng từ chối vay gói 50.000 tỷ đồng bởi quá thất vọng với cách cho vay của gói liên kết này.
Đơn vị ông được đại diện gói 50.000 tỷ “ngỏ lời” hỏi thăm có nhu cầu vay hay không? Vì thế, vị lãnh đạo này mới quyết định tìm hiểu kỹ, nếu được thì ông sẽ vay 50 tỷ đồng. Thế nhưng, khi bàn thảo kỹ lưỡng, sâu xa, vị này mới “tá hỏa” khi phát hiện ra vấn đề thực tế không phải cho Công ty của ông vay mà là cho Công ty Thiên Thanh vay với thời hạn 1 năm. Sau đó, Công ty Thiên Thanh sẽ bán vật tư cho công trình của ông với trị giá số tiền mà ông muốn vay.
Doanh nghiệp bất động sản thất vọng, có doanh nghiệp đã từ chối vay gói 50.000 tỷ.
“Gói liên kết mà họ nói là 4 nhà nhưng trên hồ sơ không cho Công ty của tôi vay mà lại cho Công ty Thiên Thanh vay. Lý do cho Thiên Thanh vay là để bán vật tư cho Công ty tôi, họ đưa lý do Công ty tôi có lợi là mua được 50 tỷ đồng vật tư mà không phải trả tiền mặt, có ngân hàng trả hộ.
Khi Công ty Thiên Thanh bán vật tư cho tôi sẽ lời ra được khoảng 10%, khoảng 5 tỷ. Như vậy, tiền của tôi nhưng họ bán vật tư cho tôi vừa lời tiền, nhưng tiền lãi hàng tháng của cả năm đó tôi vẫn trả cho Thiên Thanh. Nếu Công ty Thiên Thanh có sự cố thì tôi lại là người bị thu tài sản vì tài sản thế chấp lúc làm hồ sơ thủ tục là của tôi. Tóm lại, tiền thì ngân hàng cho Công ty Thiên Thanh vay, tài sản thế chấp lại là của tôi, mục đích chỉ là giải ngân bán vật tư cho tôi. Tôi là người phải trả lãi tài sản của tôi và họ bán vật tư cho tôi họ có lời”, vị lãnh đạo này phân tích cái vòng luẩn quẩn về cách cho vay gói 50.000 tỷ.
Ông cũng nhận định, bất động sản không cho vay ngắn hạn 1 năm mà vay dài hạn 3-5 năm, nhưng họ cho vay ngắn hạn mục đích chỉ để mua bán vật tư, cách cho vay như thế chỉ những chủ dự án đang kẹt không có tiền mua vật tư mới thích hợp.
Tỏ rõ sự thất vọng về gói cho vay này, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành chia sẻ: Đất Lành của chúng tôi là một trong 2 doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh được mời ra Hà Nội để ký hợp đồng ghi nhớ. Sau khi ký hợp đồng ghi nhớ ở Hà Nội, về TP Hồ Chí Minh họ còn ký thêm hợp đồng ghi nhận nhưng cuối cùng cũng không đi đến đâu.
“Lúc đầu tôi rất hy vọng vào gói 50.000 tỷ này nhưng sau 2 tháng tôi thấy thất vọng vì cách tổ chức kém, không có thực lực khiến Công ty chúng tôi phải bán dự án cho đơn vị khác, nếu chờ mãi gói đó thì chắc chúng tôi “chết” rồi”, ông Đực nói thẳng.
Vị lãnh đạo này nhận xét: Ngân hàng Xây dựng là ngân hàng yếu nhất trong nhóm ngân hàng tham gia gói 50.000 tỷ, là người yếu nhất thì không thể làm “nhạc trưởng” được.
Còn Công ty Thiên Thanh không phải là đơn vị vật liệu xây dựng lớn mà chỉ là cái “chợ” nhận vật tư của những người khác để phân phối lại thì chắc gì đã rẻ hơn các doanh nghiệp mua bên ngoài. “Nhập đề” đã có khiếm khuyết rồi thì khó thành công.
“Đến nay, 2 lãnh đạo của hai đơn vị Ngân hàng Xây dựng và Công ty Thiên Thanh đều dính vào vòng lao lý nghĩa là cả “cha” và “mẹ” nó đều dính dáng đến vấn đề pháp luật thì coi như gói 50.000 tỷ này quá khó”, ông Đực khẳng định.
Vị lãnh đạo DN bất động sản tiếp lời: Không chỉ có đơn vị chúng tôi thất vọng mà có lẽ nhiều đơn vị khác cũng rất mất niềm tin vào những gói tín dụng cho vay thế này, giá nhà thì cao nên người dân lơ là… doanh nghiệp phải tự tìm cách “thoát” thân bằng cách mua bán dự án là “cực chẳng đã”.